Hình ảnh chị Cảnh cung cấp về việc hố chôn lợn chết do dịch tả Châu Phi của thôn ngay sát ao gia đình chị |
Trong đơn kèm hình ảnh, video gửi báo, chị Cảnh cho biết, hiện tại hố chôn lợn chết đã hơn 1 tuần. Do là nền đất sỏi cơm nên nước từ hố chôn lợn đã ngấm vào hệ thống ao của gia đình khiến màu nước của hố chôn lợn giống hệt màu nước ao.
Hơn nữa, theo chị Cảnh, do mặt nước trong hố cũng bằng mặt nước ao và ao lại thông với sông nên nguồn nước từ hố chôn theo sông chảy đi khắp nơi, bà con nhân dân lại dùng cho tưới tiêu nông nghiệp và chăn nuôi nên nguy cơ phát tán ô nhiễm và dịch bệnh vô cùng lớn.
Khi gia đình chị Cảnh sang nhà thắc mắc với trưởng thôn Cầu Đá Phan Thế Thắng thì trưởng thôn khẳng định mình làm đúng. Trong lúc lời qua tiếng lại hai bên xảy ra xô xát khi chị Cảnh quay phim, chụp ảnh việc chôn lợn của thôn.
Gia đình chị Cảnh đã đến UBND xã kiến nghị và chỉ nhận được những câu trả lời chung chung. Sau 1 tuần chưa thấy phản hồi gia đình chị Cảnh tiếp tục ra gặp lãnh đạo xã hỏi về việc chôn lợn tại thôn Cầu Đá thì được vị lãnh đạo xã bảo việc đấy gia đình chị Cảnh và ông trưởng thôn tự đi giải quyết với nhau.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo NNVN về phản ánh của gia đình chị Đặng Thị Cảnh về việc chôn lợn chết không đúng theo quy định, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT, ông Hoàng Đăng Huyến, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang khẳng định phản ánh của chị Cảnh là đúng.
Khi được hỏi quan điểm và hướng xử lý của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang về vấn đề này, ông Huyến nói ngắn gọn: “Cái này chúng tôi chịu, họ phản ánh đúng đấy, nhưng Bắc Giang giờ không còn cán bộ thú y cơ sở nữa nên đành chịu. Chúng tôi ở trên tỉnh làm sao nắm bắt được từng vụ việc ở cấp xã, cấp thôn được”.
Theo Quyết định số 3400/2005 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn phương pháp giết hủy gia súc, gia cầm bị bệnh và Công văn số: 1025/BTNMT-TCMT ngày 11/3/2019 của Bộ TN-MT về việc tăng cường bảo vệ môi trường trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi thì khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các đô thị, các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, công trình văn hóa, khu du lịch, chùa chiền, bệnh viện, trạm y tế phải từ 3.000 m trở lên; khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các cụm dân cư phải trên 300 m; khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các công trình khai thác nước ngầm, nước bề mặt phụ vụ cấp nước cho sinh hoạt (ăn uống, tắm, giặt...) từ 50 đến 100 m; khoảng cách từ bãi chôn lấp tới nguồn nước xung quanh (nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản) từ 30 m trở lên.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, do thực tế hiện nay nhiều địa phương thiếu quỹ đất cộng việc số lượng lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian ngắn quá nhiều, quá lớn, hiện theo số liệu thống kê đã xấp xỉ 2,5 triệu con nên việc không tuân thủ đúng quy định về chôn lấp là việc diễn ra khá phổ biến và đó cũng được coi là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan, diễn biến ngày một phức tạp hơn.