Những năm trước, gia đình chị Mã Thị Đới ở xã Yến Dương (huyện Ba Bể) thường trồng khoảng 5.000m2 cây bí xanh thơm. Nếu như được mùa, được giá, mỗi vụ bí xanh gia đình có thể thu về khoảng 140 triệu đồng. Nhưng vụ sản xuất năm ngoái, cây bí xanh đang bắt đầu có quả thì bị chết hàng loạt khiến cho thu nhập giảm xuống chỉ còn 80 triệu đồng.
Vụ sản xuất năm nay, gia đình chị Đới chỉ trồng 4.000m2, nhưng cây đang phát triển thì bị thối thân, héo và chết. Chị Đới cho biết, cây đang trong giai đoạn phát triển, cao khoảng 1m, bắt đầu leo giàn thì tự nhiên thân cây bị đen rồi héo, chết, lúc đầu chết ít, sau lan dần ra khắp vườn. Gia đình chị cũng đã phun nhiều loại thuốc nhưng chưa có hiệu quả.
Cách không xa vườn bí của chị Đới, những ngày này, bà Vi Thị Tanh cũng rất lo lắng khi vườn bí chết dần, chết mòn.
“Chiều hôm trước cây vẫn còn xanh bình thường, nhưng sáng hôm sau ra xem thì cây đã bị héo, lá bị xoăn lại, vài hôm sau là chết. Trước khi trồng, gia đình cũng đã được tập huấn, gia đình cũng đã phun thuốc nhưng không hiệu quả. Ở khu vực này hầu như vườn nào cũng bị”, bà Tanh lo lắng.
Bà Hoàng Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yến Dương thông tin, xã cũng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể hướng dẫn bà con phun thuốc, vệ sinh đồng ruộng, nhưng đến thời điểm hiện tại cây bí vẫn bị chết, gây tâm lý lo lắng cho bà con.
Theo các hộ dân trồng bí xanh thơm ở huyện Ba Bể, bắt đầu từ vụ năm ngoái, nhiều diện tích cây bí xanh khi ra quả thì bị thối thân, héo dây và chết, không cho thu hoạch. Năm nay, cây bị chết còn bị thêm bệnh xoăn lá, không phát triển được ngay khi mới trồng được một đến hai tuần. Thực trạng này đang khiến các hộ trồng bí rất lo lắng, nhất là khi diện tích bị nhiễm bệnh ngày càng tăng.
Bà Mã Thị Thương Oanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ba Bể cho biết, vụ sản xuất năm 2022, toàn huyện đã có 5ha bí xanh thơm bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, năm nay vẫn tiếp tục xảy ra. Hiện tượng cây bí xanh thơm chết rải rác ở hầu khắp các vườn của bàn con, dù có thuốc đặc trị nhưng việc xử lý triệt để rất khó khăn.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể, thời điểm này, do thời tiết nắng, mưa ẩm xen kẽ nên bệnh nấm phát triển và gây hại mạnh, đặc biệt là bệnh sương mai và bệnh héo xanh khiến cho cây bí xanh chết.
Bệnh sương mai do nấm gây ra, thường có biểu hiện ban đầu vết bệnh là những đốm hình đa giác màu hơi vàng nằm rải rác hoặc nằm dọc các gân lá, sau đó vết bệnh chuyển dần sang màu nâu nhạt. Khi bệnh nặng, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau thành từng mảng làm cho lá cây bí xanh bị vàng, khô và rụng sớm. Nếu gặp mưa hoặc trời ẩm ướt, chỗ bị bệnh bị thối nhũn. Bệnh sương mai trên cây bí xanh có thể lây lan sang cả thân và quả khiến cây bị chết.
Trong khi đó, bệnh héo xanh do vi khuẩn gây ra, có biểu hiện cây bí xanh đang sinh trưởng bình thường thì đột ngột bị héo rũ, trong khi lá vẫn còn xanh. Ban ngày khi trời nắng cây héo, ban đêm cây xanh trở lại, sau hai đến ba ngày thì cây bị chết. Cắt ngang thân cây bị bệnh, ấn mạnh vào chỗ gần mặt cắt sẽ thấy chất dịch vi khuẩn màu trắng đục chảy ra.
Ông Nông Quốc Thụy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể khuyến cáo, đối với bệnh sương mai, bà con trồng bí xanh cần ngắt bỏ, thu gom tiêu huỷ lá bị bệnh để hạn chế lây lan. Ngoài ra, bà con phun ướt đều cả hai mặt lá bằng một trong các loại thuốc đặc trị: Ridomil Gold 68WP, Dacoconil gold, Insuran 50WG, hoặc thuốc Aliette 800WG.
Đối với bệnh héo xanh, bà con cần vệ sinh đồng ruộng, cày phơi đất và xử lý đất, thu gom, tiêu huỷ các tàn dư thực vật trước khi gieo trồng, tránh bị ngập úng trong mùa mưa. Ngoài ra, người trồng bí xanh cũng cần phun phòng bệnh bằng một trong các loại thuốc Starsuper 29WP, Kasumin 2LS…
Bí xanh thơm là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao (sau khoảng 4 tháng, 1ha có thể thu nhập 250 triệu đồng), đây là cây trồng đặc sản và là sản phẩm OCOP của huyện Ba Bể. Năm 2023, người dân huyện Ba Bể trồng hơn 171ha cây bí xanh thơm.