| Hotline: 0983.970.780

'Bà đỡ' của nông dân Long An

Thứ Hai 28/12/2015 , 06:05 (GMT+7)

Những năm qua, ngành khuyến nông tỉnh Long An đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của người nông dân...

Ngay từ khi chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới triển khai, được sự chỉ đạo sát sao của Sở NN-PTNT, đội ngũ cán bộ khuyến nông tỉnh Long An đã xác định được trách nhiệm trong việc gắn kết chức năng nhiệm vụ của mình với phong trào xây dựng NTM.

Giống mới cho nông dân

Những năm qua, ngành khuyến nông tỉnh Long An đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của người nông dân để tăng thu nhập, thoát đói nghèo, làm giàu.

Thông qua các hoạt động đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn, đưa những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, bộ mặt sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có những thay đổi rõ rệt.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, GĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An cho biết trong năm 2015, Trung tâm đã tổ chức được 6 lớp đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn. Mở 271 lớp tập huấn, thu hút được 6.821 lượt nông dân học tập; tổ chức 27 hội thảo đầu bờ và hội thảo chuyên đề với 887 lượt người tham dự; tổ chức 10 chuyến tham quan thực tiễn các mô hình sản xuất trong và ngoài tỉnh, đưa 272 nông dân đi học hỏi kinh nghiệm.

Xây dựng được 34 điểm trình diễn, trong đó 4 điểm do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phân bổ. In và phát 30.910 tài liệu kỹ thuật, trang bị cho nông dân, tổ chức viết 687 tin bài, truyền hình, truyền thanh về các chuyên đề khuyến nông.

Theo ông Tùng, Long An là một tỉnh thuần nông nghiệp với diện tích sản xuất lúa rất lớn, bên cạnh đó là một số loại cây trồng đặc trưng khác như thanh long, mè, đậu phộng…

Do đó, công tác giống và chuyển giao KHKT cho nông dân là nhiệm vụ trọng tâm được Trung tâm đề ra. Có được giống tốt, người nông dân sẽ vững tâm hơn trong sản xuất.

Trong năm 2015, Trung tâm đã thực hiện 24 điểm trình diễn với giống lúa triển vọng (AGPPS 103; OM10447-2; TRL368; OM221) tại các huyện Đức Hòa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Huệ.

Theo dõi các bộ giống khảo nghiệm (7 bộ, 45 giống), sàng lọc, sản xuất thử và nhân giống vụ đông xuân 2014 – 2015 tại Trại lúa Hòa Phú. Xây dựng và duy trì mạng lưới nhân giống cung cấp giống đạt phẩm cấp lưu hành giống với tổng diện tích 170 ha. Bình quân, mỗi vụ cung cấp 850 tấn lúa giống xác nhận nguyên chủng cho nông dân.

Đối với các loại cây trồng khác, Trung tâm đang tiến hành chăm sóc diện tích mía gốc nhân giống và theo dõi khảo nghiệm giống mía mới (2 bộ, 6 giống) tại Trại giống cây công nghiệp Bến Lức.

Thực hiện 2 điểm trình diễn máy băm dây thanh long tại huyện Châu Thành, 1 điểm trình diễn cây thiên lý tại huyện Đức Huệ, 1 điểm trình diễn đậu phộng tại huyện Đức Hòa.

Thực hiện mô hình trồng rau công nghệ cao tại Trung tâm Khuyến nông gồm trồng và thử nghiệm 4 giống, gồm 2 giống dưa lê (Hoàng Hà và Kim Cô Nương) và 2 giống dưa lưới (Taki và 34-248 RZ). Hỗ trợ 2 tổ liên kết sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Châu Thành. Hỗ trợ Chi hội làm vườn xã Bình Tâm tổ chức sản xuất thanh long theo hướng GAP.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Trung tâm thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường qua các lớp tập huấn và thông tin đại chúng.

Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện các đề tài mới như: Nghiên cứu và xây dựng quy trình thâm canh mè, cây đậu phộng theo hướng cơ giới hóa trên vùng đất xám Đồng Tháp Mười Long An; chuyển giao quy trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn tỉnh Long An.

Đến nay, Trung tâm đã thực hiện được 17 điểm trình diễn trên gia súc, gia cầm về kỹ thuật vệ sinh phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, trồng cỏ, ứng dụng đệm lót sinh học tại các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ, Châu Thành, Thủ Thừa.

Thực hiện công tác quảng bá giống thích hợp và cao sản trong chăn nuôi bò sữa, bò thịt thông qua dịch vụ gieo tinh nhân tạo (gieo 460 liều tinh: 388 bò sữa và 72 bò thịt).

Phát huy tối đa hiệu quả mô hình

Những năm qua, việc áp dụng và nhân rộng các mô hình điểm đã được Trung tâm Khuyến nông Long An ra sức thực hiện.

Các mô hình: Hỗ trợ giá giống cho vùng lúa chất lượng cao; Cánh đồng lớn; Hỗ trợ giống mè chuyển đổi cây trồng cho vùng lúa sản xuất kém hiệu quả; Hỗ trợ xây dựng tổ nhân giống lúa; Cánh đồng mẫu sản xuất lúa theo hướng bền vững; Hỗ trợ giá giống lúa xác nhận cho vùng lúa chất lượng cao; Mô hình cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa theo hướng bền vững; Hỗ trợ giống bắp chuyển đổi cây trồng cho vùng lúa sản xuất kém hiệu quả… đã và đang được nhân rộng, đạt hiệu quả canh tác rất cao.

16-37-16_nh-1-bi-khuyen-nong-long-n
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Nano bạc giúp tăng năng xuất, giảm dịch bệnh được nhiều nông dân Cần Giuộc áp dụng

Đơn cử như mô hình “Cánh đồng mẫu lớn sản xuất theo hướng bền vững” đã được triển khai nhân rộng tại 4 huyện Tân Trụ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Cần Giuộc với diện tích lên đến 200 ha, thu hút 249 hộ nông dân tham gia.

Mô hình “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI” trong vụ hè thu tại ấp 6, xã An Nhựt Tân (Tân Trụ, Long An) được triển khai trên quy mô 60 ha, với sự tham gia của 90 hộ dân, gieo sạ 2 giống chính là RVT (51,4 ha) và Nàng Hoa 9 (8,6 ha).

Nông dân tham gia mô hình này đã thay đổi hẳn nhận thức về phương pháp canh tác lúa so với trước đây. Người nông dân được khuyến cáo sạ thưa 100 – 120 kg/ha thay vì 140 – 170 kg/ha như trước đây. Khuyến khích sử dụng giống xác nhận để gieo sạ.

Nhờ đó nông dân giảm được các chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV, trong khi đó năng suất vẫn đạt hơn 9 tấn/ha, giá bán cao hơn thị trường 300 – 500 đồng/kg.

Các mô hình khác theo hướng VietGAP, GlobalGAP như thanh long ở huyện Châu Thành; chanh không hạt ở Bến Lức, Đức Huệ; nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương pháp Nano bạc ở huyện Cần Giuộc, Cần Đước đang mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho nông dân.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, chăn nuôi theo chuỗi giá trị, mang lại kết quả vượt trội so với diện tích bên ngoài mô hình cả về năng suất, chất lượng nông sản và giá trị gia tăng.

Đây được xem là các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ hiệu quả nhất hiện nay, và sẽ được Trung tâm Khuyến nông Long An nhân rộng mạnh mẽ trong thời gian tới.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác khuyến nông từ khuyến nông sinh kế sang khuyến nông sản xuất hàng hóa trên cơ sở tập trung theo hình thức hợp tác sản xuất và gắn kết người dân với các dịch vụ đầu vào và đầu ra của thị trường theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, Trung tâm sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản cho người dân", ông Tùng nói.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.