| Hotline: 0983.970.780

Bắc Giang: Giao 83.000m2 đất cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không qua đấu giá

Thứ Tư 04/03/2020 , 17:19 (GMT+7)

Được gắn mác “dự án trọng điểm”, thế nhưng quá trình thực hiện thủ tục triển khai dự án “xây dựng kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh” lại xảy ra không ít sai phạm.

Dự án xây dựng kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh được UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận, nằm lọt thỏm trong khu dân cư. Ảnh: Minh Phúc.

Dự án xây dựng kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh được UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận, nằm lọt thỏm trong khu dân cư. Ảnh: Minh Phúc.

Từ việc ký quyết định chủ trương đầu tư, cho doanh nghiệp thuê đất không thông qua đấu giá để xây dựng các hạng mục đầu tư kinh doanh xăng dầu; giả mạo chữ ký trong việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư,… cho thấy tỉnh Bắc Giang có dấu hiệu vượt quyền Thủ tướng, khi cho phép thu hồi đất để xây dựng kho chứa xăng dầu.

Sai từ quyết định chủ trương đầu tư

Ngày 13/7/2017, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh (đã nghỉ hưu) ký quyết định chủ trương đầu tư số 687, chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Petro Bình Minh thực hiện dự án Đầu tư xây dựng kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh.

Theo đó, tổng vốn đầu tư dự án là 170 tỷ đồng với mục tiêu là xây dựng kho bãi và lưu giữ hàng hóa; bán buôn xăng dầu; bán lẻ xăng dầu.

Các hạng mục của dự án bao gồm: bến xuất nhập xăng dầu có khả năng tiếp nhận phương tiện vận chuyển đường thủy có tải trọng đến 1.000 tấn; kho dầu có sức chứa 4.800 m3; kho chứa hàng hóa tổng hợp có sức chứa 4.000 tấn; cửa hàng xăng dầu cấp bộ loại II (3.600m3/năm; dầu 3.000m3/năm); cửa hàng xăng, dầu cấp thủy loại III.

Địa điểm triển khai dự án tại thôn Đạo Ngạn, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Diện tích sử dụng đất khoảng 83.400m2.

Hầu hết người dân có đất bị thu hồi phản đối thực hiện dự án kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh. Ảnh: Minh Phúc.

Hầu hết người dân có đất bị thu hồi phản đối thực hiện dự án kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh. Ảnh: Minh Phúc.

Theo Luật sư Dương Lê Ước An – Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Với các hạng mục công trình và mục tiêu đầu tư của dự án kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh như trên, có thể khẳng định đây là dự án thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Bởi theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai quy định các trường hợp đấu giá đất như sau: “c) Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; d) Sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp”.

Như vậy, việc UBND tỉnh  ra Quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Petro Bình Minh (địa chỉ trụ sở chính tại Km 7, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) thực hiện dự án Đầu tư xây dựng kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh là không đúng quy định của pháp luật và trái thẩm quyền.

Cụ thể, Luật sư Dương Lê Ước An cho biết: Điểm a, khoản 1 Điều 132 Luật Đầu tư quy định, UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các “dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.

Cần phải nhấn mạnh rằng, khu đất rộng hơn 80.000m2 mà UBND huyện Việt Yên ra thông báo thu hồi  vào ngày 7/3/2019 để thực hiện dự án nằm ở vị trí đắc địa vì nằm ở vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Bắc Giang, có lợi thế về vận tải thủy và bộ vì vừa giáp sông Cầu vừa nằm sát Quốc lộ 1A và hệ thống giao thông đường bộ tại khu vực Bắc bộ.

Trong trường hợp Nhà nước bỏ tiền ngân sách để thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, sau khi có quỹ đất sạch thì phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch.

Qua đó lựa chọn được nhà thầu uy tín nhất, có năng lực tốt nhất và nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền lớn. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bắc Giang lại giao đất cho doanh nghiệp (cho thuê đất) không qua đấu giá, đấu thầu.

Luật sư Dương Lê Ước An cho rằng, việc làm trên của UBND tỉnh Bắc Giang đã tước đoạt cơ hội tiếp cận quỹ đất đắc địa này để đầu tư dự án của các nhà đầu tư khác. Không loại trừ khả năng có sự móc ngoặc, lợi ích nhóm trong việc “thâu tóm” đất giá rẻ.

Người dân lo sợ nguy cơ ô nhiễm môi trường, sự cố cháy nổ từ các kho chứa xăng dầu nếu dự án được triển khai. Minh Phúc.

Người dân lo sợ nguy cơ ô nhiễm môi trường, sự cố cháy nổ từ các kho chứa xăng dầu nếu dự án được triển khai. Minh Phúc.

Dự án bị đánh tráo

Theo Quyết định số 34/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 8/12/2016 quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2017 – 2020: “Nhà nước đầu tư đường giao thông kết nối; tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa”, trong đó có có dự án “Cảng xăng dầu Quang Châu” trên địa bàn huyện Việt Yên.

Tuy nhiên, chẳng hiểu vì lý do gì, tất cả các văn bản từ Quyết định chủ trương đầu tư, thông báo thu hồi đất của tỉnh Bắc Giang và huyện Việt Yên đều đổi tên dự án “Xây dựng cảng dầu Quang Sơn” thành dự án “Đầu tư xây dựng kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh”.

Vậy đây có phải là hành vi đánh tráo dự án? UBND huyện Việt Yên khẳng định dự án đầu tư xây dựng kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh “thuộc danh mục dự án nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” theo Quy định tại Khoản 3, Điều 62, Luật Đất đai 2013”.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Việt Yên, cho biết đây là dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông (cảng, bến thủy nội địa) của địa phương.

Tuy nhiên, Luật sư Dương Lê Ước An, khẳng định: “Theo Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về phân loại công trình giao thông, thì “công trình giao thông không bao gồm: kho xăng dầu, kho chứa hàng hóa tổng hợp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu”.

Như vậy, việc UBND huyện Việt Yên thu hồi phần diện tích đất (trong tổng số 83.400m2) để cho Công ty TNHH Petro Bình Minh thuê sử dụng với mục đích xây dựng kho chứa xăng dầu, cửa hàng kinh doanh xăng dầu (không phải các hạng mục công trình cảng, bến thủy nội địa) là trái với quy định của pháp luật về đất đai.

Việc thu hồi hơn 83.000m2 (là đất nghĩa trang, đất nông nghiệp, diện tích mặt nước… của gần 200 hộ dân thôn Nam Ngạn 2 và Đạo Ngạn) nói trên bản chất nhằm mục đích chính là xây dựng dự án kho cảng tổng hợp Petro Bình Minh, phục vụ lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, chứ không phải thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa theo như Nghị quyết số 34 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm