Trên ngai cao bà chúa có hay?
Hương khói trầm mặc, đèn đóm lập lòe, tiếng người khấn âm âm: “Hôm nay chúng con tụ hội về đây để khẩn cầu sự kết nối cho những người thành tâm phục hồi lại nghề muối. Án ma ni bát di hồng. Án ma ni bát di hồng”.
Hai đồng xu tung lên, lanh lảnh vang những tiếng kim khí đập vào sành sứ. Một xoay tít và một đập vào tay người rồi rơi ngay xuống đất, cuối cùng đều ngừng lại. Người đàn ông trung tuổi vừa gieo quẻ reo lên: “Nhất âm nhất dương. Vậy là bà đồng ý rồi đấy”. Đoàn người vội quỳ xuống tạ ơn.
Trên ngai cao mặt bà chúa muối Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh-tam phi của vua Trần Anh Tông vẫn bừng sáng như hoa, một nét đẹp quý phái xuyên qua hơn 7 thế kỷ.
Tượng bà chúa muối. |
Không xa nơi bệ thờ, cánh đồng muối trước mặt bà cỏ mọc ken dày, những ô phơi tróc lở, những bể chạt nứt toác, những mương máng rều rác nổi lập lờ, thành chỗ cho người dân chăn bò. Đó từng là đồng muối nổi tiếng nhất nhì miền Bắc mà tên của nó trong tiếng Hán cũng xuất phát từ đó, Diêm Điền.
Phủ bà chúa đang lưu giữ hai cuốn thư cổ “Tinh hoa của trời”, “Trí tuệ của đất” đại ý nói hạt muối là kết tinh của trời và đất. Đất thì thần nông cho lúa gạo nuôi sống con người, nước thì biển Đông cho hạt muối để đời thêm vị mặn.
Việt Nam có hàng ngàn làng nghề truyền thống nhưng chỉ duy nhất làng nghề muối Tam Đồng gắn liền với di tích lịch sử phủ thờ bà chúa muối (xã Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình). Thế giới có khoảng 120 nước sản xuất muối nhưng có lẽ hiếm quốc gia nào sản xuất theo phương pháp phơi cát như miền Bắc Việt Nam.
Nếu các tỉnh từ Quảng Nam trở vào do hai mùa nắng mưa rõ rệt, nước biển có độ mặn cao nên sử dụng bức xạ mặt trời và gió để nước bốc hơi, cô đặc đến khi kết tinh thành muối thì miền Bắc từ Huế trở ra do mưa nắng xen kẽ nên phải dùng cát làm môi giới.
Nước biển ở mương ngấm vào cát, nắng và gió làm muối kết tinh, thu cát mặn lọc như lọc cà phê để lấy nước mặn cao độ hơn đưa lên sân ô nề phơi nắng cho đến khi thành hạt muối. Nặng nhọc nhất, năng suất thấp nhất nhưng đó là một sự sáng tạo của người xưa và đặc biệt là cho ra sản phẩm muối Bắc.
Cánh đồng muối trước phủ thờ bà chúa muối đang bị biến thành bãi thả bò. |
Theo thạc sĩ Bùi Sơn Long - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Muối biển sản xuất muối đang bị tác động bởi biến đổi khí hậu, đất đai thu hẹp, chia cắt và đan xen với nuôi trồng thủy sản. Buôn bán muối chịu tác động bởi nguồn muối nhập khẩu quá lớn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Hơn thế nữa, nghề muối Bắc còn bị cạnh tranh ngay trên sân nhà do nguồn muối Nam giá rẻ, số lượng lớn lấn ra.
Do tính chất đặc thù của muối Bắc trên thị trường đang xuất hiện ngày càng nhiều muối Nam giả muối Bắc hạt muối cũng giông giống nhưng cứng và lớn hơn. Vì sao có hiện tượng này? Đó là văn hóa muối, là thói quen của người dân Bắc hay dùng muối Bắc bởi vì nó không chát như muối Nam, độ mặn chỉ có khoảng 85% còn lại là các loại vi khoáng rất tốt cho sức khỏe.
