Ông Đặng Minh Pháp, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao lần này có 17 sản phẩm của 3 chủ thể đang sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gồm: Khô tôm đất, khô tôm thẻ, khô tôm bạc, chà bông tôm, tôm chao, tôm sấy sốt me, tôm sấy sốt trứng muối. Bánh gạo mè đen, bánh gạo chà bông sốt me, bánh gạo chà bông trứng muối, bánh phòng rau củ quả. Muối tôm của cơ sở Nông sản Việt (huyện Phước Long) và sản phẩm chả lụa, chả lụa gân, chả chiên của cơ sở Sơn Hà (TP Bạc Liêu).
Trong đó, 2 sản phẩm bánh phồng tôm của cơ sở Nông sản Việt (huyện Phước Long) và Tổ yến sơ chế của cơ sở Yến Sào Mai (TP Bạc Liêu) tham gia được công nhận lại sản phẩm OCOP 4 sao.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, cho rằng: Trong đánh giá, phân hạng, chất lượng của các sản phẩm OCOP là yếu tố hàng đầu. Do đó, các thành viên Hội đồng cần làm việc trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, phải bảo đảm “công bằng - khách quan - thực chất, chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng".
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt nâng chất lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP.
Đối với các chủ thể OCOP, cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng thiết bị, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn theo quy định và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để cung ứng sản phẩm cho phát triển dịch vụ, thương mại của tỉnh. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu lớn, các chủ thể cần phải liên kết lại nhằm đảm bảo đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Sau khi nghe đại diện tổ tư vấn hội đồng trình bày quá trình đánh giá, kiểm tra sản phẩm, các thành viên Hội đồng đã cho ý kiến và đánh giá, chấm điểm cụ thể từng tiêu chí sản phẩm. Các sản phẩm đủ số điểm theo quy định sẽ được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu xếp hạng và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Theo Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2023, đơn vị đã tổ chức, tham gia trưng bày và giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh tại 18 kỳ hội chợ triển lãm do các tỉnh, thành phố tổ chức. Qua đó, hỗ trợ trên 60 lượt cơ sở, doanh nghiệp, HTX của tỉnh tham gia các hội chợ triển lãm, thực hiện chính sách hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng, 50% chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp, HTX tham gia các kỳ hội chợ triển lãm do các tỉnh, thành phố tổ chức. Thông tin và hỗ trợ trên 50 lượt doanh nghiệp, HTX của tỉnh tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức 7 phiên chợ và 34 phiên hội chợ thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tham gia 22 hội nghị kết nối cung cầu. Hiện nay, Bạc Liêu có 130 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cho 56 chủ thể, trong đó có 33 sản phẩm đạt 4 sao và 97 sản phẩm đạt 3 sao. Hỗ trợ 10 doanh nghiệp, HTX có sản phẩm OCOP lập 10 website thương mại điện tử để xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình OCOP của tỉnh Bạc Liêu còn nhiều khó khăn, bất cập, nhiều sản phẩm OCOP chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường, trong khi nhu cầu của người dân và du khách là rất lớn. Nguyên nhân một phần là do chúng ta chưa làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài hỗ trợ của Nhà nước, chính chủ thể phải là người chủ đạo trong việc quảng bá sản phẩm của mình, đưa sản phẩm vươn xa, giúp các chủ thể phát triển và thu lợi nhuận ổn định hơn. Có như vậy, sản phẩm OCOP mới thật sự là lợi thế để phát triển sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.