| Hotline: 0983.970.780

Lợi ích lớn nhất VnSAT mang lại là đội ngũ nhân lực được đào tạo

Thứ Hai 13/12/2021 , 11:08 (GMT+7)

ĐBSCL  VnSAT không chỉ giúp đầu tư hạ tầng, thay đổi phương thức sản xuất mà còn đào tạo, tấp huấn cho đội ngũ nhân lực tham gia dự án, nâng cao hiệu quả thực hiện.

Hàng trăm ngàn người được đào tạo

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là dự án đầu tư nguồn lực lớn cho phát triển sản xuất nông nghiệp, với hai đối tượng cây trồng chính là lúa gạo và cà phê. Hợp phần phát triển lúa gạo bền vững được thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL, gồm: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang. Thời gian thực hiện theo Hiệp định ban đầu từ năm 2015-2020 và hiện dự án VnSAT đã được gia hạn đến năm 2022.

Đại diện Ngân hàng Thế giới đi triển khai các hoạt động của dự án VnSAT tại ĐBSCL, đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng… Ảnh: Trung Chánh.

Đại diện Ngân hàng Thế giới đi triển khai các hoạt động của dự án VnSAT tại ĐBSCL, đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng… Ảnh: Trung Chánh.

Nguồn vốn để đầu tư thực hiện dự án VnSAT tại ĐBSCL theo kế hoạch tổng thể là 2.532 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 1.579 tỷ đồng, với đối ứng của Chính phủ Việt Nam 392 tỷ đồng, còn lại là vốn tư nhân tham gia vào dự án. Ngân hàng Thế giới chủ yếu xem xét tài trợ cho dự án từ nguồn vốn vay ưu đãi của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), một tổ chức trực thuộc WB nhằm hỗ trợ các nước nghèo phát triển.

Đối với hợp phần lúa gạo tại ĐBSCL, mục tiêu dự án đề ra là có 200.000 ha sản xuất lúa, với 140.000 hộ nông dân được đào tạo, tập huấn áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng 30%, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 40 - 60 triệu USD/năm.

Tìm về các địa phương nằm trong vùng dự án, điều dễ nhận thấy nhất là cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, sản xuất phát triển, thu nhập của người dân tăng lên. Nhưng lợi ích mà dự án VnSAT mang lại không chỉ là kinh tế, môi trường mà chính là đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.

Ông Võ Minh Phúc, Phó Giám đốc VnSAT tỉnh Hậu Giang cho biết, thông qua các hoạt động của dự án, đã góp phần giúp các địa phương triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả, tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo tại ĐBSCL.

Theo ông Phúc, tại Hậu Giang đến nay đã có 86.580 nông dân được hưởng lợi từ dự án (mục tiêu đề ra là 69.000 người), thông qua các hình thức tập huấn, đào tạo về kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Toàn tỉnh có 13 tổ chức nông dân (Hợp tác xã) được hỗ trợ đầu tư tiểu dự án về phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản suất. Nhiều cán bộ cấp tỉnh, huyện và xã thực hiện dự án được tham gia các khóa đào tạo, tham quan học tập trong nước để nâng cao, tăng cường năng lực kỹ thuật. Đội ngũ nhân lực được đào tạo, nhất là người đứng đầu các tổ chức nông dân được tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo, khả năng đàm phán trong kinh doanh, phát triển sản xuất.

Kết quả vượt ngoài mong đợi

Tương tự, tại Sóc Trăng, dự án VnSAT đã mang lại những hiệu quả khả quan. Ông Huỳnh Văn Những, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng cho biết, dự án VnSAT triển khai trên địa bàn tỉnh được chặng đường dài, đạt được những thành tựu, hiệu quả rõ rệt. Kết thúc giai đoạn 5 năm đầu của dự án (2016-2020) tất cả các mục tiêu dự án đều đạt và vượt, từ thay đổi tư duy sản xuất, những hành vi nhỏ lẻ qua các lớp tập huấn, áp dụng các giải pháp kỹ thuật trên diện tích sản xuất qui mô lớn.

Cán bộ dự án VnSAT An Giang triển khai tập huấn kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho nông dân trong vùng dự án. Ảnh: Hoàng Vũ.

Cán bộ dự án VnSAT An Giang triển khai tập huấn kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho nông dân trong vùng dự án. Ảnh: Hoàng Vũ.

Qua đánh giá hiệu quả thực tế đã có trên 80-90% nông dân thực hành giải pháp kỹ thuật mới, tạo giá trị tăng thêm 30%. Giảm phát thải khí nhà kính đạt 128%, vượt 28% so mục tiêu dự án. Quan trọng hơn hết là trước khi triển khai dự án tỉnh Sóc Trăng có 13 HTX nông nghiệp thì nay có trên 30 HTX với quy mô từ 500 ha và 500 nông hộ tham gia thành viên.

