Nhiều diện tích già cỗi, thoái hóa
Những loại cây trồng mang tính đặc trưng theo vùng trên địa bàn tỉnh như cây cam, quýt, hồng không hạt, mơ, chuối... đang được phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 6.000 ha các loại cây ăn quả này, trong đó có 4.436 ha đã cho thu hoạch.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, diện tích các loại cây ăn quả ngày càng được mở rộng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Trên thực tế, diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP) và VietGAP mới chỉ có hơn 123 ha. Diện tích cây ăn quả thuộc diện già cỗi, thoái hóa cần trồng mới thay thế hoặc áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật nhằm cải tạo như biện pháp cắt tỉa, đốn phục hồi và ghép vào khoảng 656 ha.
Đến nay, một số cây ăn quả của Bắc Kạn cũng đã cơ bản phát huy được thế mạnh, khẳng định được tên tuổi trên thị trường. Có thể kể đến như quýt Bắc Kạn được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2012 và năm 2015; sản phẩm quýt Bắc Kạn đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Hồng không hạt của Bắc Kạn được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2012 và năm 2013, sản phẩm này cũng đã được vinh danh nằm trong bảng xếp hạng 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam.
Sau khi có chỉ dẫn địa lý, riêng sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn có sức tiêu thụ mạnh hơn, luôn trong tình trạng nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu. Từ đó, nhiều người dân ở huyện Ba Bể, vốn là vùng trồng chính cây hồng không hạt đã chủ động hơn trong việc tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, mở rộng diện tích, đem lại nguồn thu nhập cao.
Giống như hồng không hạt, sản phẩm quả mơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng được các đơn vị, tư thương thu mua tận vườn, nhiều hộ dân có thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt, hiện Nhà máy chế biến mơ của Công ty TNHH Việt Nam Misaki đã và đang bao tiêu, thu mua mơ cho bà con để chế biến, xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, các sản phẩm khác như quả chuối được các HTX chế biến thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP như chuối sấy dẻo, bim bim chuối, rượu chuối... được thị trường trong nước rất ưa chuộng.
Những năm gần đây, các vùng trồng cam, quýt Bắc Kạn bản địa bị thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp cũng đã được người dân địa phương chủ động thay thế bằng các loại cam, quýt, bưởi giống mới cho hiệu quả cao hơn, được người tiêu dùng chấp nhận về chất lượng.
Điểm yếu nhất đối với phát triển cây ăn quả hiện nay của Bắc Kạn, đó là một số loại cây ăn quả được thị trường ưa chuộng thì số lượng lại rất hạn chế. Có thể kể đến như: Sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn chỉ có thể buôn bán nhỏ lẻ, chứ các đơn vị kinh doanh lớn ở TP. Bắc Kạn, hoặc các hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội muốn đặt đơn hàng lên đến con số hàng tấn/lần thì không có để đáp ứng nhu cầu.
Tương tự, sản phẩm hạt dẻ Ngân Sơn có giá trung bình tới 70.000 – 80.000 đ/kg, nhưng hiện cũng chỉ đủ để mang ra ven Quốc lộ 3 bán lẻ, chứ không có hàng xuất về xuôi. Quả mơ vàng Bắc Kạn hiện cũng không đủ cung cấp cho doanh nghiệp chế biến để xuất khẩu đi Nhật, doanh nghiệp và tư thương tranh mua tận vườn của dân mà vẫn thiếu nguồn cung…
Bắc Kạn đang đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ giữa nông dân với các đơn vị chế biến, thương mại. Tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm cây ăn quả đặc sản.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn cũng xác định việc vận dụng linh hoạt các nguồn chính sách tín dụng, chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp... vì mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa nói chung, phát triển cây ăn quả đặc sản nói riêng.
Khôi phục, cải tạo, mở rộng các cây ăn quả đặc sản
Ngoài việc số lượng sản phẩm cây ăn quả Bắc Kạn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, chất lượng quả cũng chưa đồng đều, mẫu mã chưa đẹp. Điều này có nguyên nhân do diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn phân tán, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, nên khó áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng như tổ chức liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Người dân chưa chú trọng chăm sóc cây trồng đúng kỹ thuật nên nhiều diện tích cây ăn quà bị thoái hóa, kém phát triển, năng suất, chất lượng thấp, giá trị kinh tế không cao, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của các loại quả đặc sản.
Phần lớn việc sản xuất đang ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ, phân tán, là rào cản lớn nhất cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh và tiêu thụ sản phẩm. Khâu thu hoạch, chế biến chủ yếu bằng thủ công; khâu chế biến sâu để gia tăng giá trị cũng còn yếu, chủ yếu là xuất tươi phục vụ tiêu thụ trực tiếp.
Đó cũng chính là lý khiến cho còn nhiều diện tích cây ăn quả chưa đạt tiêu chuẩn chứng nhận ATTP, VietGAP. Sản phẩm chưa đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường do mẫu mã, hình thức hàng hóa chưa hấp dẫn, khả năng cạnh tranh kém. Tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn yếu, nên việc tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn…
Với quyết tâm đẩy mạnh phát triển cây ăn quả đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa, đạt hiệu quả cao, ổn định, bền vững, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Từ việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, HTX, liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa.
Tổ chức rà soát, đánh giá tiềm năng và nhu cầu của các hộ gia đình có đất đai phù hợp với phát triển cây ăn quả đặc sản, phân vùng trồng các loại cây ăn quả để có điều kiện thâm canh tăng năng suất, quy mô đủ lớn cho công tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm đáp ứng theo yêu cầu của thị trường.
Đồng thời, phân khu quy hoạch vùng trồng cây ăn quả phù hợp với thực tế. Quá trình trồng, chăm sóc phải áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như bón phân, cắt tỉa, tạo tán, đốn phục hồi... để thâm canh, tăng năng suất đối với những diện tích cây ăn quả đặc sản hiện có và những diện tích già cỗi, thoái hóa còn có khả năng khắc phục được.
Tuyển chọn cây đầu dòng, cây có đủ kiện sản xuất giống theo đúng quy định nhằm bảo tồn nguồn gen và cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất cây giống; xây dựng mô hình, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả.
Áp dụng kỹ thuật thu hoạch và chế biến cho từng loại cây ăn quả đặc sản của địa phương nhằm tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm và đạt các tiêu chuẩn về ATTP, VietGAP, sản xuất hữu cơ. Hướng dẫn, quản lý những diện tích cây ăn quả đặc sản đã được cấp mã số vùng trồng, công nhận ATTP, VietGAP, đạt tiêu chuẩn hữu cơ…
Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả đặc sản của tỉnh đạt 7.500 ha. Trong đó cây quýt là 1.900 ha, cây cam là 2.100 ha, cây hồng không hạt là 1.000 ha, cây mơ 1.000 ha và cây chuối là 1.500 ha; sản lượng quả các loại đạt 56.200 tấn.
Toàn tỉnh phấn đấu có có 5.000 ha cây ăn quả đặc sản đạt các tiêu chuẩn về ATTP. Trong đó, 3.750 hecta đạt chứng nhận ATTP, 1.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, ít nhất 250 ha được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm hữu cơ; 1.250 ha cây ăn quả có mã vùng (truy xuất được nguồn gốc)…
Giải pháp về tiêu thụ sản phẩm cũng được tỉnh Bắc Kạn lên kế hoạch chi tiết, nhấn mạnh vào việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX thu mua và chế biến sản phẩm. Thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư công nghệ và chế biến.