Hoa đào là loài hoa mà ở phía Bắc nhà nào cũng muốn có trong ngày Tết. Nhưng năm nay, các vùng trồng đào chủ yếu ở phía Bắc đều đã bị bão số 3 tàn phá. Chắc chắn đào sẽ thiếu hụt. Rất có thể, đào từ Đà Lạt và một vài tỉnh Tây Nguyên sẽ đi ngược ra phía Bắc. Ngoài ra, mai vàng cũng có thể sẽ “ đổ bộ” lên đất Bắc để thay thế cho đào…
Còn lúc này, hoa lily đưa ngay vào trồng có lẽ là hợp lý. Thời vụ trồng lily là cuối tháng 9 tới đầu tháng 10, vì vậy nay vẫn còn kịp. Tốt nhất bà con nên trồng các giống lily của Hà Lan (như Bursa, Red Sensation, Pavane). Những gia đình chưa bao giờ trồng lily thì nên tham khảo ý kiến của những người đã trồng. Việc làm đất và mật độ trồng đều đã có quy trình cụ thể. Bà con cần tìm đọc cuốn “Cách trồng hoa lily” do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành.
Lily là loài hoa có nguồn gốc từ xứ lạnh nên điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và độ chiếu sáng rất quan trọng, cần hết sức lưu tâm. Ngoài việc trồng ra ruộng, ta cũng có thể trồng hoa lily trong chậu. Việc này tốn nhiều công hơn, chi phí cao hơn nhưng hiệu quả lại tốt hơn.
Xin lưu ý, tuỳ kích thước chậu mà ta trồng 1 hoặc 3 - 5 củ/chậu. Giá thể trong chậu tốt nhất là đất + xơ dừa + phân chuồng hoai mục (mỗi thứ chiếm 1/3 thể tích). Nhớ xử lý giá thể trước khi trồng để loại trừ nấm bệnh… Nhưng có lẽ khó khăn nhất hiện nay lại là giống. Nếu ai tìm được nguồn giống thì mới nên nghĩ tới việc trồng lily.
Lily là loài hoa cao cấp, giá có thể cao cấp 10 -15 lần các loài hoa khác. Đặc biệt, vào ngày Tết lily bán rất chạy. Vì vậy, nếu có đủ điều kiện thì nên trồng lily.
Còn loài hoa dễ trồng và dễ nhân giống nhất có lẽ là hoa cúc. Cúc có thể nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô hoặc giâm cành. Thời gian sinh trưởng khoảng 100 -110 ngày. Như vậy vẫn kịp cho Tết. Hiện nay có rất nhiều giống cúc. Chúng cho ra các màu khác nhau, cỡ hoa khác nhau và kiểu dáng cũng khác nhau.
Hầu hết các loài hoa cúc đều là hoa có quang chu kỳ ngày ngắn, đêm dài. Có nghĩa là khi cây thành thục, gặp điều kiện ánh sáng kiểu ngày ngắn, đêm dài thì cây mới nở hoa. Nhưng để khống chế cho cây cúc chậm ra hoa, giúp cây lớn hơn, nụ hoa to hơn, người ta đã thắp đèn vào giữa đêm để biến đêm dài thành đêm ngắn. Như vậy cây cúc sẽ không nở hoa. Tới khi nào cây cúc đủ lớn, nụ hoa đủ to thì họ sẽ không thắp đèn nữa, lúc đó hoa sẽ nở. Hầu hết các vùng trồng cúc đều áp dụng biện pháp này để điều khiển cho hoa nở theo ý muốn.
Trong lúc tôi đang loay hoay để tìm thêm các loại hoa trồng vào dịp này thì PGS.TS Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả đã cung cấp cho tôi một loạt đối tượng mà bà con có thể trồng trong dịp này gồm: Hoa dừa cạn, hoa 10 giờ, hoa phong lữ, hoa hướng dương, hoa thủy tiên, hoa oải hương, hoa lay ơn, hoa đồng tiền, hoa dạ yến thảo, hoa lan ý, hoa thanh thảo, hoa mõm sói…, thật là tuyệt vời! Vậy là chúng ta có rất nhiều loài hoa có thế trồng vào dịp này.
Có một cháu ở Hà Nam nói với tôi: “Suốt dọc từ cổng vào nhà và cả ban công trước nhà nữa, cháu đã trồng kín hoa 10 giờ và cây cỏ lá lạc. Lúc mặt trời lên, hoa nở kín, đẹp vô cùng bác ạ…".
Một cựu chiến binh ở Thái Nguyên thì nói với tôi: “Cây trạng nguyên rất dễ nhân giống, tôi đang chuẩn bị vài trăm cây cho Tết. Nó cũng có thể thay được hoa đấy anh ạ…!”.
Tôi gọi điện cho một anh bạn ở vùng hoa Tây Tựu (Hà Nội), anh ấy nói: “Còn nhiều thứ lắm! Ông nên bổ sung thược dược, hồng violet và cả bỏng nổ nữa…”.
Thế mới biết, ta rất phong phú các loài hoa. Bà con mình mỗi nhà nên cố gắng tìm lấy 1 loài hoa để trồng cho Tết.