| Hotline: 0983.970.780

Bạc Liêu trao 'Cần câu' cho hộ nghèo

Chủ Nhật 04/12/2016 , 07:25 (GMT+7)

Thời gian qua, công tác xóa đói giảm nghèo được tỉnh Bạc Liêu tích cực triển khai và mang lại một số kết quả thiết thực. Trong năm năm qua, Bạc Liêu có 30.740 hộ được công nhận thoát nghèo. 

Thời gian qua, công tác xóa đói giảm nghèo được tỉnh Bạc Liêu tích cực triển khai và mang lại một số kết quả thiết thực. Nhờ đồng vốn ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ gia đình ở vùng nông thôn đã chủ động mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm mới, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống.

Trong năm năm qua, Bạc Liêu có 30.740 hộ được công nhận thoát nghèo. Nếu năm 2011, toàn tỉnh có 36.054 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 18,64%), thì đến cuối năm 2015 chỉ còn 5.309 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,65%).

Qua tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo phương thức tiếp cận đa chiều, hiện Bạc Liêu còn 30.855 hộ nghèo (chiếm 15,55%), cận nghèo 13.951 hộ (chiếm 7,03%). Có được kết quả trên, Bạc Liêu đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt đẩy mạnh các chương trình tín dụng đầu tư cho hộ nghèo.

09-56-16_dscn3434
Hộ nghèo xã Long Điền (huyện Đông Hải – Bạc Liêu) đến điểm giao dịch của NHCSXH nhận và hoàn trả vốn vay
 

Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp các tổ chức Hội, đoàn thể đầu tư tín dụng ưu đãi cho hơn 95.290 hộ, tổng số tiền cho vay là 1.477 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hơn 48.680 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền trên 700 tỷ đồng; cho vay tín dụng ưu đãi đối với học sinh – sinh viên trên 150 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu lao động, xây dựng nhà ở, sản xuất, kinh doanh và nước sạch vệ sinh môi trường, dân tộc thiểu số (46.609 hộ) với tổng số tiền trên 588 tỷ đồng…

Các chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai có hiệu quả đã góp phần tích cực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Đặng Tiến Út, Giám đốc Sở Lao động thương binh & xã hội Bạc Liêu cho biết, các mô hình làm ăn có hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển của hộ nghèo được Chi nhánh NHCSXH Bạc Liêu cùng với tổ chức hội, đoàn thể nhận vốn ủy thác, các ngành có liên quan đến tập huấn, nhân rộng, từng bước giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, mà còn tích lũy nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất.

“Điển hình là mô hình buôn bán nhỏ của bà con ở phường 3, phường 7 (TP. Bạc Liêu); mô hình trồng rau sạch giúp nhân dân thoát nghèo ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), mô hình dệt chiếu tạo thêm thu nhập ở thị trấn Ngang Dừa (huyện Hồng Dân); mô hình nuôi cá kèo có hiệu quả ở xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình); mô hình nuôi cá trình, ba ba, rắn hồ ri tượng đem lại lợi nhuận cao ở Tân Phong (TX. Giá Rai), mô hình nuôi bò, dê vươn lên thoát nghèo xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải), Phong Thạnh Tây (TX Giá Rai) và An Trạch Đông (TP Bạc Liêu); mô hình nuôi nghêu, nuôi sò huyết đã giúp cho hộ nghèo có thêm thu nhập vươn lên thoát nghèo ở xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (Đông Hải)…” – ông Út nói.

Nhờ nguồn vốn ưu đãi “Bà đỡ của người nghèo – Ngân hàng Chính sách xã hội Bạc Liêu” đã tạo điều kiện hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở tỉnh Bạc Liêu đã tập trung đầu tư vào sản xuất đem lại thu nhập cao. Điển hình như gia đình Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hải xã Vĩnh Trạch Đông là hộ nghèo, ít đất sản xuất được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo từ chương trình giải quyết việc làm, anh đã đầu tư mua 4 con dê nái sinh sản. Nhờ biết học hỏi những kinh nghiệm trong chăn nuôi để áp dụng đàn dê gia đình, sau hơn một năm dê sinh sản, bán đàn dê, anh hoàn vốn ngân hàng còn lãi gần 20 triệu đồng và còn 4 con dê nái.

