| Hotline: 0983.970.780

Bà con Khmer trồng lúa chuyên nghiệp

Thứ Tư 28/09/2022 , 10:28 (GMT+7)

Ở Sóc Trăng có một HTX chuyên canh sản xuất lúa với đông đảo bà con Khmer thành viên tham gia. Nhà nhà ấm no, sung túc nhờ đồng lòng liên kết làm ăn.

Ông Lý Quyền, thành viên HTX Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) trên cánh đồng lớn của HTX. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lý Quyền, thành viên HTX Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) trên cánh đồng lớn của HTX. Ảnh: Minh Đảm.

Sóc Trăng là một trong hai tỉnh (cùng với Trà Vinh) có đông đồng bào Khmer sinh cư nhất ở vùng ĐBSCL. Trong nhiều năm qua, tỉnh Sóc Trăng liên tục triển khai nhiều dự án đầu tư phát triển kết hợp chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thay đổi diện mạo làng quê. Đặc biệt ở các xã có đông đồng bào Khmer, tỉnh chú trọng thực hiện lồng ghép chương trình phát triển kinh tế, nhằm cải thiện điều kiện sinh kế, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con Khmer.

Tại HTX Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) là một trong những điểm sáng khi nhờ có sự hỗ trợ từ chương trình VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam) triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Ban đầu từ một tổ nông dân hợp tác trồng lúa IPM được hình thành từ những năm 1998. Các hộ nông dân được cán bộ nông nghiệp địa phương tập huấn kỹ thuật canh tác lúa. Nhằm giảm chi phí sản xuất lúa, đạt năng suất cao và bảo vệ môi trường đồng ruộng và sức khỏe nông dân.

Năm 2015 tổ hợp tác được nâng lên thành HTX Thọ Hòa Đông A, đến nay HTX tập hợp hơn 320 thành viên. Trong đó các thành viên dân tộc Khmer chiếm hơn 50%. HTX có tổng cộng 624 ha chuyên canh lúa, cùng thực hiện sản xuất trên cánh đồng lớn của địa phương, sản xuất 2-3 vụ lúa/năm. Tùy theo tình hình thị trường, thời tiết mỗi vụ, Ban giám đốc lên kế hoạch, chọn giống lúa sản xuất, nhất là các giống lúa chất lượng cao hay  lúa thơm đặc sản. Nhờ ứng dụng kỹ thuật canh tác tốt, sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng cao nên hiện có các doanh nghiệp kinh doanh lương thực đến ký kết bao tiêu.

Người nông dân Khmer tính tình hiền lành, siêng năng, chịu khó và quen với nghề nông lâu đời. Nhưng khi học hỏi, tiếp cận ứng dụng biện pháp kỹ thuật mới như 3 giảm-3 tăng, 1 phải-5 giảm…bà con chuyển đổi cách làm rất nhanh. Hiệu quả mang lại sau mỗi vụ lúa trúng mùa, đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của các hộ thành viên HTX.

Đầu năm 2022, Dự án VnSAT xây dựng bàn giao nhà kho cho HTX HTX Thọ Hòa Đông A với sức chứa 1.000 tấn để vừa tạm trữ phân bón, lúa giống và máy sấy lúa thương phẩm sau thu hoạch. Từ quốc lộ 1 rẽ vào tỉnh lộ 1, tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ, kéo điện hạ thế, xây đường láng bê tông cho xe ô tô tải, máy cày vào tới nhà kho của HTX. Riêng phần vốn đối ứng, tất cả thành viên trong HTX đồng thuận đóng góp thêm 265 triệu đồng để mua 3.000 m2 đất làm nền xây nhà kho, sân bãi và mua lắp đặt máy sấy công suất 8 tấn/mẻ/giờ, trị giá góp vốn thêm 400 triệu đồng. 

Ông Lý Quyền, thành viên HTX Thọ Hòa Đông A, bộc bạch: Từ khi tham gia là thành viên HTX tôi học hỏi được nhiều kiến thức mới và áp dụng ngay trên ruộng lúa của mình. Vào HTX có nhiều cái hay, lợi ích như: Trước mỗi vụ lúa HTX sẽ là đầu mối liên kết với các công ty trực tiếp mua phân bón, thuốc BVTV để cung cấp cho bà con thành viên, giúp giảm được chi phí đầu vào. Cùng sản xuất trên cánh đồng lớn, HTX đứng ra hợp đồng với các chủ máy xới, máy gặt đập.. nên giảm thêm phần nào chi phí. Đến khi thu hoạch, toàn bộ sản lượng lúa của HTX được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra thông qua hợp đồng liên kết. Đó là sự khác biệt so với trước đây. Bà con không còn lo lắng chuyện bán lúa cuối vụ.

Các hộ thành viên tham gia HTX Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: Minh Đảm.

Các hộ thành viên tham gia HTX Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: Minh Đảm.

Được tạo điều kiện bước vào cuộc làm ăn liên kết, hợp tác mà bà con Khmer thường nói vui là  như thể vào cuộc làm ăn lớn. Ông Ninh Văn Quảng, Giám đốc HTX Thọ Hòa Đông A, tươi cười, kể lại: Nhớ hồi những ngày đầu HTX thành lập, trong số các hộ thành viên có khoảng 10 - 15 hộ thành viên còn nghèo, trong đó có hộ đồng bào Khmer. Nhưng hiện nay hầu hết các thành viên gặp khó khăn trước đây đã thoát nghèo và làm ăn khấm khá. Nhất là các thành viên trong HTX trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer rất vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ của tỉnh. Mong muốn lớn nhất của bà con là sắp tới không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn “trồng lúa bán gạo” chất lượng tốt, xây dựng “tên tuổi” thương hiệu lúa gạo của HTX.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Ngựa núi, gà đồi... đậm hương vị Tây Bắc được ưa chuộng dịp Tết

Các sản phẩm mang hương vị Tây Bắc giờ đây có thể tiếp cận các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM nhờ được chứng nhận OCOP.

Bình luận mới nhất