Thời vụ thuận lợi
Bám sát khung thời vụ do ngành nông nghiệp đề ra, ngay sau những ngày vui xuân, đón Tết Giáp Thìn 2024, nông dân xã Hương Gián, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã hăng hái xuống đồng gieo cấy lúa vụ xuân, tạo không khí sôi nổi trên khắp cánh đồng.
Bà Phạm Thị Chiều, nông dân trong xã cho biết, vụ xuân 2024, gia đình bà gieo cấy 1,5 mẫu ruộng. Ngay từ trước Tết, gia đình bà đã lấy nước, hoàn thành xong khâu làm đất và gieo mạ. Sau khi lấy nước đổ ải lần 2 (hết ngày 21/2), gia đình bà đã cấy được hơn 2/3 diện tích. Hiện còn khoảng hơn 4 sào ruộng, bà sẽ huy động nhân lực để cấy tập trung trước ngày 25/2.
“Thời tiết sau Tết nắng ấm, rất thuận lợi cho việc gieo cấy. Năm nay, gia đình tôi làm nhàn hơn hẳn”, bà Chiều chia sẻ.
Nắm được thông tin sẽ có một đợt không khí lạnh vào cuối tháng 2/2024, gia đình bà đã chuẩn bị sẵn vật tư nông nghiệp để nhanh chóng chuyển sang giai đoạn chăm sóc cho cây lúa nhanh bén rễ, phát triển khỏe mạnh.
Theo Phòng Kinh tế huyện Yên Dũng, căn cứ tình hình thời tiết và chỉ đạo từ Sở NN-PTNT, năm nay huyện tập trung gieo cấy trà lúa xuân muộn là chủ yếu. Mục đích để lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi từ ngày 5/5 đến 25/5, tránh trỗ sớm gặp rét muộn hoặc trỗ muộn gặp gió Tây, hay lũ tiểu mãn ở các chân trũng.
Do nền nhiệt độ toàn vụ xuân năm nay dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn vụ xuân 2022 - 2023 từ 0,5 -1,5 độ C, Yên Dũng lưu ý người dân thận trọng với những giống mẫn cảm với nhiệt độ thấp như BC15.
Căn cứ tình hình thực tế, mỗi khu vực chọn 3 - 4 giống chủ lực để đạt kết quả cao. Trong cùng một trà lúa, giống có thời gian sinh trưởng dài ngày cần bố trí gieo đầu khung lịch thời vụ, giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn bố trí giữa và cuối khung thời vụ. Các giống ưu tiên gồm KD18, TBR225, VNR20, Bắc thơm số 7, ngoài ra có thể sử dụng thêm Đài thơm 8, TH8, TĐ25.
Từ ngày 24/2, nhiệt độ một số nơi tại Yên Dũng có thể xuống dưới 15 độ C. Vì vậy, UBND huyện đề nghị bà con có kế hoạch gieo mạ dự phòng bằng các giống lúa ngắn ngày để ứng phó kịp thời nếu rét đậm, rét hại xảy ra.
Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân tăng cường bón phân tổng hợp NPK thay thế phân đơn, kết hợp sử dụng phân hữu cơ vi sinh với phương châm bón sớm, bón tập trung, “nặng đầu nhẹ cuối” để lúa sinh trưởng sớm, khỏe, đẻ nhánh tập trung và hạn chế sâu bệnh. Đồng thời, không bón thúc đạm urê khi nhiệt độ dưới 15 độ C.
Cùng với lúa, huyện Yên Dũng còn tích cực mở rộng diện tích các loại ngô thực phẩm có thời gian sinh trưởng ngắn, có thị trường tiêu thụ tốt, giá trị kinh tế cao đã được khẳng định như ngô nếp HN88, các giống ngô ngọt, với thời vụ gieo trồng từ 25/1 - 15/3. Tương tự, các giống lạc có năng suất cao như L14, L26, L18 phấn đấu trồng xong trước tháng 3/2024, đồng thời tăng cường áp dụng biện pháp che phủ nilon, hoặc sử dụng rơm rạ tại chỗ để che phủ giữ ẩm và tạo chất hữu cơ cải tạo đất.
