| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn: Nâng cao hiệu quả khai thác thủy lợi

Chủ Nhật 01/12/2019 , 10:24 (GMT+7)

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, nên việc tạo điều kiện tốt nhất cho bà con phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. 

Trong đó, lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng luôn ưu tiên hàng đầu.

Bắc Kạn được tái lập tỉnh năm 1997, là một tỉnh nghèo, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư. Cụ thể là hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất chủ yếu là các hồ chứa nước nhỏ, đập dâng, các công trình phai tạm, kênh mương đồng đất… không đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Với địa hình chủ yếu là đồi núi, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất do phụ thuộc vào nguồn nước mưa tự nhiên.

Nhìn nhận vấn đề hạn chế đó, ngay từ những ngày đầu mới tái lập tỉnh, các cấp lãnh của Bắc Kạn đã xác định công tác thuỷ lợi đóng vai trò quan trọng để mở rộng diện tích gieo trồng và nâng cao năng suất cây trồng. Tỉnh đã tập trung mọi người lực, với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn kiên cố hoá kênh mương của Chính phủ, vốn Chương trình 135, 30a, 3PAD, vốn vay từ ngân hàng ADB… để quy hoạch và xây dựng các công trình thuỷ lợi cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hồ Bản Chang được xây dựng năm 2006, không chỉ phát huy cấp nước sản xuất cho huyện Ngân Sơn, mà còn trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, nhiều công trình được đầu tư vốn lớn, năng lực tưới tiêu đạt vài trăm héc-ta trở lên được xây dựng như công trình hồ Đèo Bụt, hồ Thôm Trào (Chợ Mới), hồ Bản Chang (Ngân Sơn), đập Vằng Giang, cụm công trình thuỷ lợi Đông Nam, công trình thuỷ lợi Nam Cường (Chợ Đồn), công trình thuỷ lợi Cạm Báng, hồ Khuổi Khe (Na Rì), hồ Nặm Cắt (TP. Bắc Kạn)… Kết hợp là hàng ngàn công trình kênh mương nội đồng đã được xây dựng.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Bắc Kạn, toàn tỉnh đã có hơn 2.400 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ. Trong đó có khoảng 40 công trình hồ chứa nước, hơn 1.000 công trình đập, phai, kênh mương bê tông kiên cố, 30 công trình trạm bơm… Tổng năng lực tưới đảm bảo 2 vụ lên tới gần 20.000ha.

Ông Hà Kim Oanh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho biết, nhờ sự quan tâm và đầu tư đúng mức vào thuỷ lợi, nên diện tích, năng suất, sản lượng cây lương thực trên toàn tỉnh ngày càng tăng cao, góp phần xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực.

 Kiên cố hóa kênh mương là nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng NTM ở Bắc Kạn.

Để quản lý tốt và nâng cao hiệu quả tối đa của các công trình thủy lợi, tỉnh Bắc Kạn đã giao Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi của tỉnh quản lý gần 400 công trình, với diện tích tưới tiêu khoảng 5.300ha; giao cho trực tiếp địa phương các huyện, thành phố quản lý 2.000 công trình (có quy mô nhỏ hơn và phù hợp năng lực của các địa phương) với diện tích tưới hơn 7.000ha. Các công trình thuỷ lợi giao cho huyện, thành phố quản lý thông qua hơn 100 tổ dùng nước. Việc phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi đã mang lại những kết quả tích cực.

Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi ngày càng được củng cố và hoạt động dần đi vào nề nếp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Các tổ dùng nước dần hoàn thiện về mặt năng lực, công tác thanh quyết toán nguồn cấp bù thủy lợi phí nhiều nơi đã thực hiện tốt. Do vậy, khi giải quyết hiệu quả tình trạng hạn hán, diện tích trồng lúa được tưới bằng công trình thủy lợi đã đạt hơn 24.000ha/năm.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, tỉnh tăng cường quản lý các công trình thủy lợi, nâng cao hiệu quả hoạt động, không để tình trạng buông lỏng quản lý khiến các công trình không phát huy hiệu quả sản xuất ở những vùng được hưởng lợi.

Để thấy rõ hơn về việc quan tâm thường xuyên tới công tác quản lý thủy lợi, nâng cao hiệu quả cung cấp nước sản xuất, văn bản mới nhất của UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành ngày 29/10/2019 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành, địa phương liên quan là một minh chứng cụ thể. Nội dung văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020, bảo đảm đúng quy định.

Hệ thống kênh mương nội đồng ở tỉnh Bắc Kạn phát huy hiệu quả cung cấp nước sản xuất.

Nhờ những nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng các công trình hồ đập và kênh mương thủy lợi trong những năm qua của cả hệ thống chính trị các cấp, đã góp phần quan trọng để sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn tăng trưởng mạnh, thậm chí là thay đổi cả tập quán canh tác của người dân. Bởi với địa hình vùng cao như Bắc Kạn, diện tích ruộng nhỏ lẻ, manh mún, bị chia cắt mạnh bởi đồi núi, độ dốc cao và rất thiếu nguồn nước nên trước đây chỉ canh tác được 1 vụ nhờ vào thời tiết, thì nay nhiều nơi người nông dân đã sản xuất được 2-3 vụ nhờ được đầu tư công trình thủy lợi.

Tuy nhiên hiện nay vẫn còn khoảng 40% diện tích đất nông nghiệp tại Bắc Kạn ở trong tình trạng thiếu nước sản xuất do chưa được đầu tư công trình thủy lợi. Trong khi Bắc Kạn là một tỉnh nghèo, ngân sách rất hạn hẹp cho việc đầu tư, rất cần sự hỗ trợ từ các nguồn lực của Trung ương.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm