| Hotline: 0983.970.780

Vượt qua dịch bệnh, doanh nghiệp Việt xuất khẩu trứng gà lỏng thanh trùng

Thứ Sáu 15/12/2023 , 15:13 (GMT+7)

Nuôi gà theo tiêu chuẩn nhân đạo, kiểm soát tốt dịch bệnh, đầu tư công nghệ xử lý trứng sạch hiện đại…là cách Vĩnh Thành Đạt tạo ra nhiều dòng sản phẩm trứng gia cầm.

Trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn nhân đạo của Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, đảm bảo môi trường sống tự nhiên, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gà mái đẻ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn nhân đạo của Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, đảm bảo môi trường sống tự nhiên, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gà mái đẻ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hai lần vượt cúm H5N1 và Covid-19

Hơn 20 năm tham gia vào thị trường trứng gia cầm, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đã trải qua nhiều thăng trầm để gầy dựng và trụ vững với vị trí thương hiệu đầu tiên đưa trứng sạch vào hệ thống siêu thị hiện đại.

Kể về quãng thời gian bén duyên với quả trứng, ông Trương Chí Thiện nói: “Khi là sinh viên, hàng tháng, tôi được bố mẹ “tiếp” trứng từ quê lên, ăn không hết, tôi đem bán. Thấy nhu cầu về trứng gia cầm ở thành phố lớn, dưới quê mình lại rẻ, từ năm thứ 3 đại học, tôi bắt đầu bỏ mối phân phối trứng cho các vựa trứng ở quận 8.

Sau khi ra trường làm cho công ty về tài chính, tôi vẫn kiếm thêm bằng nghề tay trái là bán trứng. Quả trứng đã gắn bó với tôi, như một duyên nợ không dứt! Tôi bắt đầu mở vựa trứng tại quận 5 để chủ động nguồn hàng, không phải phụ thuộc quá nhiều vào thương lái”.

Nhưng, đúng thời điểm 2003, dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát trên thế giới và Việt Nam, khiến ông Thiện trắng tay vì “nợ khó đòi”, hàng triệu người lao động mất việc khi chuỗi cung ứng sản xuất trứng gia cầm bị đứt gãy.

Sau dịch cúm gia cầm, việc kiểm soát trứng bắt đầu chặt chẽ hơn, đòi hỏi phải soi chiếu và có kiểm định chất lượng theo quy định của y tế và thú y. Bên cạnh đó, người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng mua trứng có thương hiệu. 

Đây cũng là lúc, ông Thiện nhìn lại con đường kinh doanh của mình và buộc phải thay đổi. Ông bắt đầu lên kế hoạch, liên kết với các hộ chăn nuôi, đầu tư bài bản, xây dựng nhà máy sản xuất trứng sạch với dây chuyền máy móc nhập khẩu hiện đại, tự động, được các cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép, quyết xây dựng thương hiệu trứng sạch V.Food “made in VietNam”.

Robot gắp trứng tự động để đưa vào làm sạch trứng.

Robot gắp trứng tự động để đưa vào làm sạch trứng.

“Để đáp ứng sản lượng trứng cho nhà máy, chúng tôi ký kết bao tiêu đầu ra cho các hộ chăn nuôi tại Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Họ phải có quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh trên gia cầm và đặc biệt phải có sổ nhật ký ghi lại quá trình chăm sóc gà, quá trình cho ăn, thức ăn đầu vào cho gà, thời gian tiêm vacxin, số lượng trứng đẻ trong ngày…

Tất cả thông tin đều phải cập nhật rõ ràng thì mới hợp tác”, ông Trương Chí Thiện cho hay và đánh giá, tất cả các hộ chăn nuôi đã ký kết với doanh nghiệp thời gian qua đã làm rất tốt công tác phòng bệnh dịch trên đàn gia cầm, đảm bảo chất lượng trứng tốt nhất để đưa về nhà máy xử lý những công đoạn sau đó.

Tiếp đến, Vĩnh Thành Đạt bắt đầu thuê 5ha đất ruộng tại huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) để thử nghiệm mô hình chăn nuôi khép kín bán công nghiệp với 20.000 con vịt. Với mô hình này, sản lượng trứng tăng 20%, chất lượng vượt trội, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Trứng gia cầm từ các trang trại chăn nuôi đạt chuẩn, được đưa qua khâu kiểm dịch toàn bộ, xử lý diệt trùng bằng xông Ozon trước khi đưa về nhà máy.

Tại nhà máy, toàn bộ trứng được khử trùng bằng xông Ozon một lần nữa, tránh việc tái nhiễm khuẩn trên đường vận chuyển, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra chất lượng trước khi đưa trứng vào nhập kho.

“Trứng được cân và phân loại các cỡ trứng khác nhau nhằm đảm bảo sự đồng đều giữa các sản phẩm và được robot đưa dây chuyền công nghệ tự động MOBA.

Tại đây, trứng được chuyển qua khâu rửa bằng nước 40 độ C trên băng chuyền tự động nhằm làm sạch các nhân tố vật lý, hóa học, vi sinh vật trên bề mặt vỏ, và chuyển qua khâu sấy khô hoàn toàn, soi đèn tự động.

Tiếp đến, nhân viên trực tiếp kiểm tra trên hệ thống, loại bỏ những quả trứng không đạt yêu cầu về chất lượng vỏ và hình thái. Toàn bộ trứng đạt yêu cầu tiếp tục được xử lý bằng tia UV để ngăn chặn không cho vi khuẩn xâm nhập giúp trứng được tươi.

Kế tiếp, trứng được qua hệ thống in tự động logo và các kí hiệu về nguồn truy xuất, ngày đóng gói hoàn toàn tự động, nhằm xác định sản phẩm của công ty khi đưa ra thị trường.

Loại mực in này được sử dụng phổ biến tại các nước tiên tiến không bị nhòe, không làm giả được và hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng bên trong của quả trứng”, ông Trương Chí Thiện thông tin.

Những tưởng mọi việc êm xuôi, cứ thế tiến lên, nhưng cuối năm 2019, đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 lại tiếp tục làm cho doanh nghiệp này cũng như các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp Việt “chao đảo” vì “giãn cách xã hội”, “ba tại chỗ”. Lúc này, tất cả trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa nên Vĩnh Thành Đạt phải tạm ngưng cung cấp một lượng hàng rất lớn, có nguy cơ thua lỗ nặng.

Vĩnh Thành Đạt buộc phải tăng cường khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng nhằm đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp và các đối tác chăn nuôi, đồng thời bảo toàn sức khỏe cho chính những người lao động của doanh nghiệp trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cũng chính thời điểm “ba tại chỗ”, là lúc ông Thiện và cộng sự bắt đầu nghiên cứu cho ra các dòng sản phẩm trứng chế biến theo hướng đi riêng, tạo giá trị tăng thêm cho quả trứng, phù hợp với nhu cầu tiện lợi, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Đơn cử như trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng gà tiềm, trứng cút phá lấu, trứng gà xông khói… và đặc biệt là trứng gà nuôi theo tiêu chuẩn nhân đạo (Cage free).

Gà nuôi nhân đạo phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định theo Tổ chức quốc tế.

Gà nuôi nhân đạo phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định theo Tổ chức quốc tế.

Trang trại chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn nhân đạo

Trang trại nuôi gà theo tiêu chuẩn trang trại nhân đạo của Vĩnh Thành Đạt đặt tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, được Tổ chức Human Farm Animal Care (HFAC - Hoa Kỳ) cấp giấy chứng nhận. Đánh dấu doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận về chăn nuôi nhân đạo với tiêu chuẩn tuân thủ theo chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng nhân đạo dành cho vật nuôi trang trại.

Năm đầu tiên, trang trại nuôi với 6.000 con gà mái, và đến nay đã tăng lên là 12.000 con gà mái đẻ với hai trang trại. Nhằm đảm bảo sự thông thoáng, môi trường trong lành, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gà, hai trang trại này được bố trí cách xa khu dân cư, xung quanh là cây cối và được ngăn cách bằng các vách lưới.

Bên trong trại nuôi được bố trí nhằm tái hiện không gian theo tập quán tự nhiên của con gà như: khu vực sào đậu, khu vực bố trí “nhà đẻ”, đặc biệt, sử dụng các chất độn như chấu để tạo độ nhún cho nền trang trại… để gà có thể thoải mái di chuyển, bay nhảy, bới móc tìm thức ăn, tắm cát, tự làm sạch lông, tìm ổ đẻ…

Bên cạnh đó, thức ăn phải được kiểm soát chặt chẽ, đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng, không chứa kháng sinh, không chứa xương động vật… Nước uống được cung cấp đầy đủ từ nguồn nước sạch…

Tất cả quá trình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn nhân đạo đều phải được tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mà Tổ chức HFAC quy định.

Đặc biệt, vệ sinh chuồng trại, thay chấu định kỳ giúp đàn gà khỏe mạnh. Nhờ mô hình chăn nuôi này, hàng ngàn con gà được giải phóng khỏi những chiếc lồng nuôi chật trội.

Đây là mô hình đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng trong những năm qua. Hiện các sản phẩm V.Food, đặc biệt là trứng gà nuôi theo tiêu chuẩn nhân đạo đang được bán hầu hết tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM, các tỉnh miền Trung và miền Nam… và các công ty bánh kẹo. Tổng lượng trứng bán ra thị trường khoảng 500.000- 700.000 quả mỗi ngày, cao điểm có thể đạt trên 1 triệu quả/ngày.

Nói về mục tiêu trong thời gian tới, ông Trương Chí Thiện cho biết, doanh nghiệp luôn phấn đấu cung cấp sản phẩm trứng gia cầm cho thị trường với chất lượng, giá thành tốt nhất.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục phát triển những dòng sản phẩm mới theo xu hướng phát triển của xã hội như sản phẩm trứng gà nuôi theo chuẩn nhân đạo, sản phẩm tiện dụng như trứng lỏng thanh trùng, trứng ăn liền, đồng thời cũng hướng đến thị trường xuất khẩu.

“Đây là xu hướng chăn nuôi của thế giới. Tương lai, các công ty sản xuất bánh kẹo muốn xuất khẩu vào 1 số thị trường sẽ phải đáp ứng yêu cầu sử dụng trứng gà chăn nuôi theo tiêu chuẩn nhân đạo để làm nguyên liệu. Nếu không đáp ứng, mình sẽ bị đào thải ngay”, Tổng giám đốc Vĩnh Thành Đạt nói.

Tháng 5 vừa qua, Vĩnh Thành Đạt xuất khẩu thành công 1 container trứng lỏng thanh trùng sang Hàn Quốc với những điều kiện, tiêu chuẩn về kháng sinh, vi sinh… chặt chẽ từ nhà nhập khẩu. Đây là động lực để doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư máy móc, công nghệ; mở rộng liên kết với các hộ chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, để có thể cho ra đời nhiều dòng sản phẩm trứng gia cầm tươi, trứng ăn liền, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm