| Hotline: 0983.970.780

Bắc miền Trung lan tỏa nông thôn mới

Chủ Nhật 16/10/2022 , 14:52 (GMT+7)

Với tinh thần vượt khó, với sự chỉ đạo của thiết chế chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, chắc chắn phong trào nông thôn mới sẽ ngày càng lan rộng.

Tôi nhảy xuống xe ở ngã ba Cam Liên để về thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Vừa xốc lại chiếc ba lô thì một con xe bảy chỗ rẽ phải, rà đến sát người, cùng tiếng gọi to: Mời thầy lên đây ta về, đừng ôm ai cả hí!

Empty

Vẻ đẹp Kiến Giang (Lệ Thủy, Quảng Bình). Ảnh: TL.

Nhận ra trên xe là Chủ tịch huyện Lê Văn Bảo cùng vài anh em trong bộ phận văn phòng, tôi mừng quá, nhảy lên luôn.

- Các anh đi Đồng Hới về à? - Tôi hỏi.

- Bọn em đi Hà Tĩnh về, tham quan mấy làng đẹp lắm.

- Tôi cũng vừa nhảy từ Hà Tĩnh vô. Tôi đi Tùng Ảnh và Đông Thái ngắm làng của họ. Sao không gặp nhau nhỉ?

- Em đi mấy làng Thạch Hà rồi lên Vụ Quang.

Nếu được đi du lịch để hưởng một tình quê đậm đà, chắc chắn tôi sẽ chọn những vùng sạch đẹp, khang trang và đầy những làn điệu dân ca ngọt ngào của miền Trung thân yêu.

Đó là một ngày tháng 7/2017. Tôi nhận lời giúp huyện và Câu lạc bộ Hò khoan Lệ Thủy bảo tồn và phát triển hò khoan để tiến tới việc công nhận Di sản văn hóa phi vật thể. Tôi sống với dân là chính và có gì thì giúp họ.

Tuy nhiên, thi thoảng vào các buổi tối trò chuyện cùng anh Bảo, chị Ninh Thị Hòa (Phó Chủ tịch huyện thời đó), câu chuyện ngoảnh sang “phải giữ cho được dòng Kiến Giang thật sạch đẹp để nhân dân đến xem (đua thuyền)” như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dặn dò cuối thế kỷ trước. Trong câu chuyện, là người đa mang cái nghiệp văn hóa, khi so sánh với các dòng sông Bắc bộ “đã qua đời”, tôi kỳ vọng dòng Kiến Giang sẽ luôn trong xanh với phương châm “Làng sạch thì sông sạch”.

Tôi gợi ý chúng ta đi thăm Hà Tĩnh để học kinh nghiệm vì ngoài đó đang làm rất tốt, họ gần cạnh và điều kiện cũng như chúng ta thôi. Thế rồi hai cuộc đi của chúng tôi không hẹn mà gặp khi trở về.

Empty

Nông thôn mới Hà Tĩnh. Ảnh: TL.

Trên xe, chủ tịch huyện Lê Văn Bảo hào hứng:

- Họ làm tốt thiệt thầy ạ. Phải nhân rông ra thôi. Vấn đề đầu tiên là cán bộ. Tôi đã đi cùng họ xuống các làng. Họ nắm vững các ngõ ngách, có phân công phân nhiệm rõ ràng từ tỉnh xuống huyện, xã, gần như là chuyên trách về vấn đề nông thôn mới. Hàng tuần có giao ban công việc từng địa điểm hẳn hoi, về các tiến độ vận động nhân dân, về cách thức hoạt động của các chi bộ thôn làng, về các vướng mắc cần chung tay giải quyết, về mức độ đồng thuận tham gia của người dân. Nhưng ấn tượng nhất là khi họ xuống với dân, không có tý gì là quan cách cả, dân vui đón họ và thoải mái bàn bạc công việc cụ thể cho từng ngõ, từng nhà. Cán bộ phải thế chứ. Nghe nói họ đang bàn đưa ra tiêu chí 20 khi tinh thần chung thì chỉ có 19 tiêu chí. Tiêu chí 20 gắn với sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Tôi sẽ về họp cán bộ chủ chốt và xây dựng kế hoạch. Trước hết là tôi sẽ làm ở xã mình trước, xã Xuân Thủy. Trồng cau cũng hay thầy ạ.

- Anh mà làm tốt thì tôi sẽ viết riêng cho xã một bài “Ai về Xuân Thủy quê tôi”, tha hồ mà hát - Tôi buột miệng hứa.

Thế mà đã năm năm trôi qua. Giữa quảng thời gian đó là cứu trợ lũ lụt và đại dịch Covid-19. Hiện nay, làng Xuân Lai thuộc xã Xuân Thủy (vốn dân Xuân Lai mép sông di dân lên trước đây) đã hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận là nông thôn mới kiểu mẫu. Làng Phan Xá thuộc xã Xuân Thủy đang quyết tâm phấn đấu sẽ là làng tiếp theo. Vào thăm bạn bè ở đó, tôi chạnh lòng nghĩ đến khu phố tôi ở ngay giữa Thủ đô. Những ngõ làng sạch sẽ tinh tươm, những khu vui chơi công cộng tung tăng người già và con trẻ, những ghế đá chị em trung niên ngồi trò chuyện, những sân rộng mọi người tập dưỡng sinh và chơi bóng chuyền mềm.

Bài hò khoan tôi viết chưa xong để tặng cho Xuân Thủy nhưng nhạc sĩ Ngọc Liên đã xong ca khúc mới “Xuân Lai ơi!” vang vọng trên loa phóng thanh.

Tôi ba lô trở về với “Hà Tĩnh mình ơi” sau dịp Lễ Quốc khánh năm nay. Nhà báo Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch Hội nhà báo Hà Tĩnh - lại xe đưa tôi về qua các làng quen thuộc và thẳng lên Hương Khê. Ông nói:

- Tiêu chí thứ 20 à, đó là việc xây dựng cái gọi là “khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu”. Cái vườn nó quan trọng lắm. Nó là nền tảng của kinh tế gia đình nông thôn, trước hết là đủ rau dưa trứng cá cho bữa ăn gia đình, tiến lên, có điều kiện để tăng thu nhập. Thành phố giãn cách Covid, không đi chợ được là sinh chuyện, còn ở quê thì yên tâm, chỉ còn lo mắm muối thôi. Cái nền vững thì người ta bớt lo lắng cái đã, tính sau. Sức trường tồn của dân nằm ở chỗ đó. Lương hưu thành phố 10 triệu chưa chắc sướng hơn lương hưu ở quê 4 triệu rưỡi mà có vườn rộng. Nhà này vườn đẹp, nhà khác cũng cố theo. Phong trào như nước lên giúp cuộc sống chung dần ổn định. Nó đơn giản thế thôi. Có thực mới vực được đạo. Thế mà hơn mười năm rồi đấy, không phải ngày một ngày hai. Ý trên sáng suốt, lòng dân đồng thuận thì mọi việc nó ổn dần.

Empty

Người dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TL.

Tôi nhớ ông Vương Đình Huệ, cái năm còn là Phó Thủ tướng (2018), về hội nghị ở Hà Tĩnh đã phát biểu: “Phương pháp, cách làm của Hà Tĩnh trong xây dựng nông thôn mới thực sự có những sáng tạo, hiệu quả. Các địa phương cần tham khảo, học tập để áp dụng thực tiễn địa phương mình”.

Đến nay, Hà Tĩnh đã có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; 173/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 44 xã nông thôn mới năng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2021 đạt gần 36,5 triệu đồng.

Kiểu mẫu nông thôn mới Hà Tĩnh thật đáng để cả nước tham khảo kinh nghiệm và học tập.

Bắc miền Trung là vùng nổi tiếng với gió Lào nắng lửa, sông trong đồi cằn, cát cồn biển mặn, lũ quét lụt tràn. Và cũng nổi tiếng với người dân chịu khó chịu khổ nhưng kiên cường quyết liệt và đầy sáng tạo. Sự lan tỏa phong trào nông thôn mới, dù còn nhiều khó khăn, khúc mắc nhưng với tinh thần vượt khó, với sự chỉ đạo của thiết chế chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, chắc chắn phong trào sẽ ngày càng lan rộng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.