Với các loại rau, huyện đề nghị bà con trồng rải vụ, tăng diện tích rau trái vụ để nâng cao hiệu quả kinh tế, mở rộng diện tích rau chế biến có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, khuyến khích thành lập các vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, tưới tự động, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Qua kiểm tra, rà soát, huyện Yên Dũng cho biết, nhờ Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Nam Yên Dũng, Nam Cầu Sơn chủ động nạo vét kênh mương tưới, tiêu, kết hợp địa phương lấy nước hợp lý theo khung thời vụ nên công tác đổ ải phục vụ sản xuất vụ chiêm xuân năm nay được đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất.
Cẩn trọng ốc bươu vàng
Vụ chiêm xuân 2023 - 2024, tỉnh Bắc Giang phấn đấu đạt tổng diện tích gieo trồng 65.800ha. Trong đó, diện tích cây lúa đạt 46.200ha, sản lượng khoảng 280.000 tấn; diện tích cây ngô đạt 3.110ha, sản lượng ước 13,6 nghìn tấn; sản xuất cây lạc 5.330ha, sản lượng 14.000 tấn; diện tích trồng khoai lang 1.180ha, sản lượng 14.000 tấn; diện tích rau các loại là 7.200ha.
Ông Nguyễn Anh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang cho biết, do năm nay thời tiết sau Tết Nguyên đán tương đối ấm nên địa phương cơ cấu trà lúa xuân muộn chiếm khoảng 97% diện tích gieo cấy.
Ngay sau Tết, cán bộ Chi cục đã bám sát đồng ruộng. Theo báo cáo của cán bộ và phản ánh của người dân, hiện nay ốc bươu vàng đã bắt đầu gây hại trên mạ và lúa mới cấy với diện tích nhiễm toàn tỉnh khoảng 1.560ha, mật độ trung bình từ 0,5 - 2 con/m2, mật độ cao từ 3 - 5 con/m2, tập trung chủ yếu tại 3 huyện là Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang.
Dự báo thời gian tới, ốc bươu vàng sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng. Để hạn chế thấp nhất việc ốc bươu vàng phát sinh gây hại lúa xuân, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm tình hình phân bố và gây hại của ốc bươu vàng. Đồng thời, thường xuyên theo dõi sự phát sinh, lây lan và gây hại của ốc bươu vàng ở ruộng lúa mới cấy, gieo sạ, đặc biệt ruộng lúa cấy bằng mạ khay.
Vào thời điểm phù hợp, người dân cần tổ chức bắt ốc bươu vàng và thu gom ổ trứng vào sáng sớm và chiếu tối để tiêu hủy; rút bớt nước trong ruộng lúa nhằm hạn chế sự gây hại của ốc bươu vàng; đặt lưới thu gom ốc bươu vàng ở nơi cống dẫn nước để ngăn chặn ốc bươu vàng lây lan.
Đối với những diện tích lúa đã bị ốc bươu vàng gây hại, Chi cục Trồng trọt và BVTV đề nghị cấy dặm bổ sung ngay, kết hợp với chăm sóc, bón phân để lúa đẻ nhánh thuận lợi.
Do tình hình thời tiết từ nay đến giai đoạn lúa trỗ còn diễn biến phức tạp, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang lưu ý người dân sử dụng thuốc hóa học đặc hiệu để phòng trừ ở những nơi có mật độ ốc bươu vàng cao; ưu tiên sử dụng các loại thuốc gốc sinh học, thuốc có độ độc thấp để phòng trừ; giữ mực nước trong ruộng lúa từ 3 - 5cm để phòng trừ ốc bươu vàng đạt hiệu quả.
Ngoài ốc bươu vàng, bà con cần theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu, bệnh hại khác trên mạ và lúa mới cấy như tập đoàn rầy, sâu đục thân, bệnh đạo ôn để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Theo kế hoạch sản xuất vụ xuân của tỉnh Bắc Giang năm 2023 - 2024, huyện Lục Nam và Hiệp Hòa đứng đầu về tổng diện tích gieo trồng, lần lượt là 11.800ha và 10.400ha. Trong đó, diện tích lúa từ 7.500 - 8.000ha. Trong số này, diện tích lúa chất lượng cao của tỉnh khoảng 23.100ha, tập trung nhiều nhất tại huyện Yên Dũng với khoảng 5.500ha.
Một số huyện miền núi như Sơn Động, Lục Ngạn có diện tích gieo cấy lúa hạn chế được bù lại bởi cây ngô với diện tích mỗi địa phương gần 900ha.