Những ngày cuối tháng 2/2023, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) đã khẩn trương trồng nốt diện tích cây dược liệu cát cánh niên vụ 2022 - 2023. Việc phát triển cây dược liệu cát cánh ở vùng cao Bắc Hà, nhất là xã Tả Văn Chư đã và đang đem lại lợi ích "kép", vừa hút khách du lịch, phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, cải thiện, nâng cao đời sống bà con người Mông địa phương.
Trên cơ sở thành công tại xã Tả Văn Chư, niên vụ đông xuân 2022 - 2023, huyện Bắc Hà phấn đấu trồng 100ha cây cát cánh, tăng gần 30ha so với năm 2022, trong đó xã Tả Van Chư 63ha, Lùng Phình 9,5ha, Lùng Cải 6ha, Tả Củ Tỷ 10ha, Hoàng Thu Phố 3 6,5ha, Bản Phố 5ha. Diện tích trồng sớm ước khoảng trên 60ha. Dự kiến sẽ làm đất và trồng xong diện tích 100ha trong đầu tháng 3/2023.
Tại xã vùng cao Tả Văn Chư, nơi được xem là "thủ phủ" cây dược liệu cát cánh của huyện Bắc Hà, cũng như một số hộ nông dân trồng cây dược liệu cát cánh trà muộn sau Tết, gia đình ông Giàng Seo Giáo, 57 tuổi ở thôn Lả Gì Thàng khẩn trương lên luống, làm đất để trồng cây cát cánh cho kịp khung thời vụ.
Nhà ông Giáo là hộ đầu tiên và cũng là hộ trồng nhiều cây dược liệu nhất xã khi đã tham gia mô hình trồng cây cát cánh lấy giống của huyện từ vụ đông xuân 2017 - 2018. Niên vụ 2021 - 2022, gia đình ông trồng 1,2ha cây cát cánh. Ông Giáo cho biết: "Cuối tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023, cán bộ huyện, xã đã xuống hướng dẫn thu hoạch, cán bộ Trung tâm Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện đến tận nhà cân mua, giá cao ổn định như trước với mức 20 ngàn đồng/kg củ tươi. Nhà tôi bán được hơn 110 triệu đồng, gấp 5 - 6 lần so với trồng ngô trước đây. Vụ đông xuân 2022 - 2023, gia đình tiếp tục duy trì diện tích trồng hơn 1ha cây dược liệu cát cánh như các vụ trước...".
Ông Giàng Seo Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư cho biết, vụ này, các hộ nghèo được hỗ trợ nilon trồng 40ha cát cánh. Bà con nông dân chủ động phân, giống, nilon, xã và Trung tâm Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân yên tâm sản xuất.
Trước đó, vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, một số hộ dân ở thôn Sừ Mừn Khang, Xà Ván, Tẩn Chư, Lả Gì Thàng (xã Tả Văn Chư) đã trồng xong trà sớm, ước tính đạt hơn 40/63ha diện tích cây dược liệu cát cánh. Năm nay, xã Tả Văn Chư phấn đấu hoàn thành 70ha cây dược liệu cát cánh, vượt 7ha so với kế hoạch.
Đây là vụ thứ 5 liên tiếp cây cát cánh được trồng trên vùng đất rẻo cao Tả Văn Chư theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Cây dược liệu này đã khẳng định vị thế là cây giảm nghèo, làm giàu cho bà con nông dân địa phương. Kết thúc vụ thu hoạch năm 2022, cây cát cánh đã đem lại tổng nguồn thu hơn 9 tỷ đồng cho đồng bào Mông nơi đây.
Ông Giàng Seo P Lấu, trưởng thôn Lả Gì Thàng (xã Tả Văn Chư) phấn khởi cho biết: "Độ 5 - 6 năm nay, thôn Lả Gì Thàng thu hút rất đông khách du lịch khi vào mùa hoa mận Tả Van, hoa lê vào mùa xuân và hoa cát cánh vào mùa hè - thu (từ tháng 6 - 9 dương lịch).
Thay vì phải đi làm thuê, nay những hộ người dân tộc Mông ở đây đã dành thời gian cho những thửa ruộng canh tác dược liệu. Bà con được cung cấp cây giống để trồng, đã biết cách chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn và có đầu ra ổn định, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.