Anh Bùi Sơn Long - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Muối biển. |
PGS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Lượng natri trong thành phần muối Bắc bao giờ cũng thấp hơn muối miền Trung, miền Nam nhưng các khoáng chất khác lại cao hơn hẳn là một ưu điểm để làm muối ăn cũng như ứng dụng trong ngành mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe. |
Giá trị thế nhưng hạt muối Bắc đang bị rẻ rúng, hắt hủi bởi thực tế tiêu dùng ít người ăn muối trực tiếp, thường dùng gia vị, bột nêm, bột canh cho tiện dụng.
Do vậy hạt muối Bắc chỉ dùng để muối dưa, cà, rửa rau, trộn i ốt cấp cho đồng bào miền núi, dùng làm thức ăn trong chăn nuôi…Chúng thường không đạt chuẩn để vào siêu thị chứ chưa nói đến xuất khẩu vì lẫn nhiều tạp chất hữu cơ, cát bay, côn trùng.
Nếu không có những giải pháp tốt ngay từ bây giờ thì trong thời gian không xa nhiều làng nghề sản xuất muối ở miền Bắc sẽ biến mất trong đó có cả đất phát tích của bà chúa muối ở Tam Đồng.
Phương pháp phơi cát thủ công tồn tại ở 6 tỉnh phía Bắc với sự tham gia của trên 60.000 lao động, diện tích năm cao trên 2.700 ha sản lượng 234.000 tấn, năm thấp còn 1.648 ha, chiếm 12,3 % diện tích sản xuất muối cả nước, sản lượng 100.000 - 120.000 tấn/năm.
Có một thứ còn mặn hơn muối
Trong số 21 tỉnh và thành có nghề muối Thái Bình là tỉnh có diện tích và năng suất thấp nhất. Nếu năm 1958 có 55 ha sản lượng 4.500 tấn, năng suất 82 tấn/ha thì hiện chỉ còn tồn tại HTX Duyên Hải và HTX Đại Đồng.
Ông Nguyễn Dương Luân - Chủ tịch xã Thụy Hải, chị Vũ Thị Minh Thu - Chủ nhiệm HTX Đại Đồng khẳng định với chúng tôi rằng tiếng là đồng muối Diêm Điền còn 38,8 ha (754 sào) với 304 hộ sản xuất nhưng năm 2016 chỉ sản xuất 50% diện tích, khoảng 430 sào với 148 hộ. Năm 2017 chỉ sản xuất 30% diện tích, khoảng 288 sào với 93 hộ. Năm 2018 chỉ sản xuất 20% diện tích, khoảng 171 sào với 52 hộ. Năm nay duy trì sản xuất được 10% diện tích, khoảng 90 sào, với 34 hộ, thu hoạch được 100 tấn muối.
Vận chuyển muối về kho. |
Với giá 2.500 đ/kg, bình quân mỗi hộ một mùa muối có thu nhập khoảng 7 triệu đồng. Lao động chính ở ngoài đồng muối chủ yếu là các ông già, bà già. Như vợ chồng bà Đoàn năm nay đã ngoài 70 tuổi được HTX phân cho 5 sào mượn thêm 3 sào tổng cộng là 8 sào, năm nay cả vụ mùa và vụ chiêm được 7 tấn nhưng mới bán được 3 tấn.
Gặp anh Long họ đều xoắn xuýt hỏi: “Bác có mua muối không? Nhà tôi còn 4 tấn, con cháu trong nhà còn 6 tấn vị chi 10 tấn?”. Anh Long trả lời: “Em mua mỗi xe phải trên 20 tấn, mua 10 tấn không chịu được giá cước xe lên Hà Nội.”. Phần là thế, phần bởi giá muối Nam chỉ cỡ 1.600đ/kg lại sạch tạp chất.
Qua Tết này nếu may mắn bà Đoàn bán hết muối sẽ thu được 17,5 triệu đồng. Tính ra cả hai chịu khó chở cát, tát nước, phơi nắng suốt trăm ngày trong năm vừa rồi cũng chỉ kiếm được 73.000 đồng/ngày. Mồ hôi đọng trên quần áo họ dưới sự thiêu đốt của mặt trời cũng khô trắng, mặn còn hơn cả muối.
Khó khăn là vậy nhưng khi hỏi chuyện ông bà vẫn quyết tâm bám trụ. Cái khó hiện nay là không kiếm đâu ra vật liệu sửa chữa lại ô nề sân phơi, muối thu hoạch chất đầy nhà nhưng không có ai hỏi. Lý do vì sao hai ông bà không biết nhưng với anh Long vừa là người nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vừa nhiều năm kinh doanh muối, nên biết.
