| Hotline: 0983.970.780

Bà Rịa - Vũng Tàu 'gồng mình' chống cháy rừng

Chủ Nhật 07/04/2024 , 16:19 (GMT+7)

Trước nguy cơ cháy rừng đáng báo động, lực lượng kiểm lâm các tỉnh và nhiều địa phương đang túc trực 24/24 để triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng chống cháy rừng.

Tất cả các điểm cảnh báo cháy rừng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang ở cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: Lê Bình.

Tất cả các điểm cảnh báo cháy rừng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang ở cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: Lê Bình.

Cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào

Cách đây không lâu, tại khu vực khoảnh 11, tiền khu 30 thuộc ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã xảy ra vụ cháy rừng với tổng diện tích rộng khoảng 3.000m2.

Rất may mắn, vụ cháy được phát hiện sớm và được UBND xã Phước Thuận báo động sớm, huy động gần 30 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và người dân tổ chức tiến hành các biện pháp khống chế và dập tắt đám cháy. Nguyên nhân bước đầu được xác định là do bất cẩn từ người đi rừng khiến đám cháy khởi phát và lan rộng.

Trước đó vào chiều 14/2, khi một người dân đốt dọn rẫy tại thôn 6 (xã Bình Trung, huyện Châu Đức) bất cẩn khiến lửa cháy lan. Lửa sau đó lan nhanh sang rẫy tràm của các hộ dân lân cận với diện tích khoảng 5.000m2. Người dân địa phương nhanh chóng làm đường băng cản lửa, ngăn cháy lan.

Trước đó một ngày, khu rẫy ven đường ở thôn Phú Sơn (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) cũng bất ngờ bốc cháy. Thời tiết nắng nóng và gió lớn, nhiều cành lá khô nên đám cháy lan nhanh trên diện rộng. Lực lượng tại chỗ của xã Đá Bạc nhanh chóng triển khai dập lửa. Nhờ vậy, đám cháy được khống chế, dập tắt hoàn toàn và không gây thiệt hại.

Từ đầu năm đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu để xảy ra 10 vụ cháy rừng. Ảnh: Lê Bình.

Từ đầu năm đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu để xảy ra 10 vụ cháy rừng. Ảnh: Lê Bình.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến hơn 28.000 ha rừng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đối mặt với nguy cơ cháy cao. Từ đầu mùa khô 2023 - 2024 đến nay, tỉnh đã xảy ra 10 vụ cháy. Trong đó, có 9 vụ cháy trong lâm phần với diện tích rừng bị thiệt hại là 11,905 ha rừng trồng và 1 vụ cháy ngoài lâm phần giáp ranh với đất rừng.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có dịp theo chân lực lượng kiểm lâm đi kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại hầu hết các lâm phần rừng của tỉnh. Mặc dù các vụ chủ yếu cháy cỏ khô, thảm thực bì dưới tán rừng gây thiệt hại diện tích rừng rất nhỏ, khoảng 0,2 ha. Tuy nhiên, so với cùng kỳ mùa khô 2022 - 2023 số vụ cháy rừng tăng lên 4 vụ.

“Hiện, cảnh báo cháy rừng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang ở cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Tất cả đều “căng như dây đàn”, rừng cây thay lá khiến lớp thực bị khô tiếp tục đẩy nhiều cánh rừng có nguy cơ cháy rất cao. Nếu người dân bất cẩn làm rơi 1 điếu thuốc lá xuống lớp lá khô, không biết điều gì khủng khiếp sẽ xảy ra”, ông Ngô Thanh Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay.

Theo Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời tiết nắng nóng kéo dài, cùng với việc đốt cỏ, rác, lá cây ở rẫy có chiều hướng gia tăng, nhất là khu vực xung quanh rừng, làm gia tăng nguy cơ cháy lan, cháy lớn và cháy rừng. Từ điều tra thực tế của 10 vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, nguyên nhân chủ yếu là do người dân tự đốt cỏ, rác, lá cây trong khu vực rẫy. Số còn lại do sự bất cẩn của người dân khi đi rừng hoặc đi qua rừng.

Quyết tâm bảo vệ an toàn “lá phổi” xanh

Đầu tháng 4 là cao điểm mùa khô, vùng Đông Nam bộ nắng như đổ lửa, nhiệt độ ban ngày luôn ở mức 34 - 37 độ C. Mặt trời thiêu đốt khiến con đường nhựa dẫn chúng tôi tới các khu vực rừng phòng hộ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phả hơi nóng hầm hập.

Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu - Phú Mỹ quản lý hơn 7.000 ha rừng phòng hộ tập trung ở thị xã Phú Mỹ và thành phố Vũng Tàu. Nhằm chủ động phòng chống cháy rừng, ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã thực hiện gần một trăm héc ta đường băng cản lửa đốt, chủ động bơm đầy nước trong các hồ chứa.

