| Hotline: 0983.970.780

‘Bà đỡ’ cho ngành rong biển khu vực Nam Trung bộ

Thứ Ba 06/12/2022 , 08:11 (GMT+7)

Trong phát triển ngành rong biển của Việt Nam thời gian qua, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã có đóng góp lớn về giống và giải pháp kỹ thuật nuôi trồng.

Khai thác rong biển. Ảnh: Minh Hậu.

Khai thác rong biển. Ảnh: Minh Hậu.

Nhiều công nghệ trồng rong biển hiệu quả

Theo TS Thái Ngọc Chiến, Trưởng phòng Nghiên cứu khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nên điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho rong biển phát triển. Do đó, trong những năm qua, người dân ven biển Việt Nam đã nuôi trồng thương phẩm 7 loài rong biển gồm: Rong câu chỉ vàng, rong câu cước, rong câu thắt, rong sụn, rong sụn sú, rong sụn gai và rong nho.

Tuy nhiên, nghề nuôi trồng rong biển ở nước ta vẫn chưa thật sự phát triển xứng với tiềm năng vốn có. Với diện tích mặt nước ven biển có khả năng nuôi trồng rong biển lên đến 900.000, nhưng đến nay cả nước chỉ khai thác được 10.150 ha trồng rong biển (1.000 ha trồng rong sụn) quy trình nuôi trồng chưa ổn định, chất lượng rong giống bị thoái hóa và không đủ cung ứng cho người trồng.

Trước thực tế trên, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã nghiên cứu, chuyển giao đến người dân ven biển những công nghệ nuôi trồng rong biển hiệu quả.

“Công nghệ  trồng rong sụn bằng giàn treo vùng nước cạn có độ sâu từ 0,6-1,5m khi thủy triều thấp không có túi lưới, cho thấy tốc độ sinh trưởng của rong sụn dao động từ 2,4-3%/ngày, trung bình đạt 2,7%/ngày. Công nghệ trồng ở vùng nước sâu trên 2-3m nước bằng lồng ống lưới, rong sụn có tốc độ sinh trưởng đạt từ 2,4-3%/ngày, trung bình đạt 2,7%/ngày. Công nghệ trồng rong sụn ở vùng nước sâu trên 2-3m nước bằng giai lưới, rong có tốc độ sinh trưởng từ 2-2,9%/ngày, trung bình đạt 2,5%/ngày. Đặc biệt, Viện đã chuyển giao công nghệ trồng rong sụn trong ống lưới và bằng dây căng cho Chính phủ Sri Lanka, kết quả tốc độ sinh trưởng của rong sụn tại Sri Lanka trung bình 3,6%/ngày (cao gấp 1,5-2 lần so với Việt Nam)”, TS Chiến cho hay.

TS Thái Ngọc Chiến, phát biểu tại Hội nghị 'Nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành rong biển' do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Phú Yên. Ảnh: V.Đ.T.

TS Thái Ngọc Chiến, phát biểu tại Hội nghị “Nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành rong biển” do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Phú Yên. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo TS Chiến, tốc độ sinh trưởng của rong sụn gai là cao nhất, đạt 2,9%/ngày, tiếp đến là loài rong sụn sú đạt 2,7%/ngày và thấp nhất là rong sụn đạt trung bình 2,5%/ngày. So sánh tốc độ của sinh trưởng của 3 phương thức sản xuất nói trên cho thấy, rong sụn trồng bằng giàn treo có tốc độ sinh trưởng cao nhất với 2,7%/ngày, tiếp đến là rong trồng trong giai lưới có tốc độ tăng trưởng 2,6%/ngày và thấp nhất là rong trồng trong ống lưới có tốc độ sinh trưởng chỉ 2,2%/ngày.

“Công nghệ trồng rong nho bằng thả đáy có lưới che trong ao có tốc độ sinh trưởng từ 2,5-3,2%/ngày, trung bình đạt 2,9%/ngày, cao hơn tốc độ sinh trưởng của rong nho trong ao không có mái che từ 1,2-3%/ngày, trung bình đạt 2,7%/ngày. Công nghệ trồng rong câu trong ao đầm nước lợ có mái che tốc độ sinh trưởng đạt trung bình 3,2%/ngày, cao hơn so với sinh trưởng của rong câu trong ao không có mái che trung bình 2,7%/ngày”, TS Thái Ngọc Chiến, Trưởng phòng Nghiên cứu khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III), chia sẻ thêm.

