Tồn tại hay không tồn tại?
Cánh đồng muối phơi cát. |
Đầu tiên, ông Trần Tam Giáp nguyên thư ký Thủ Tướng Phạm Văn Đồng sau này làm đại sứ ở Ai Cập chiều nào cũng ghé thăm nhà văn Sơn Tùng - bố anh đưa cuốn “Hội thảo khoa học di tích lịch sử phủ bà chúa muối di sản HTX muối ở Tam Đồng”.
Tiếp đến, bà Võ Hòa Bình con gái đại tướng Võ Nguyên Giáp nay làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người tìm đến để mạn đàm về thực trạng sản xuất muối phơi cát miền Bắc, giải pháp khôi phục và phát triển đồng muối Diêm Điền.
Sau đó, Bộ NN và PTNT có thư trả lời ông Cao Sỹ Kiêm nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về 6 kiến nghị liên quan đến tôn vinh phủ thờ bà chúa muối; Quy hoạch đồng muối Diêm Điền; Đăng ký làng nghề muối di sản; Xây nhà trưng bày sản phẩm, công cụ; Xây dựng viện điều dưỡng muối.
Và nay là hội thảo khoa học “Xây dựng mô hình sản xuất muối hữu cơ theo phương pháp truyền thống tại Thụy Hải - Thái Thụy kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng” tổ chức hôm 25/12/2019.
Hội thảo khoa học về muối ở Thái Bình. |
Tại buổi hội thảo đó, ông Ngô Đông Hải - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đã băn khoăn rằng: “Chúng tôi luôn trăn trở với câu hỏi là có nên duy trì, khôi phục hay không nghề sản xuất muối; Nếu duy trì và phát triển thì theo hướng nào, kết hợp những giá trị nào để có thể đứng vững và vươn ra thị trường? Làm sao để thu hút được đầu tư, gắn kết, tận dụng những lợi thế, giá trị truyền thống đảm bảo đời sống cho diêm dân?”.
“Ở Mỹ, có các chính sách ưu tiên như: Khuyến khích khai thác và duy trì những đồng muối hiện có. Hỗ trợ cho những người muốn mua lại đồng muối của chủ sở hữu trước đã bỏ không sản xuất nữa hoặc chuyển mục đích sử dụng. Hỗ trợ cho người sản xuất muối khi Nhà nước chuyển đồng muối sang mục đích sử dụng khác. Ở Trung Quốc,...Chính phủ đưa ra định hướng chiến lược và quy hoạch các khu vực sản xuất ổn định lâu dài, trực tiếp đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng và đưa ra các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất muối như: Hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh; Tạo điều kiện về vốn tín dụng”. Dự thảo đề án nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối đến năm 2025 và năm 2030 của Bộ NN và PTNT. |
Chị Nguyễn Nga -Việt kiều Pháp từng nổi tiếng với dự án bảo tồn cầu Long Biên cũng rất tâm đắc về loại muối Bắc của Việt Nam: “Ở Pháp người ta phân biệt rõ giữa muối công nghiệp màu trắng tinh và muối ăn màu xám chứa nhiều vi chất dinh dưỡng.
Các đầu bếp trong những nhà hàng nổi tiếng còn lùng mua “hoa muối” (Những hạt muối biển đóng thành vảy nổi lềnh bềnh trên mặt nước của ruộng muối, một ô kết tinh chỉ cho ra chừng vài lạng) vì chúng có vị mặn dịu và ngon hơn nhiều.
Chúng là gia vị không thể thiếu, chỉ dùng để rắc lên thức ăn chín, thức ăn sau chế biến. Muối của miền Bắc Việt Nam cũng giàu dinh dưỡng nhưng tiếc thay chưa được nhiều người biết đến bởi thiếu một câu chuyện, một văn hóa làm nổi bật lên thương hiệu.
Muối không chỉ để ăn
Kể về khó khăn của nghề muối thì nhiều nhưng theo anh Long nên tập trung quanh hai việc để cho lãnh đạo xã, HTX, diêm dân Tam Đồng họp bàn mà chốt lại:
Một là, chuyển đổi nghề khác chỉ giữ lại 4 ha đang sản xuất để người đi xa biết được rằng làng còn nghề muối thì không cần bàn sâu thêm nữa.
Hai là, nếu đồng tâm khôi phục thì hướng giải quyết là phục hồi lại diện tích đã bỏ hoang hóa nhiều năm, nâng cao năng suất chất lượng, gắn với chế biến để gia tăng giá trị.
Sản phẩm hướng đến thương mại, phục vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch nên cần có nơi để giới thiệu dụng cụ, các công đoạn làm nghề.
Khách thập phương đến bao giờ cũng dâng hương phủ thờ bà chúa muối, quà lưu niệm có thể là một túi trong đó có các gói nhỏ gồm muối gia vị, muối sạch, muối ngâm chân, muối tắm, muối rửa mặt…
Sản phẩm còn phải đưa vào các trung tâm thương mại, đại lý trên thành phố hay bán qua kênh thương mại điện tử nhưng phải đa dạng hóa bằng cách sản xuất gia vị như bột canh cao cấp, bột tiêu ớt, bột tôm ớt...
