Hình ảnh tàu Trung Quốc áp sát tàu Mỹ ngày 30/9. Ảnh: US Navy. |
"Khi Mỹ thể hiện sẵn sàng gia tăng đối đầu Trung Quốc trong nhiều vấn đề, Bắc Kinh cũng cho thấy quyết tâm tương tự", Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp về châu Á, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ, đánh giá khi trao đổi với VnExpress về việc chiến hạm Trung Quốc áp sát tàu khu trục Mỹ ở Trường Sa.
Hôm 30/9, khi tàu USS Decatur của Mỹ thực thi quyền tự do hàng hải khi di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Ga Ven và đá Gạc Ma, tàu khu trục lớp Luyang (Type-052C) của Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt động tác cơ động, kèm những cảnh báo yêu cầu tàu Mỹ rời khỏi khu vực. Có thời điểm chiếc Type-052C chỉ cách mũi tàu USS Decatur khoảng 41 m, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm. Ga Ven và Gạc Ma là hai đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Cựu đại tá hải quân Mỹ Carl Schuster đánh giá hành động áp sát như vậy của tàu chiến Trung Quốc là rất nguy hiểm, bởi các chỉ huy tàu chỉ có vài giây để quyết định xem có chuyển hướng tàu hay không. "Các hạm trưởng sẽ rất căng thẳng khi các tàu cách nhau dưới 900 m", Schuster nhấn mạnh.
Với Đài Loan, Mỹ cũng đang xúc tiến kế hoạch bán lô khí tài quân sự trị giá 330 triệu USD. Ngoài các linh kiện thay thế cho tiêm kích F-16 và vận tải cơ C-130, Mỹ sẽ cung cấp 18 hệ thống trinh sát dẫn bắn Sniper hiện đại cho phi đội tiêm kích Đài Loan. Trung Quốc đã phản ứng dữ dội trước việc này, kêu gọi Washington tuân thủ nguyên tắc "một Trung Quốc" bằng việc chấm dứt các hợp đồng bán vũ khí và cắt quan hệ quân sự với Đài Bắc, nhằm tránh làm tồn hại quan hệ song phương và duy trì hòa bình ổn định tại eo biển Đài Loan.
Hôm 26/9, tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Trump cáo buộc Trung Quốc cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử vào tháng 11 của Mỹ, vì ông là tổng thống đầu tiên thách thức Trung Quốc về thương mại và "Mỹ đang thắng ở mọi cấp độ".
"Phản ứng hung hăng của Trung Quốc với hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải này của Mỹ (FONOP) không đơn giản là đẩy lui tàu Mỹ gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa, mà là một phần của xung đột có chiến lược ở quy mô lớn hơn với quan hệ song phương", ba Glaser nhấn mạnh.
Bà lưu ý thêm sự cố giữa tàu Mỹ và tàu Trung Quốc xảy ra gần các đá Gaven và Gạc Ma, hai thực thể nằm trên mặt nước khi thủy triều lên cao. Điều đó có nghĩa là tàu US Decator thực hiện hoạt động đi qua vô hại, không có hành động quân sự, hành động mà Hải quân Mỹ từng thực hiện ở thực thể trên mặt nước với mức thủy triều thấp như đá Vành Khăn.
Đồng tình rằng Mỹ đang gia tăng áp lực với Trung Quốc cả về vấn đề Biển Đông, thương mại và công nghệ, Peter Harris, Phó giáo sư, Đại học bang Colorado, cho biết Tổng thống Mỹ Trump có một số lý do để làm điều này. Ông cho hay Quốc hội Mỹ đang phản đối việc hợp tác với Trung Quốc. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang có một số dự thảo thúc giục chính quyền có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.
"Quan điểm diều hâu với Trung Quốc trở nên phổ biến hơn trong các thành viên đảng Cộng hòa và cũng rõ ràng với các thành viên đảng Dân chủ. Chính quyền Trump đang phản ứng với những áp lực trong nước và dường như nhận ra những lợi ích chính trị trong việc thách thức Bắc Kinh", Harris đánh giá.
Ông lưu ý Trump không đề cập tới vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, điều mà các tổng thống khác từng làm. Có thể Trump muốn có mặc cả lớn hơn về thương mại và các vấn đề chiến lược khác.
Harris lo ngại những sự cố "nhỏ nhưng nguy hiểm", tương tự như việc tàu Trung Quốc áp sát tàu Mỹ ở Trường Sa, có thể xảy ra thường xuyên hơn trong những năm tới vì Bắc Kinh tăng cường quyết tâm đòi yêu sách ở Biển Đông. Ông cho rằng chỉ có thể tránh nguy cơ này nếu có "điều gì đó" giúp giảm căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước lớn trong khu vực.
Chuyên gia Glaser cảnh báo xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ lớn hơn, trong trò chơi "được ăn cả ngã về không".
Tàu khu trục lớp Luyang của Trung Quốc. Ảnh: Sino Defence. |