Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh, trước diễn biến bất thường của dịch bệnh trên gia súc gia cầm năm 2020, đặc biệt là các bệnh mới nổi như Viêm da nổi cục ở trâu bò và nguy cơ xuất hiện chủng vi rút cúm lợn tại Trung Quốc, đơn vị đã chủ động tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới người chăn nuôi, người làm công tác thú y từ tỉnh đến cơ sở chủ động phòng chống, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Lịch sử bệnh cúm lợn
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), vi rút cúm lợn H1 lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1918. Vi rút cúm lợn H1 gồm 3 dòng chính: Dòng vi rút cúm lợn cổ điển (Classical swine lineage, bao gồm cả pdm2009 H1N1); Dòng vi rút H1N1 Âu-Á có nguồn gốc chim hoang dã (Eurasia avian lineage) và Dòng vi rút có nguồn gốc vi rút cúm mùa ở người (Human seasional lineage).
Vi rút cúm lợn H1 lưu hành trong quần thể lợn ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Trường hợp người nhiễm vi rút cúm lợn H1 cũng đã được báo cáo ở nhiều nơi như châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), mặc dù vi rút cúm lợn có khả năng lây lan rất nhanh trong đàn lợn (tỷ lệ nhiễm có thể lên tới 100%), nhưng có thể không gây bệnh lâm sàng hoặc chỉ gây bệnh nhẹ và lợn mắc bệnh có thể hồi phục nhanh.
Đặc điểm dịch tễLợn là loài vật chủ chính, tuy nhiên đã có một số tài liệu chứng minh vi rútcúm lợn cũng có thể trực tiếp lây sang người. Ngoài ra, các loài động vật có vú vàgia cầm cũng có thể nhiễm các chủng vi rút cúm.
Vật chủ tự nhiên của vi rút cúm típ A là người, động vật có vú và gia cầm. Vi rút có nhiều trong dịch đường hô hấp của lợn mắc bệnh, từ đây mầm bệnh có thể lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn khỏe mạnh thông qua các dịch tiết, không khí khi lợn bệnh hắt hơi, sổ mũi, ho,…
Các vật dụng và người cũng có thể mang mầm bệnh từ chuồng lợn bệnh sang chuồng lợn khỏe mạnh. Mầm bệnh có thể lưu hành trên lợn suốt cả năm nhưng thường gây dịch trong các tháng cuối mùa thu và mùa đông (tương tự như mùa dịch cúm trên người).
Sự xuất hiện và lây lan của bệnh thường liên quan đến việc vận chuyển lợn hoặc sản phẩm của lợn chưa qua xử lý thích ứng, đặc biệt là vận chuyển qua biên giới.
Bệnh cúm lợn tại Trung Quốc
Cúm lợn không phải là bệnh bắt buộc phải báo cáo cho OIE. Vi rút cúm lợn H1N1 dòng Âu-Á được phát hiện từ năm 2001 ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sau năm 2009, vi rút cúm đại dịch H1N1 đã lây sang lợn ở nhiều nơi trên thế giới.
Đồng thời, theo các kết quả công bố từ các nhà khoa học Trung Quốc tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm về dịch tễ và bệnh truyền lây giữa động vật và người, Đại học Nông nghiệp Trung Quốc phối hợp với các nhà khoa học khác đã tiến hành lấy mẫu giám sát Cúm lợn từ tháng 1/2011 đến tháng 4/2018 tại 10 tỉnh có mật độ cao về chăn nuôi lợn.
Tổng cộng đã có 29.918 mẫu dịch ngoáy mũi của lợn được lấy từ các lò mổ và 1.016 mẫu bệnh phẩm phổi lợn được lấy từ bệnh viện thú y. Từ năm 2016 - 2018 cũng lấy mẫu huyết thanh của 338 người chăn nuôi lợn tại 15 trang trại.
Kết quả đối với mẫu từ lợn, phát hiện được 179 mẫu vi rút Cúm lợn (bao gồm: 136 mẫu trong tổng số 29.918 mẫu dịch ngoáy mũi, chiếm 0,45%; 43 mẫu trong tổng số 1.016 mẫu bệnh phẩm lợn, chiếm 4,23%).
Có 165 mẫu là chủng vi rút Cúm H1N1 thuộc dòng Âu - Á (ký hiện EA H1N1). 7 mẫu là chủng vi rút Cúm đại dịch năm 2009 (ký hiệu là pdm/09 H1N1) 1 mẫu là chủng vi rút thuộc dòng lợn cổ điển SC H1N1. 4 mẫu là vi rút H3N2. 2 mẫu là vi rút H9N2. Điều này cho thấy dòng vi rút Cúm EA H1N1 lưu hành phổ biến nhất trên lợn tại Trung Quốc.
Tất cả các vi rút cúm H1N1 dòng EA trong nghiên cứu này đều thuộc clade 1C.2.3 và có 6 genotype khác nhau G1-G6. Trong khi tất cả các genotype đều dần mất đi, genotype 4 (G4) đã trở nên chiếm ưu thế mạnh mẽ từ năm 2016 cho đến nay. Chủng vi rút cúm H1N1 G4 là chủng vi rút cúm tái tổ hợp kép 3 của các vi rút dòng EA H1N1, CS H1N1 pdm09 và TR.
Kết quả giám sát huyết thanh học từ công nhân, người chăn nuôi lợn, tổng cộng phát hiện được 35/338 (10,4%) người chăn nuôi lợn có kháng thể kháng vi rút Cúm EA H1N1/G4. Đặc biệt là những người có độ tuổi từ 18 - 35 tuổi có kết quả huyết thanh dương tính là 20,5% (9/44), cho thấy vi rút H1N1 G4 đã tăng sự thích nghi trên người, làm tăng mối lo ngại về khả năng tạo ra chủng vi rút mới có thể gây đại dịch.
Triệu chứng và biện pháp phòng chống bệnh cúm lợn
Thời gian nung bệnh thường từ 1-3 ngày. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, làm hầu hết lợn trong đàn bị bệnh trong cùng thời điểm. Lợn mẫn cảm có thể đột ngột phát bệnh với các triệu chứng như: ho, sổ mũi, chảy nhiều nước mũi, khó thở, sốt (40,50C - 41,70C), mệt mỏi, bỏ ăn, lợn con nằm co cụm lại một chỗ, da mẩn đỏ.
Nếu lợn bệnh không bị các loại mầm bệnh kế phát khác tấn công và được chăm sóc tốt thì có thể bình phục sau 5-7 ngày. Nếu có mầm bệnh khác kế phát thì làm lợn bị bệnh cúm thường trầm trọng hơn, tỷ lệ chết tăng lên.
Để phòng chống dịch bệnh nói chung, bao gồm cả bệnh Cúm ở động vật hay bệnh cúm lợn cần được thực hiện theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y. Trong đó, kiểm soát nghiêm ngặt động vật và sản phẩm động vật nhập khẩu, đặc biệt là vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn chưa qua chế biến.
Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, khi phát hiện có lợn mắc bệnh khác thường có triệu chứng của bệnh như đã nêu ở trên thì báo ngay cho chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện để xác minh dịch và lấy mẫu xét nghiệm.
Lợn mua về nuôi phải rõ nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định. Tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động trên đàn lợn nhằm kiểm tra, phát hiện sự lưu hành của vi rút cúm.
Do vi rút cúm lợn có đặc điểm phát tán, lây lan chủ yếu qua đường tiếp xúc trực tiếp, do đó khi nghi ngờ lợn mắc bệnh với những triệu chứng, bệnh tích nêutrên thì cần phải cách ly ngay những con lợn bệnh để hạn chế lây lan. Đồng thời thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu chuồng nuôi, dụng cụ chănnuôi và các khu vực tiếp giáp xung quanh để tiêu diệt mầm bệnh bằng các loại hoáchất như đã sử dụng trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Tăng cường công tác chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý đàn và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi như: thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theohướng dẫn của cơ quan thú y.
Đặc biệt, để phòng chống bệnh cúm lợn lây sang người cần thực hiện nghiêm ngặt theo hướng dẫn của ngành y tế, người chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu huỷ lợn bệnh hoặc khi tiếp xúc với lợn cần sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động tối thiểu như khẩu trang, ủng, găng tay, kính, quần áo bảo hộ. Sau khi tiếp xúc cần vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, rửa chân, tay bằng nước xà phòng đề phòng mầm bệnh lây sang người.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y Bắc Ninh, việc đơn vị chủ động tuyên truyền sớm giúp các hộ chăn nuôi tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, khử trùng, sát trùng định kỳ nhằm ngặn chặn hạn chế tối đa sự xâm nhập của bệnh Cúm lợn H1N1 nói riêng và các loại dịch bệnh phổ biến trên gia súc gia cầm nói chung, góp phần bảo vệ thành quả của ngành chăn nuôi Bắc Ninh đạt được trong năm 2021.