Sản xuất muối mỹ phẩm, muối ngâm chân, muối ngâm bồn, muối tắm đi du lịch, muối tắm đóng chai, muối tẩy da chết, muối spa…
Ngoài ra nhu cầu muối sạch đóng bao 50 kg dùng cho nuôi cá, cho các hồ bơi lớn ở thành phố hiện nay cũng rất lớn như công viên biển ngoài trời của Vinhome Ocean Park Gia Lâm đang thu mua 1.600 tấn muối sạch để hòa vào nước làm bể bơi nước mặn nhân tạo là một ví dụ…
Làm muối chủ yếu là người già... |
Để làm du lịch muối ngoài giao thông thuận lợi, phong cảnh, di tích, đồng muối cần sạch đẹp, có sản xuất cổ truyền gắn với văn hóa bản địa, có sản xuất công nghệ cao cho ra sản phẩm khác biệt, có điều kiện cho người, xe đến thăm quan, trải nghiệm, mua bán, có nơi ăn nghỉ, có truyền thông để quảng bá...
Anh Long đã hướng dẫn ông Kenechanh chủ mỏ muối ở Viêng Chăn - Lào, ông Bahun Nuon Huon chủ ruộng muối ở Kampot Campuchia (có 600 ha ruộng muối) làm du lịch về muối để quảng bá và có thêm nguồn thu.
Ở Lào, mỏ muối của ông Kenechanh làm rất hiệu quả, ngày nào cũng có hàng đoàn xe đi và đến, nguồn thu từ khách du lịch khá tốt. Ở Campuchia du lịch vào mùa muối từ sau Tết đến hết tháng tư, sang tháng năm vào mùa mưa, sản xuất nghỉ, hai ông bà Bahun có được vài triệu đô la Mỹ, khăn gói đi chu du thiên hạ, đến cuối tháng chín mới quay về chuẩn bị làm tiếp.
...và trẻ con |
Ở Việt Nam cách đây gần 20 năm, bà Trần Như Thật cũng có ý tưởng và mời anh cùng làm du lịch muối tại Ninh Thuận, lo về mảng muối mỹ phẩm, muối thờ cúng. Bà Thật đã bỏ tiền đi Đài Loan, thăm quan các đồng muối, học hỏi cách làm du lịch. Tiếc rằng, cả cuộc đời gắn với muối, nổi tiếng trong nghề muối nhưng bà gặp nhiều trắc trở. Chế biến muối nhưng không có muối. Sản xuất muối nhưng không có ruộng. Cuối đời của bà nghe nói phải vào chùa đi tu.
“Dân tộc biển”
Ông Nguyễn Gia Hùng nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Muối Việt Nam tuy không đến dự hội thảo được nhưng cũng gửi bài tham luận tha thiết rằng: “Ngành muối là ngành cổ xưa, đồng thời là ngành vĩnh hằng và phát triển cùng với nhân loại. Khác với muối phơi nước được du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 bởi người Pháp, muối phơi cát chưa biết có tự bao giờ nhưng chắc chắn đã hình thành từ nhiều trăm năm trước...
Phủ thờ bà chúa muối. |
Đúng như nhận định của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “Gạo và muối là an ninh lương thực quốc gia”. Trong quy hoạch muối đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì muối phơi cát miền Bắc vẫn tiếp tục duy trì ở một tỷ lệ nhất định…
Sắc phong trong phủ bà chúa muối. |
Song theo tôi phải là sự bảo tồn có điều kiện vì rằng với mục tiêu đưa đất nước tiến lên văn minh, hiện đại nghề muối phía Bắc và diêm dân phải được đáp ứng hai vấn đề cốt lõi là cải thiện cường độ lao động và đời sống được nâng cao. Họ sẽ không cam chịu cảnh lao động thủ công, nặng nhọc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn bấp bênh nữa…
Để giải quyết mâu thuẫn trên phải đầu tư cho công nghệ để giảm nhẹ cường độ lao động, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm. Xin đề xuất một giải pháp là phơi muối trong nhà kính.
Chỉ một cơn mưa là xóa tan mọi thành quả. |
“Trong chiến tranh, để có được hạt muối đồng bào Tây Nguyên đã đổi cả trâu, bò, lợn, gà. Có chiến sĩ giải phóng quân cho hạt muối vào hộp dầu cù là, thỉnh thoảng lại mở ra hít cho có hơi muối mà sống, chiến đấu” - nhà báo Trần Minh Thu. |
Người sản xuất chỉ đảm nhiệm công đoạn phơi cát đến chế chạt sau đó nước chạt sẽ được tập trung lại, bảo quản, lắng lọc và phơi trong nhà kính. Nó vừa tạo được sản phẩm tuyệt hảo theo nhu cầu thị trường vừa giảm nhẹ cường độ lao động do không phải thực hiện khâu phơi muối, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, lo tiêu thụ…
Nhà nước cần có kế hoạch và chủ động quy hoạch, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho đồng muối phơi cát trong bối cảnh biến đổi khí hậu mà vị trí và địa hình chúng sẽ phải hứng chịu tác động sớm nhất, trực tiếp nhất, ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn lao động.
Đây phải được coi là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội ngõ hầu chấm dứt cuộc sống khó khăn cùng cực kéo dài của dân làm muối bao đời nay. Họ đã tạo ra một sản phẩm thiết yếu cho sự sống nên cần được ứng xử công bằng!
Có một câu ví như thế này: “Một người làm muối bảo đảm cuộc sống cho 1.000 người nhưng 1.000 người không nuôi nổi 1 người làm muối”. Đừng để người dân nghề muối biến thành “dân tộc biển” như lời cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thốt lên khi về thăm tỉnh Hà Tĩnh”.