Nghề nuôi cá lồng trên sông Đuống mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Nguyên nhân từ điều kiện môi trường, lưu tốc dòng chảy phù hợp phát triển nghề nuôi cá lồng.
Trong những mô hình nuôi cá lồng trên sông tại Bắc Ninh, chủ yếu là các đối tượng nuôi như cá nheo Mỹ (cá lăng đen), cá điêu hồng, cá chép, cá trắm cỏ, cá ngạnh sông… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nuôi cá lăng đen trên sông rất mau lớn do nguồn nước sạch, ổn định không bị nhiễm bẩn.
Trên địa bàn tỉnh có một số cụm lồng nuôi lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao như cụm lồng nhà anh Nguyễn Xuân Tài ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành có 85 lồng với 95% số lồng nuôi cá lăng đen.
Anh Tài chia sẻ, cá lăng đen dễ nuôi, khi còn nhỏ cá ăn cả vào ban ngày và ban đêm, khi trưởng thành chủ yếu ăn đêm. Thức ăn cho cá được quản lý chặt theo qui chuẩn VietGAP, thời gian nuôi từ lúc giống đến khi xuất bán khoảng 2,5 trở lên (khoảng 18 tháng). Với 85 lồng bè nuôi, mỗi năm anh có thể cho ra thị trường 400-600 tấn cá thịt.
Huyện Lương Tài là một trong những địa phương có nhiều hộ nuôi cá lồng, chiếm 1/3 sản lượng cá lồng toàn tỉnh với hơn 700 lồng, cho sản lượng mỗi năm đạt trên 2.000 tấn.
Gia đình ông Phạm Văn Bôn (xã Trung Kênh) là một trong những hộ nuôi cá lồng sớm. Đến nay ông Bôn có 80 lồng cá, trong đó có các loài cá có giá trị kinh tế cao như chép, rô phi, cá lăng, cá chiên với sản lượng mỗi vụ đạt 4 tấn/lồng. Sau khi trừ các chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi, nhân công, ông Bôn thu lãi cả tỷ đồng/năm.
Tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ phát triển thủy sản giá trị cao trên sông Đuống. |
Từ năm 2015-2016 UBND tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ vật tư làm lồng, do vậy nuôi cá lồng trên sông có điều kiện phát triển. Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, phòng trị bệnh thủy sản nhằm giúp người dân tập trung phát triển nuôi cá lăng đen, trắm cỏ, cá điêu hồng, ngạnh sông, trắm cỏ, chép, rô phi đơn tính và mới đây là mô hình thí điểm nuôi cá tầm trên sông Đuống.
Các mô hình nuôi cá lồng trên sông Đuống hiện cho năng suất cao hơn so với nuôi cá thâm canh trong ao đất, đạt từ 4 - 6 tấn/lồng/36m2 mặt nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trung bình từ 42-60 triệu đồng/lồng nuôi/lứa.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh cho biết, trong thời gian tới, tỉnh chủ trương phát triển, duy trì ổn định khoảng 1.500 lồng cá, tổ chức lớp tập huấn, bổ sung các kiến thức, kỹ thuật nuôi khoa học, các giống cá mới phù hợp… cho các hộ nông dân đảm bảo duy trì ổn định số lượng và chất lượng lồng. Gắn phát triển nuôi cá lồng với liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu cá lồng trên sông, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng quản lý các hoạt động như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi cá lồng, quản lý nguồn thức ăn, hóa chất và thuốc phòng trị bệnh, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tại các vùng nuôi cá lồng tập trung. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, thông tin thị trường...
Đặc biệt, tỉnh không khuyến khích phát triển cá lồng trên sông Cầu và những địa điểm chưa được cơ quan quản lý đường thủy cấp phép nuôi trồng thủy sản, khu vực có lưu tốc dòng chảy lớn và có nguy cơ xảy ra mất an toàn thông đường thủy. Đối với các hộ đang nuôi, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định để đảm bảo an toàn các lồng nuôi, xử lý nghiêm các trường họp vi phạm theo quy định.
Năm 2019 tỉnh Bắc Ninh thí điểm mô hình nuôi cá tầm trên sông Đuống. |
Theo Chi cục Thủy sản Bắc Ninh, kết quả sản xuất thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2019, số lượng lồng nuôi cá trên sông đạt 1.990 lồng, tăng 227 lồng, tương đương 12,88% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng cá lồng toàn tỉnh ước đạt 3.525 tấn. Mục tiêu năm 2019, ngành thủy sản Bắc Ninh phấn đấu diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt trên 5.000ha, tổng sản lượng thuỷ sản đạt xấp xỉ 39.000 tấn. Giá trị sản xuất thuỷ sản trên 1.000 tỷ đồng, số lượng con giống thủy sản các loại đạt 235 triệu con. |