09-56-16_dscn3439
CCB Nguyễn Thanh Hải (xã Vĩnh Trạch Đông – TP. Bạc Liêu) chăm sóc đàn dê sau khi trả vốn vay từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm
 

Anh Hải cho biết: “Tôi thấy nghề này khá đơn giản, muốn cho dê phát triển nhanh, sức khỏe tốt, hạn chế bệnh ký sinh trùng về đường tiêu hóa nguồn thức ăn là rất quan trọng, khi cho dê ăn, nên phân cử, tránh để thức ăn dư thừa, hôi thiu, ẩm mốc và không cho ăn các loại cỏ nhiễm sâu bệnh. Dê nái đẻ hai lần trong một năm, mỗi lần có thể 2 – 3 con. Ưu điểm của dê là vốn ít, thời gian nhân giống nhanh, nó sẽ góp phần giúp chúng tôi thoát nghèo bền vững”.

Đã có không ít phụ nữ Khmer ở Bạc Liêu chịu khó tìm tòi học hỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, họ đã tìm được hướng phát triển kinh tế gia đình phù hợp, hiệu quả, có cuộc sống ổn định. Tiêu biểu trong phong trào giảm nghèo bền vững của Hội Phụ nữ xã Long Điền (huyện Đông Hải – Bạc Liêu) có gia đình chị Huỳnh Thị Quen, ở ấp Cây Gian, gia đình rất khó khăn chỉ có hơn 1 công đất rẫy, nhưng do đất bạc màu nên năng suất hoa màu luôn thấp, kinh tế gia đình bấp bênh.

Thấu hiểu được hoàn cảnh chị, năm 2013, Hội Phụ nữ xã xây dựng nhà tình thương và đứng ra tín chấp với NHCSXH, gia đình chị được vay 15 triệu đồng, chị Quen cải tạo diện tích đất trồng màu để lên luống trồng mãng cầu xiêm và đu đủ kết hợp với trồng màu. Nắm bắt cơ hội này, chị Quen đã hạ quyết tâm vượt qua đói nghèo bằng chính đôi bàn tay của mình.

09-56-16_dscn3444
Niềm vui phấn khởi chị Huỳnh Thị Quen xã Long Điền (huyện Đông Hải – Bạc Liêu) được công nhận thoát nghèo từ mô hình trồng mãng cầu xiêm và đu đủ
 

Nhờ việc chịu khó nắm bắt kỹ thuật, cần cù chăm sóc cây trồng mà chẳng mấy chốc chị đã trả được nợ vay, gia đình được công nhận thoát nghèo. Chị Quen bày tỏ: “Nhờ nguồn vốn vay phát triển kinh tế của NHCSXH và trồng cây ăn trái và các loại cây màu khác, gia đình tôi đã ổn định hơn trước có thu nhập trên 40 triệu đồng/năm, nên gia đình tôi có cuộc sống ổn định. Gia đình tôi ai cũng phấn khởi”…

Trao đổi với chúng tôi ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Bạc Liêu cho biết, để hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh dần tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, tỉnh sẽ từng bước đầu tư toàn diện từ điện, đường, trường, trạm... từ các nguồn vốn xã hội hóa và nguồn hỗ trợ từ các dự án, chương trình. Và tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nghèo vẫn là điểm mấu chốt trong công tác giảm nghèo.

“Các tổ chức đoàn thể và các địa phương cần tập trung làm tốt công tác quản lý và nâng cao hiệu quả đồng vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Do vậy, làm tốt công tác này cũng chính là thể hiện trách nhiệm đối với các hộ nghèo. Cùng với đầu tư vốn, các ngành, địa phương phải giúp các hộ nghèo tìm ra cách giảm nghèo và sử dụng đồng vốn vay sao cho hiệu quả, chứ không phải đầu tư tiền là giảm nghèo, phải giúp hộ nghèo xây dựng được những mô hình giảm nghèo bền vững” – ông Trung nói.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.