Góp phần giúp ngành rong phát triển bền vững

Xác định giống là yếu tố quyết định trong nuôi trồng rong biển, trong thời gian qua, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã phục tráng 2 giống rong cho hiệu quả kinh tế cao bằng công nghệ nuôi mô sẹo và nuôi nhánh, cành để chọn lọc, tạo ra nguồn giống rong sụn và rong nho có chất lượng với số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời Viện cũng phát triển công nghệ trồng rong trong bể xi măng, trong ao đất có mái che nhà kính để giữ rong giống trong mùa mưa hoặc mùa đông.

Nhập chú thích ảnh

Rong biển không đủ cung cấp cho các cơ sở chế biến. Ảnh: Minh Hậu.

Viện đồng thời cũng phát triển công nghệ trồng rong ở vùng xa bờ nhằm ngăn chặn cá ăn rong, giảm hiện tượng tàn lụi vào mùa mưa và mùa hè. Sử dụng giai lưới để trồng rong ở những nơi có cá tại những vùng biển sâu. Sử dụng ống lưới để trồng rong ở vùng biển ven bờ có cá. Trồng đáy ở những vùng nước cạn vây đăng và sử dụng nuôi kết hợp trong các lồng cá, tôm hoặc trong ao nuôi ốc hương, tôm, cá…

Theo TS Thái Ngọc Chiến, hiện nay rong nuôi trồng rong biển ở nước ta gặp những khó khăn chính, đó là rong bị tàn lụi vào mùa mưa do nước ngọt, thiếu ánh sáng, nhiệt độ thấp…hoặc bị tàn lụi vào mùa hè (rong câu, rong sụn), hiện tượng cá ăn rong. Đối với bệnh, hiện nay mới nghiên cứu ở nhóm rong sụn, thường mắc 2 loại bệnh phổ biến là trắng nhũn thân (Ice-Ice) và bệnh tảo sợi phụ sinh (Epiphytes), đến nay các nghiên cứu còn ở quy mô thí nghiệm.

Nhập chú thích ảnh

Nghề trồng rong biển ở nước ta là nghề mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, có tác dụng tốt làm sạch môi trường các vùng thủy vực ven biển. Ảnh: Minh Hậu.

Tuy nhiên, bệnh trắng thân trên rong sụn có thể hạn chế khi kết hợp Iodine ở nồng độ 1,5ppm ngâm trong thời gian 5 phút và ngâm Ciprofloxacin nồng độ 2ppm trong 3 phút. Cũng có thể sử dụng Nano bạc với hàm lượng 15ppm để chữa bệnh trắng thân cho rong, nhưng hiệu quả không cao bằng sử dụng hỗn hợp Iodine với kháng sinh.

“Để hạn chế các bệnh ở rong sụn, giống rong biển trước khi trồng ngâm 15 phút trong dung dịch LAS sử dụng với nồng độ 2.103ppm sẽ phòng được bệnh tảo sợi phụ sinh ở rong sụn. Khi thấy rong bị trắng thân, chúng ta di chuyển rong ra nơi có dòng chảy vừa và nhấn chìm các dây rong sâu xuống 1m so với mặt nước trong vòng 1 tuần rong có thể giảm được bệnh này”, TS Chiến cho hay.

“Nghề trồng rong biển ở nước ta là nghề mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, có tác dụng tốt làm sạch môi trường các vùng thủy vực ven biển. Với các mô hình và kỹ thuật nuôi trồng đang triển khai có hiệu quả ở các vùng thủy vực khác nhau, với tiềm năng mặt nước ven biển và các đảo có khả năng phát triển nuôi trồng rong biển phong phú và đa dạng, nếu được định hướng, ưu tiên đầu tư và xây dựng chính sách phát triển hợp lý, chắc chắn sẽ tạo được động lực thúc đẩy nghề trồng rong biển phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu chế biến trong nước và xuất khẩu. Cần xây dựng đề án phát triển rong biển mang tính tổng hợp, đồng bộ theo liên kết chuỗi sản xuất. Trong mỗi chuỗi sản xuất, vai trò của khoa học và công nghệ rất quan trọng từ đầu vào đến đầu ra (nghiên cứu sản xuất giống rong biển, công nghệ trồng, thu hoạch, chế biến, nghiên cứu xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường, kiểm soát an toàn thực phẩm (HACCP, ISO...)”, TS Thái Ngọc Chiến chia sẻ.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm