| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn: 'Khoác áo mới' cho đàn đại gia súc

Thứ Hai 21/09/2020 , 09:15 (GMT+7)

Mục tiêu của Bắc Kạn là duy trì ổn định tổng đàn, nhưng phải tăng cường trao đổi vật nuôi hàng hóa trên thị trường, đem lại thu nhập cao, ổn định cho người dân.

Thực trạng và nguyên nhân suy giảm đàn vật nuôi

Ngoại trừ đàn gia cầm đạt gần 2,2 triệu con (tăng 128%), thì hiện tại các loại vật nuôi khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có nhiều dấu hiệu cho thấy đang có chiều hướng giảm.

Cụ thể như tổng đàn đại gia súc trâu, bò, ngựa 75.042/90.271 con, chỉ đạt 83% kế hoạch và bằng 96% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó số hiện có 65.832 con, số xuất bán giết mổ 9.210 con; đàn dê hơn 17.300 con, đạt 79%; đàn lợn hơn 120.500 con, đạt 86%.

Nhìn chung công tác chăn nuôi phát triển chậm, đàn lợn giảm do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn xuất hiện ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, số lượng tiêu hủy còn nhiều đã ảnh hưởng đến công tác tái đàn.

Một số loại bệnh dịch khác cũng ảnh hưởng chung đến việc tái đàn và phát triển đàn vật nuôi, như bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 4 huyện Chợ Mới, Ngân Sơn, Chợ Đồn và Na Rỳ đã làm cho 340 con trâu, bò mắc bệnh; bệnh cúm gia cầm subtype H5N6 xảy ra tại huyện Bạch Thông từ cuối năm 2019 tới đầu năm 2020 đã dẫn tới việc tiêu hủy hàng ngàn con gia cầm.

Ngoài ra còn phát sinh các loại bệnh truyền nhiễm khác, như tụ huyện trùng ở trâu, bò, lợn; bệnh Newcastle ở gà,… tại các địa phương xảy ra lác đác, một số ổ dịch nhỏ lẻ đã được người dân phát hiện và báo cho cơ quan chuyên môn có biện pháp xử lý.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, nguyên nhân được chỉ ra là việc người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu các biện pháp vệ sinh chuồng trại, hạn chế về các kỹ thuật phòng chống dịch bệnh và tâm lý chủ quan của người chăn nuôi.

Tập quán chăn thả trâu, bò của người dân Bắc Kạn vẫn còn cao. Ảnh: Toán Nguyễn.

Tập quán chăn thả trâu, bò của người dân Bắc Kạn vẫn còn cao. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hướng tập trung vào chăn nuôi đại gia súc

Theo ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh DTLCP, vì vậy nếu những hộ nuôi lợn không đủ khả năng xây dựng chuồng trại đúng quy chuẩn và còn hạn chế trong phòng chống bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thì người dân nên chuyển sang các loại vật nuôi khác ít rủi ro hơn, khả năng đầu tư phù hợp hơn.

Trong đó chăn nuôi đại gia súc được khuyến khích, với những loại vật nuôi chủ yếu là trâu, bò và ngựa. Do hiện tại, điều kiện của nhiều người dân ở Bắc Kạn chưa đủ khả năng chăn nuôi quy mô lớn, nên vẫn phải duy trì kiểu chăn nuôi nông hộ để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có.

Tuy nhiên theo ông Việt, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người chăn nuôi hạn chế chăn thả tự do, mà tập trung vào việc thâm canh các loại cỏ và ổn định nguồn thức ăn là phụ phầm nông nghiệp sẵn có như rơm rạ, các loại lá cây để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi.

Hiện nay các bãi chăn thả bị thu hẹp, những vùng thức ăn truyền thống để trồng rừng hoặc canh tác các loại cây khác. Vì vậy, ngành Chăn nuôi và Thú y tuyên truyền các hộ chăn nuôi nên trồng cỏ, nếu nuôi nhốt được là tốt nhất sẽ đem lại hiệu quả cao. Bởi chỉ có như vậy mới đủ nguồn dinh dưỡng cho trâu, bò bởi mỗi con vật cần từ 15 – 20kg cỏ/ngày.

Nhiều chính sách ưu đãi thúc đẩy chăn nuôi

Do vẫn là một tỉnh khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nên hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn người dân đang được thụ hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp của nhà nước thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình 135, 30a, ...

Trong đó có nội dung hỗ trợ giống, thức ăn, vật tư thú y tạo điều kiện thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Cùng với nhiều chương trình hỗ trợ theo nghị quyết 08 sau đầu tư về kỹ thuật, con giống và cơ sở vật chất.

Cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không chỉ có các quan chuyên môn như Chi cục Chăn nuôi Thú y, các địa phương, mà ngay cả các hội đoàn thể cũng tham gia vào công tác hỗ trợ chăn nuôi, tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, kỹ thuật trồng cỏ,...

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi, để ổn định về nguồn thực phẩm cung cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh và xuất bán ra thị trường; Tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi; Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy mô tập trung trang trại, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học gắn với chuỗi giá trị có liên kết để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Ngoài việc chỉ đạo tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm để bù đắp một phần sản lượng thịt thiếu hụt từ nguồn cung thịt lợn bị thiếu, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã lên kế hoạch đối với các lĩnh vực chăn nuôi khác như chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi dê... tập trung phát triển dựa trên nguyên tắc phải kiểm soát được dịch bệnh, cân đối cung cầu và sinh kế cho người chăn nuôi.

Chợ trâu bò Nghiên Loan, huyện Pác Nặm mỗi phiên giao dịch hàng chục tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi phát triển. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chợ trâu bò Nghiên Loan, huyện Pác Nặm mỗi phiên giao dịch hàng chục tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi phát triển. Ảnh: Toán Nguyễn.

Tăng tổng đàn song hành với tăng lượng tiêu thụ

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn Đỗ Xuân Việt thông tin, mục tiêu của tỉnh trong phát triển chăn nuôi đại gia súc đến năm 2025 là phải duy trì ổn định tổng đàn trên 65.000 con. Nhưng cũng phải tăng được lượng vật nuôi hàng hóa trao đổi trên thị trường, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người chăn nuôi, chứ không chỉ tập trung tăng đàn mà hạn chế xuất bán thì hiệu quả sẽ không cao.

Đối với chăn nuôi đại gia súc, tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh công tác chỉ đạo, hướng dẫn hộ chăn nuôi đầu tư phát triển chăn nuôi dựa trên nguyên tắc kiểm soát được dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo nguồn thực phẩm tại chỗ cho người dân.

Tỉnh khuyến khích chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại và gia trại, tận dụng đất đai sẵn có để trồng cỏ, nhằm phát huy hết lợi thế đất đai ở địa phương, nâng cao hiệu quả chăn nuôi; hạn chế phụ thuộc vào tự nhiên trong điều kiện bãi chăn thả truyền thống bị thu hẹp.

Bắc Kạn cũng xác định, tập trung phát triển chăn nuôi tại các địa phương có tổng đàn, diện tích chăn thả lớn như các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Na Rì, Chợ Đồn,... Các địa phương còn lại khuyến khích việc chăn nuôi tập trung nếu có thể, hoặc theo hướng bán thâm canh để tăng năng suất.

Giải bài toán con giống

Trong những năm tới, giải pháp mà ngành NN- PTNT tỉnh Bắc Kạn đưa ra đối với chăn nuôi đại gia súc là việc người chăn nuôi nên sử dụng nguồn con giống sẵn có tại địa phương, thông qua thu mua từ các chợ buôn bán đại gia súc trên địa bàn. Song song với việc nhập con giống từ ngoài địa bàn vào địa phương để đáp ứng nhu cầu nuôi vỗ béo và bổ sung phát triển tăng đàn.

Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Bắc Kạn Nguyễn Ngọc Cương cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh số lượng người chăn nuôi quy mô lớn có hạn, không nhiều do ít người có điều kiện đầu tư.

Theo ông Cương, con bò sẽ là vật nuôi chủ lực cho người chăn nuôi. Lấy gen giống bò Mông để phát triển nhân giống, bởi loại bò này phù hợp với điều kiện chăn nuôi và tập quán chăn thả thả ở địa phương. Bò Mông cũng thích ứng tốt với điều kiện địa hình đồi núi dốc, chống chịu được thời tiết lạnh giá mùa đông ở miền núi.

Xem thêm
Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Trà Vinh Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.