Sản xuất muối theo công nghệ phơi cát ở miền Bắc. |
Anh phân tích hàng loạt nguyên nhân nan giải không chỉ với Thái Bình mà nhiều tỉnh sản xuất muối phía Bắc: Thứ nhất là năng suất thấp, như ở HTX Đại Đồng năng suất chỉ được 15-20 kg/sào/công, đủ mua một bát phở ăn sáng. Nước mặn lấy vào đồng hiện nay chỉ còn 1,5% so với trước đây 2,4% là nguyên nhân chính, ngoài ra sản xuất muối còn bị tác động bởi biến đổi khí hậu, mưa nhiều, không theo quy luật, thay vì một năm có 125 ngày nắng nay còn khoảng 100 ngày nên càng thất thu.
Thứ hai là muối hay lẫn tạp chất, sản phẩm đơn điệu, mẫu mã kém nên thị trường thu hẹp.
Thứ ba là vật liệu tu sửa ô nề hàng năm trước đây vôi, xỉ than rất sẵn nhưng hàng chục năm nay nhiều nơi không còn lò vôi, lò gạch nên ngày càng hiếm và chưa ai nghiên cứu giúp người dân thay sang vật liệu mới cả.
Thứ tư là giá muối thấp không đủ tái tạo sức lao động đã đành mà còn rất khó bán bởi đa số người tiêu dùng không phân biệt được các loại muối, càng không biết đến lợi ích khi dùng muối Bắc vừa nhạt vừa nhiều khoáng chất.
|
Chạy mưa cho muối. |
Thứ năm, lao động nghề muối hầu hết là người già, trẻ con, không biết đến thương mại điện tử, bán hàng online. Diêm Điền có hơn 304 hộ, mỗi hộ bình quân được hai sào muối, cả năm được mấy tấn muối, từ khi nhà nước bỏ thu mua muối, HTX cũng không thu mua, chỉ còn một số tư thương thu gom, đầu cơ trong vụ giá rẻ, chờ bán cuối vụ giá cao. Lợi nhuận không bao giờ thuộc về trẻ con và người già làm muối mà thuộc về những người buôn.
Nghề muối miền Bắc hiện như một tấm áo vá chằng vá đụp. HTX muối đa số đều đã giải thể hoặc chết lâm sàng, nếu còn cũng chỉ làm dịch vụ. Sản xuất muối do dân mày mò tự làm, tự tìm người mua, mỗi nhà bình quân được một hai sào trong khi ở Miền Nam b́ình quân được vài ha, điều kiện thời tiết thuận lợi, sản xuất muối phơi nước nhàn hơn nhiều nên đời sống của họ cũng khá hơn. (Còn nữa).
Ông Nguyễn Đình Bình - Kỹ sư hóa chuyên ngành tổng hợp lợi dụng nước biển: “Muối miền Bắc dù ít hay nhiều đều có đủ các thành phần của 12 loại muối mô. Ngày nay y học đã chứng minh rất rõ vai trò của muối mô như magie giúp tiêu hóa thức ăn tối ưu và đào thải độc tố còn các khoáng chất khác như kali, can xi florua, sắt phốt phát…giúp cân bằng vi chất, thư giãn thần kinh, phục hồi sức khỏe. Sai lầm của các nhà làm muối, quản lý nghề muối là chỉ quan tâm đến góc độ tinh khiết của muối Nacl phục vụ tốt cho công nghiệp nên gây ra sự mất cân bằng dinh dưỡng. Mỹ, Nhật là những quốc gia sử dụng muối Nacl cho công nghiệp lớn nhất nhì thế giới tương đương 75-100kg/người/năm trong khi đó cho nhu cầu ăn uống chỉ khoảng 5 kg. Họ thấy được giá trị của muối dinh dưỡng nên tìm nhập muối miền Bắc Việt Nam về (Công ty CP Muối và thương mại Nam Định đã ký hợp đồng với tỉnh Myazaki của Nhật) tuy nhiên chưa nhiều bởi mới một vài thương gia biết. Muối Bắc không hề thua kém các loại muối nổi tiếng thế giới như Himalaya đâu. |