Các hạt Kiểm lâm của tỉnh đều tăng cường các đợt tuần tra rừng, kiểm tra công tác sẵn sàng trước nguy cơ cháy rừng rất cao như hiện nay. Ảnh: Lê Bình.

Các hạt Kiểm lâm của tỉnh đều tăng cường các đợt tuần tra rừng, kiểm tra công tác sẵn sàng trước nguy cơ cháy rừng rất cao như hiện nay. Ảnh: Lê Bình.

Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, Hạt còn kiểm soát người ra vào rừng, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ, 5 sẵn sàng". Các lực lượng kiểm lâm thường xuyên bám cơ sở, khoanh vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, phân công cán bộ trực 24/24 để theo dõi, tiếp nhận thông tin khi có cháy rừng xảy ra.

“Hạt đã chỉ đạo cho các kiểm lâm địa bàn về ký cam kết các tổ chức, cá nhân sống ở trong rừng, ven rừng để thực hiện công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng”, ông Đào Văn Điền, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vũng Tàu - Phú Mỹ cho hay.

Huyện Xuyên Mộc là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh với trên 16.000 ha, nằm trải dài trên địa bàn sáu xã và một thị trấn bao gồm: rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Hữu, rừng trong sản xuất... Thời điểm này, rừng tại huyện Xuyên Mộc đang ở mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp 5.

Địa phương còn thành lập các tổ, đội quần chúng tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên chỉ đạo kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở để triển khai công tác phòng cháy chữa cháy. Hạt Kiểm lâm còn lên kế hoạch bay flycam để kiểm tra rừng hàng tuần, ứng trực phòng chống chữa cháy rừng 24/24 giờ.

Ông Lê Đình Hải, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Xuyên Mộc cho biết, lực lượng đã chủ động xây dựng, kiện toàn, trang bị tất cả các phương tiện, dụng cụ và phân bổ lại cho các tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng cơ sở để sẵn sàng tham gia chữa cháy khi mà có lệnh điều động.

“Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ rừng, tổ chức cho nhân dân sống trong rừng, ven rừng, các hộ nhận khoán rừng, ký cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ và phòng, chống cháy rừng”, ông Hải cho hay.

Các địa phương đã chủ động dọn lớp thực bì, phát quang và tạo đường cản lửa để 'đi trước cháy rừng một bước'. Ảnh: Lê Bình.

Các địa phương đã chủ động dọn lớp thực bì, phát quang và tạo đường cản lửa để "đi trước cháy rừng một bước". Ảnh: Lê Bình.

Để công tác quản lý, bảo vệ rừng được thuận lợi và đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã phê duyệt “Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh” với kinh phí dự toán khoảng hơn 16,6 tỉ đồng.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp các cấp, củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng. Đồng thời yêu cầu các đơn vị phân vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng để xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cụ thể cho khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao.

“Mặc dù lực lượng kiểm lâm và các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ phương án, lực lượng, trang thiết bị phòng chống cháy rừng, nhưng với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Chúng tôi khuyến cáo người dân nâng cao ý thức, cảnh giác đối với việc đốt lá, nương rẫy hay đốt nhang tại các khu vực chùa nằm trong rừng hoặc đất lâm nghiệp để không xảy ra sự cố cháy rừng”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm yêu cầu.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích trọng điểm cần phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh là 4.428,24 ha, gồm các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, đặc biệt tại các khu vực Long Điền, Tân Thành, Xuyên Mộc, Côn Đảo. Toàn tỉnh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 33.553,67 ha, độ che phủ của rừng chiếm 13,78%.

Theo kế hoạch của ngành kiểm lâm tỉnh, năm 2024, tổng lực lượng có thể huy động tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh là 3.914 người. Các hồ chứa nước ở trong rừng, bìa rừng cũng luôn được bơm đầy để kịp thời ứng cứu khi xảy ra cháy. Đây được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhất là những vị trí mà xe cứu hỏa không thể tiếp cận đám cháy.

Ngoài ra, trong rừng, một số hộ dân trồng xen kẽ các loại cây nông nghiệp ngắn ngày và cây ăn trái lâu năm hoặc sinh sống bằng nghề lấy lâm sản ngoài gỗ như: mật ong, củi, các loại nấm, bẫy chim thú rừng… Vì vậy, nguy cơ cháy rừng cao. Do đó, ngoài việc thông qua lực lượng kiểm lâm địa bàn, UBND các cấp cũng tuyên truyền về nâng cao ý thức phòng chống cháy rừng như lồng ghép vào các cuộc họp tổ dân phố, phát trên hệ thống loa phát thanh của phường, xã… đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.