Đặc biệt dự án góp phần tác động tăng cường năng lực quản lý HTX làm ăn theo hướng liên kết, cơ bản đáp ứng yêu cầu của dự án. Kiểm chứng qua diễn biến tình hình dịch Covid-19 trong những tháng thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ vừa qua, tỉnh họp chỉ đạo trực tiếp qua Ban Giám đốc HTX tổ chức chủ động máy gặt đập cho khâu thu hoạch và tiêu thụ lúa hè thu 2021 rất tốt hơn so với ruộng lúa ngoài HTX. Hơn nữa sự hỗ trợ đầu tư 9 nhà kho, máy sấy, đường nông thôn, cầu cống đang phát huy hiệu quả rất tốt, được đông đảo nông dân đồng tình ủng hộ, giúp sức cho HTX phát triển sau này.

Trong giai đoạn 18 tháng bổ sung từ năm 2021 đến 30/6/2022, dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng đang lộ trình hoàn thành 12 tiểu dự án xây dựng hạ tầng nông thôn bao gồm cống, trạm bơm, giao thông nông thôn nối liền đường ra tỉnh lộ, quốc lộ trước 30/5. Sau đó các công trình xây dựng sẽ bàn giao cho các địa phương quản lý. Các nhà kho, máy sấy bàn giao cho HTX. Với năng lực tiếp nhận điều hành các hoạt động của HTX và sự theo dõi, chỉ đạo sát của Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, các hoạt động của HTX tỉnh chắc rằng sẽ duy trì và phát huy hiệu quả.

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT An Giang cho biết: Dự án VnSAT tỉnh An Giang được thực hiện tại 5 huyện (45 xã) bao gồm: Châu Phú (8 xã), Thoại Sơn (13 xã), Tịnh Biên (11 xã), An Phú (7 xã) và Tri Tôn (6 xã) với tổng số hộ tham gia 26.018 hộ, trên diện tích 38.602 ha. Trong quá trình thực hiện Dự án ở An Giang từ tháng 6/2016 đến 12/2020, Ban Quản lý Dự án VnSAT An Giang đã được WB hỗ trợ thực hiện, đã mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân trồng lúa khá hơn trước đây.

Bởi vì những tiến bộ từ Ban Quản lý Dự án VnSAT truyền đạt những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa như “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, tưới tiết kiệm nước… giúp nông dân tiết giảm đầu tư phân bón và thuốc BVTV mà năng suất vẫn tăng lên, giúp cuối vụ đạt năng suất cao như kỳ vọng.

VnSAT không chỉ giúp đầu tư hạ tầng, thay đổi phương thức sản xuất mà còn đào tạo, tấp huấn cho đội ngũ nhân lực tham gia dự án, nâng cao hiệu quả thực hiện. Ảnh: Hoàng Vũ.

VnSAT không chỉ giúp đầu tư hạ tầng, thay đổi phương thức sản xuất mà còn đào tạo, tấp huấn cho đội ngũ nhân lực tham gia dự án, nâng cao hiệu quả thực hiện. Ảnh: Hoàng Vũ.

Theo ông Phả, ngoài chuyện chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người trồng lúa, Ban Quản lý Dự án Vn SAT An Giang còn đứng ra làm đấu mối để thực hiện được liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp, mấu chốt là phải có doanh nghiệp tham gia.

Do đó, Ban Quản lý Dự án VnSAT An Giang cùng Sở NN-PTNT An Giang tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp để chọn ra nhu cầu thật sự về nguyên liệu, đảm bảo chất lượng ổn định để thực hiện chiến lược kinh doanh của mình. Sau đó, hỗ trợ tổ chức nhiều cuộc hội thảo ở cấp huyện, xã và cộng đồng để doanh nghiệp tiếp cận chính quyền địa phương, Hợp tác xã, Tổ hợp tác và nông dân. Doanh nghiệp thực hiện tốt hợp đồng thì sẽ được nông dân hưởng ứng và tích cực tham gia.

Ban Quản lý Dự án VnSAT An Giang cũng đẩy mạnh tập huấn và làm điểm trình diễn nhiều mô hình VietGAP, SRP, tiếp tục nâng cao năng lực nông dân, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp cụ thể là: tập huấn, đào tạo 1 lớp giáo viên nguồn SRP,  33 lớp VietGAP, SRP với 1.490 hộ và thực hiện 19 điểm trình diễn. In ấn 3.000 quyển tài liệu hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững SRP.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Vua của các loài hoa Tây Bắc hút khách miền xuôi

Qua rằm tháng Chạp, những chậu địa lan Sa Pa giá hàng chục triệu đồng đã được khách miền xuôi lên mua. Trong khi, giá hoa lan Trung Quốc tăng giá nhẹ vì thời tiết. 

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.