| Hotline: 0983.970.780

Bã mía làm ra tiền

Thứ Tư 10/11/2021 , 10:32 (GMT+7)

Trước kia, bã mía chỉ được ủ làm phân bón ruộng, trồng nấm, làm chất đốt đun nấu. Giờ nó là tiền khi làm ra nguồn điện sạch có giá trị kinh tế cao.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, đơn vị trực thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, vào thời cao điểm, mỗi niên vụ ép Nhà máy đường An Khê tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn mía cây. Những năm gần đây, do biến động của thị trường và vùng nguyên liệu, hoạt động sản xuất của Nhà máy Đường An Khê giảm lại, mỗi năm chỉ còn ép khoảng trên dưới 1 triệu tấn mía cây.

Cũng theo ông Phước, nếu như trước kia, khi công nghệ sản xuất đường của nông dân chỉ là những cái che ép mía và nấu đường bằng những cái chảo to tướng thì bã mía đã được nông làm chất đốt nấu đường. Hoặc ủ làm phân bón cho ruộng đồng, sử dụng làm giá thể để trồng nấm hay làm chất đốt đun nấu cho những bữa ăn hàng ngày.

Lúc cao điểm Nhà máy Đường An Khê tiêu thụ 2 triệu tấn mía cây/năm, hiện nay nhà máy đang tiêu thụ 1 triệu tấn mía cây/năm. Ảnh: V.Đ.T.

Lúc cao điểm Nhà máy Đường An Khê tiêu thụ 2 triệu tấn mía cây/năm, hiện nay nhà máy đang tiêu thụ 1 triệu tấn mía cây/năm. Ảnh: V.Đ.T.

Đến khi xuất hiện những nhà máy chế biến đường với công nghệ hiện đại thì cây mía mới “vắt” hết lợi ích của nó. Khi ấy, cây mía vừa làm ra đường, làm ra mật rỉ, những sản phẩm có giá trị kinh tế cao mà còn cho khối lượng lớn bã mía, phụ phẩm rất cần thiết của nhà máy trong sản xuất đường.

Khi này bã mía đóng vai trò quan trọng khi đã trở thành nguồn nhiên liệu đốt cháy những lò hơi để phục vụ cho công đoạn nấu đường của các nhà máy chế biến đường. Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, nếu không dùng bã mía đốt những lò hơi phục vụ chế biến đường thì nhà máy phải mua điện sản xuất để hoạt động với giá cao, khi ấy giá thành đường sẽ tăng lên, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

“Cứ 4 tấn mía cho ra 1 tấn bã mía. Lúc cao điểm, mỗi năm Nhà máy Đường An Khê chạy đến 2 triệu tấn mía cây, mỗi năm cho ra đến 500.000 tấn bã mía. Những năm gần đây, do ảnh hưởng thị trường và vùng nguyên liệu, mỗi năm Nhà máy Đường An Khê chỉ còn chạy khoảng trên dưới 1 triệu tấn mía cây, bình quân mỗi năm cho ra 250.000 tấn bã mía.

Bã mía của Nhà máy Đường An Khê được đưa sang làm nhiên liệu phục vụ cho Nhà máy điện sinh khối An Khê, đơn vị cũng trực thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi và đã làm ra lợi ích rất lớn”, ông Phước cho hay.

Nhà máy điện sinh khối An Khê được Công ty CP Đường Quảng Ngãi đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2018, có công suất lớn nhất nước với 95MW và phát điện lên hệ thống điện quốc gia trên đường dây 220 KV.

Điện sinh khối tận dụng nguồn nhiên liệu sinh khối trên địa bàn khu vực miền Trung-Tây Nguyên như bã mía, mùn cưa, trấu… để sản xuất điện. Sản xuất điện sinh khối không gây hiệu ứng nhà kính, không phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, không ngăn dòng chảy những con sông gây mất cân bằng sinh thái, không nguy hiểm như điện hạt nhân nên đã góp phần rất lớn vào việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Nguồn điện Nhà máy điện sinh khối An Khê hòa vào lưới điện quốc gia đã đóng góp vào phụ tải điện của tỉnh Gia Lai và các tỉnh lân cận, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng bền vững của đất nước. Nhà máy điện sinh khối là giải pháp khai thác triệt để tiềm năng của cây mía và thân thiện với môi trường.

Với sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia năm 2018 là 110,7 triệu kWh, năm 2019 là 97 triệu kWh, Nhà máy điện sinh khối An Khê đã góp phần bù đắp cho lượng điện thiếu hụt tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên vào các tháng cao điểm trong năm. Đây là một bước đi quan trọng trong việc hưởng ứng chương trình an ninh năng lượng sạch quốc gia. Từ khi đi vào hoạt động, ngoài đóng góp ngân sách Nhà nước, Nhà máy điện sinh khối An Khê còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội tỉnh Gia Lai.

Cứ 4 tấn mía cho ra 1 tấn bã, số bã này được đưa sang Nhà máy điện sinh khối An Khê để làm ra nguồn điện sạch. Ảnh: V.Đ.T.

Cứ 4 tấn mía cho ra 1 tấn bã, số bã này được đưa sang Nhà máy điện sinh khối An Khê để làm ra nguồn điện sạch. Ảnh: V.Đ.T.

Nhà máy điện sinh khối An Khê sản xuất điện từ việc đốt bã mía hữu cơ thân thiện với môi trường, là giải pháp khai thác triệt để tiềm năng của cây mía bên cạnh việc sản xuất đường. Trong tổng lượng điện nhà máy sản xuất ra, khoảng 20% được sử dụng để vận hành nhà máy đường, còn lại phát lên lưới điện quốc gia.

“Trong lưới điện quốc gia, điện sinh khối là nguồn điện sạch nên có giá cao nhất. Sau khi Công ty CP Đường Quảng Ngãi xây dựng Nhà máy điện sinh khối An Khê, đến lúc ấy cây mía mới cho khai thác hết lợi ích. Mía không chỉ làm ra đường, mật rỉ mà còn làm ra điện, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị của Nhà máy Điện sinh khối An Khê và cụm thiết bị đường-điện, tiếp tục khai thác lợi thế phế phẩm nông nghiệp trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê chia sẻ.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.