| Hotline: 0983.970.780

Ba vấn đề trong kết nối thị trường Trung Quốc

Thứ Bảy 19/10/2019 , 08:35 (GMT+7)

Theo đó, thứ nhất là cần nhận thức đúng về thị trường Trung Quốc; thứ hai là nắm cơ hội; thứ ba là thiết lập mối liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và các hiệp hội, thương hội Trung Quốc.

Mới đây, tại hội thảo ở Cần Thơ “Giới thiệu về thị trường Trung Quốc: Kinh nghiệm hợp tác và cơ hội kinh doanh”, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Kinh tế Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phát biểu về quan hệ kinh tế thương mại hai nước nêu lên ba vấn đề cần quan tâm trong kết nối với thị trường Trung Quốc.
 

Thị trường khổng lồ

Tham tán Hồ Tỏa Cẩm đã công tác ở Việt Nam gần 20 năm và 13 năm trước cùng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc về tỉnh Tiền Giang tham gia đầu tư xây dựng khu công nghiệp Long Giang rộng 540 ha, vốn 100 triệu USD khá thành công.

14-29-36_0311193
Tham tán Hồ Tỏa Cẩm phát biểu tại hội thảo.

Theo ông, tình hình thương mại và đầu tư giữa hai nước đến nay đã phát triển sâu rộng, thể hiện qua những con số cụ thể như sau:

Thống kê của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 9/2019, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 113 tỷ USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, còn số liệu của Hải quan Việt Nam có thể còn lớn hơn và tất cả đều thấp hơn thực tế vì giao thương biên mậu sôi động hàng ngày nhưng không thống kê được.

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đang đứng thứ 5 các nước trên thế giới. Trong 9 tháng đầu năm 2019 có gần 500 dự án Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, nếu tính số vốn đầu tư mới và cả vốn mới mua ở các doanh nghiệp khác có tổng cộng hơn 3 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc ở khu vực ASEAN và là một trong 10 thị trường lớn nhất của Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân là thị trường khổng lồ, một năm nhập hơn 2.000 tỷ USD hàng hóa và 500 tỷ USD dịch vụ. Mức tiêu thụ tính bình quân một người Trung Quốc một năm là 30 kg sữa, 40 kg thịt lợn, 50 kg trái cây.

Có thể so sánh để hình dung, thị trường Trung Quốc một năm tiêu thụ 500 triệu con lợn và sắp tới sẽ là 700-900 triệu con, trong lúc ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam một năm chưa được 30 triệu con. Trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc một năm 4,8 triệu tấn và đứng thứ 4 trong các nước xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc nhưng cũng mới chiếm 4,9% thị phần.

Vừa qua, nhiều mặt hàng trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc gặp ách tắc vì hạ tầng kỹ thuật yếu kém. Chẳng hạn thanh long xuất qua cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) mỗi ngày từ 80 tấn lên 160 tấn là xảy ra ách tắc do hạ tầng chưa đáp ứng được. Nên hạ tầng kỹ thuật và cả hạ tầng chính sách đang là cản trở tiềm năng giao thương hai nước.
 

Ba vấn đề cần quan tâm

Theo ông Hồ Tỏa Cẩm, trước tiên là cần nhận thức đúng về thị trường Trung Quốc để có chính sách và kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Lâu nay thường có câu hỏi thị trường Trung Quốc dễ tính hay khó tính, hoặc là trước đây dễ tính sao gần đây khó tính?

Khó hay dễ là tùy đánh giá của mỗi người còn yêu cầu của thị trường là xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng. Thu nhập bình quân đầu người một năm của Trung Quốc hơn 10.000 USD, nhu cầu về an toàn thực phẩm rất cao và thị trường Trung Quốc đã có hệ thống truy xuất nguồn gốc để đáp ứng. Hàng hóa nông lâm thủy sản của Việt Nam để kết nối với thị trường Trung Quốc cũng phải được truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, Việt Nam có cơ hội lớn cần tận dụng là quan hệ mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN đang triển khai với phần lớn thuế quan nông thủy sản về 0%. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm các quy tắc, quy định vì có khá nhiều để đưa hàng vào Trung Quốc thuận lợi.

Thứ hai là nắm cơ hội, thường tập trung ở 4 hội chợ thường niên quan trọng nhất ở Trung Quốc là hội chợ Côn Minh, Nam Ninh, Quảng Châu và Thượng Hải.

14-29-36_0311194
Khu gian hàng Việt Nam ở hội chợ Quảng Châu.

Hội chợ Côn Minh tại tỉnh Vân Nam vào tháng 6 hàng năm, tôn vinh hàng nông sản địa phương và khu vực; đáp ứng nhu cầu thương mại, đầu tư của doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Trung Quốc. 

Hội chợ Nam Ninh tổ chức vào tháng 9 hàng năm tại tỉnh Quảng Tây, nhằm thúc đẩy thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN, các quốc gia ASEAN tổ chức từng khu riêng và khu vực của Việt Nam thường lớn nhất với nhiều mặt hàng gỗ. Hội chợ Quảng Châu ở tỉnh Quảng Châu là hội chợ thương mại hàng đầu châu Á, tổ chức theo các chuyên đề mặt hàng với nhiều đợt như năm 2019 tổ chức vào tháng 4 và tháng 10.

Đặc biệt là hội chợ nhập khẩu Thượng Hải, đây là hội chợ duy nhất của Trung Quốc và cả thế giới chuyên về nhập khẩu, tổ chức ở thành phố Thượng Hải mở ra lần đầu vào tháng 11/2018 được nhiều quốc gia quan tâm.

Năm 2018, Việt Nam là một trong 12 quốc gia khách mời đã tham dự 60 gian hàng, hôm khai mạc có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu cùng Chủ tịch Tập Cận Bình và nhiều nguyên thủ quốc gia khác. Hội chợ năm 2018 có 3.716 gian hàng của 172 nước và khu vực trưng bày diện tích 20 ha, kết quả đón 800.000 lượt người tham quan và ký kết các hợp đồng trị giá 57,8 tỷ USD. Năm nay, dự kiến lớn hơn.

Vấn đề thứ ba là thiết lập mối liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và các hiệp hội, thương hội Trung Quốc.

“Các doanh nghiệp Việt Nam có hàng hóa đặc biệt cần bán hoặc gặp vướng mắc trong giao dịch làm ăn cứ tới Đại sứ quán Trung Quốc, có phòng thương mại tiếp nhận và tư vấn.

Những năm qua, Đại sứ quán đã xử lý nhiều vụ khiếu nại về gian lận thương mại, bảo vệ việc làm ăn đúng pháp luật của hai phía, hạn chế thiệt hại. Còn về các hiệp hội, như Hiệp hội Thương gia Trung Quốc có trên 4.000 hội viên, Hiệp hội thương gia tỉnh Quảng Đông trên 400 hội viên, Hiệp hội thương gia tỉnh Hồ Bắc trên 200 hội viên thuộc nhiều lĩnh vực, luôn sẵn sàng hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam”, Tham tán Hồ Tỏa Cẩm kết luận.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất