| Hotline: 0983.970.780

Bắc thang lên trời

Thứ Ba 25/09/2012 , 10:30 (GMT+7)

Cốc Pàng là đồn biên phòng sâu xa nhất của tỉnh Cao Bằng, còn Chè Lì, Lũng Mần (Bảo Lâm) là các điểm trường khó khăn bậc nhất tính từ đồn. Đường lên đây thực sự là một cuộc đọa đày thân xác ngay cả đối với dân bản địa luôn tự hào không có đỉnh núi nào cao hơn đầu gối của người Mông.

Cốc Pàng là đồn biên phòng sâu xa nhất của tỉnh Cao Bằng, còn Chè Lì, Lũng Mần (Bảo Lâm) là các điểm trường khó khăn bậc nhất tính từ đồn. Đường lên đây thực sự là một cuộc đọa đày thân xác ngay cả đối với dân bản địa luôn tự hào không có đỉnh núi nào cao hơn đầu gối của người Mông.

>> Người thầy yếu chân trên đỉnh núi gió

1. Trời mưa, tôi vượt dốc cùng thầy Cao trong lớp bùn ngập mắt cá chân suốt quãng đường núi dài ngót 20km. Ngó lên núi lẩn mây mù. Ngoảnh xuống, vực thẳm cận kề. Dòng Nho Quế như một cái dây leo xanh mờ vắt chùng chình ở tít xa… Chập tối, Lũng Mần cũng hiện ra với mấy gian phòng nghỉ của điểm trường nền đất mấp mô, vây ván gỗ, mái thấp tè tăm tối. Tài sản lớn nhất là mấy cái thùng nhựa đựng nước đã cũ mèm. Trên tấm ván gỗ thô kệch trước bếp có ghi mấy chữ nắn nót: “Phòng ăn”, trên tấm ván trước cửa buồng ghi “Phòng nghỉ bình dân”.

Đó là chốn của ba người thầy cắm bản.

Tôi dậy sớm, hít đầy vòm ngực khí núi, vục một ca nước trong cái thùng đầy loăng quăng vã lên mặt. Nước lạnh buốt như rỉ từ băng. Trong bếp, tiếng than nổ tí tách, tàn lửa bay chập chờn. Thầy Cao vét rồn rột nồi cơm nguội, thảy muôi mỡ đánh xèo vào cái chảo gang rang cơm trên cái kiềng ba chân gãy một. Đối với thầy Cao, nấu ăn là chuyện nhỏ khi cả quãng đời sinh viên mấy năm ròng phải phụ quán phở, rửa bát ở Thủ đô để có tiền ăn học.


Thầy giáo hướng dẫn dân bản cách chăn nuôi

Mặt trời vừa lấp ló, thầy Nguyễn vác chiếc mõ tre ra khua lốc cốc. Tiếng kêu chạy tít lên đỉnh núi. Tiếng kêu lăn tròn xuống dốc, mất hút sau những đám mây xốp như váng sữa. Năm 1997, thầy Mông Văn Nguyễn dạy học ở điểm trường Chè Lì - một bản Mông lưng chừng núi. Hồi đó, Lũng Mần là một thế giới khép kín mà muốn đến không còn con đường nào khác phải bắc thang lên trời theo đúng nghĩa đen.

Dốc cao, vực thẳm chia cắt, người ta phải bắc 4 cái thang gỗ để nối vào con đường mòn chỉ đặt vừa một bàn chân xuyên lên núi. Những cái thang gỗ buộc bằng sợi dây rừng, trời mưa trơn như đổ mỡ, sảy chân cái là lăn xuống vực thẳm lởm chởm đá tai mèo.

Ngựa không lên được Lũng Mần, chỉ có người Mông mới trèo nổi. Tiếng Kinh không bò qua nổi 4 cái thang gỗ vào đây chứ chưa nói đến con chữ. Khi ấy một giáo viên ở Chè Lì nhận quyết định lên Lũng Mần lập trường nhưng lại không biết tiếng Mông. Dân bản nghe tin liền mang gà, vác rượu xuống xin bằng được thầy Nguyễn lên núi với lời hứa rất độc đáo sẽ góp… nước nuôi thầy. Cảm tấm lòng chân thành của bà con, thầy bắt đầu hành trình leo thang gỗ.

Khi ấy 74 hộ dân trên núi nhà còn lợp tranh, chiếu giường không có phải nằm trên lớp ổ bằng lá ngô, nhà quây bằng thân ngô khô. Một năm Lũng Mần thiếu ăn trung bình 6 tháng. Đói đến độ phải vào rừng chặt cây móc giã ra lọc lấy bột mà hấp ăn. Khát đến nỗi mỗi năm thiếu nước khoảng 4-5 tháng.

Thầy Nguyễn dạy dân đào hố nước quanh nhà, đầm thật kĩ cho những giọt nước biết ở lại. Các dịp giao ban dưới xã, thầy tranh thủ gùi quần áo xuống giặt, họp xong quần áo cũng vừa khô. Nhà nào không có lợn, thầy trích tiền lương mua nái cho nuôi. Lợn ấy khi sinh con, mỗi đàn dân trả lại cho thầy một nái để đem cho nhà khác nuôi quay vòng. Giai đoạn cao điểm, đàn lợn có đến 12 con nái. Nhà nào không có gà, thầy mua gà con tặng.

2. Lũng Mần là ngã ba, giáp Hà Giang và giáp biên Trung Quốc (TQ) nên trộm cắp nổi lên như rươi. Bò lợn trong chuồng còn bị dắt trộm, gà đang ấp cũng bị hốt cả ổ, thầy lại mua vài con chó con tặng dân nuôi canh nhà.

Thầy hướng dẫn từ cách bón phân, trồng ngô giống mới đến chuyện uống thuốc tránh thai từ ngày nào khi thấy tháng, cách dùng bao cao su ra sao chứ không để thổi bóng cho trẻ con. Mỗi lần xuống xã họp, cái cặp của thầy lại phồng những bao cao su, thuốc tránh thai của cả bản…

Vận động đi học, lắm em bảo trồng ngô không cần đến chữ. Thầy bảo học để làm cán bộ thì lại hỏi đi học sau này có làm được trưởng xóm, công an xóm không? Thầy gật đầu, chúng liền reo: “Thế thì mình phải đi học”. Năm đầu tiên nhiều em 12, 13 tuổi mới lớp 1, học đến lớp 2, lớp 3 là đã… đủ tuổi lấy vợ của người Mông. Người Mông làm gì cũng cả nể, sợ bị trả thù nên tiếng là có công an xóm, có trưởng xóm đấy mà việc gì cũng đến tay thầy giáo.


Các thầy dạy dân làm bể trữ nước

Vừ Mí Dể thua bạc, thầy Nguyễn đang dạy học bỗng vợ Dể hớt hải đến báo: “Có 4 thằng đang tháo xà, tháo cột nhà tao trừ nợ”. Chạy đến nơi đã thấy chúng tay búa, tay kìm vắt vẻo trên mái,  thầy hỏi: “Mấy anh đến giúp Dể chuyển nhà à?”. Chúng bảo: “Thằng Dể nợ tiền nên tao lấy gỗ trả nợ”. Biết thóp là tiền thua bạc, thầy dồn: “Nợ tiền sao không đến Ủy ban xã mà làm thủ tục?”.

Có thầy mo ở Hà Giang sang lừa cúng bái bên Lũng Mần. Nhà có chó đẻ mo lấy cả chó mẹ lẫn chó con, nhà có gà mới nở mo bưng cả gà con lẫn gà mẹ. Thầy Nguyễn đuổi mo chạy bán sới sang TQ từ bấy không thấy quay lại.

Chúng đuối lý cứ thộn mặt ra, thầy bỗng giật búa mà quát: “Thầy đếm từ một đến bốn mà chưa xuống là cho một nhát vào chân”. Cả bọn lập cập xuống. Thầy lại bảo anh công an xóm: “Trong bốn thằng này, đứa nào giỏi đánh nhau nhất anh cứ ôm lấy một đứa còn ba đứa kia cứ để đấy thầy lo”. Nghe đến đây cả đám người đang hùng hổ khí thế bỗng sởn da gà, líu ríu về phòng thầy uống rượu. Cuộc rượu chưa tàn thầy đã bí mật cho giao thông chạy sang đồn biên phòng quê mấy người kia để họ vừa về tới nơi đã bị phạt vì tội đánh bạc, mất trật tự an ninh… 

Năm 2009, hai con của ông Sần Mí Nù bị cặp vợ chồng người Mông bên TQ lừa đi. Cô chị bị bán làm vợ, cô em nhỏ bị bán để rửa bát, quét nhà. Bán đến lần thứ ba thì cô em bị công an TQ phát hiện, đẩy về phía biên giới Việt Nam. Dí không biết bên nào TQ, Việt Nam cứ một mực chạy ngược trở lại khiến một phụ nữ Việt phải kéo tay dắt về đồn. Đận ấy thầy Nguyễn xuống Lạng Sơn đón Dí về trả cho bố mẹ.

Năm 2010, con ông Sần Mí Lúa sang Sơn Vĩ (Hà Giang) chơi bị Sình Mí Nủ, người TQ, lừa bán qua biên giới. Biết tin thầy cầm cả sổ hộ khẩu và ảnh sang báo cho công an TQ, bốn tháng sau thì tìm được về. Nủ lại lừa tiếp Thào Thị Già đi bán, một năm sau chị mới trốn thoát.

Một hôm được tin dân báo Nủ đang ở Mèo Vạc, thầy cho người theo dõi thì lại có tin nó đang ngủ ở nhà người quen ở xóm Dĩnh Phù. Đến Dĩnh Phù, Nủ đã đi Lũng Chu. Phục bắt bằng được, một mặt gọi điện xin ý kiến đồn biên phòng, một mặt thầy Nguyễn “điệu hổ ly sơn” mời Nủ đi uống rượu kéo dài thời gian cho đến khi chiếc còng số 8 đã bập vào tay tên tội phạm.


Các thầy giáo vận động người dân không nghe người xấu lừa gạt

Lúc dẫn về đồn, Nủ nằng nặc xin đi chung xe máy với thầy bởi… sợ bộ đội. Dốc thẳm, chỉ cần Nủ manh động là chiếc xe chở hai người ngã nhào xuống vực. Mới đây, ba phụ nữ Mông đi mua phân đạm ở TQ bị bắt cóc giờ thầy vẫn đang điều tra, tìm kiếm.

3. Thầy Nguyễn có gia đình ở Xuân Trường, tiếng là cùng huyện nhưng cách cả trăm cây số nên một tháng vợ chồng gặp nhau một lần. Thầy Cao ở dưới xã cũng cả tuần mới về thăm nhà một buổi. Gian khổ là thế nên có thầy mới đến nhìn thấy cảnh núi rừng mờ mịt bỗng bưng mặt khóc.

Dân bản quen uống nước lã, đợt dịch tiêu chảy chết 6 người. Tỉnh, huyện như phát sốt ùn ùn kéo lên nhưng đồng bào vẫn cắm lá trước cửa nhà cấm không cho vào để còn cúng bái. Phát thuốc cửa trước, họ vứt ra cửa sau. Đang kỳ nghỉ hè, lãnh đạo huyện phải mời các thầy lên vận động dân mới mở cửa, chịu uống thuốc.

Có thầy lúc đón ở dưới xã, chưa kịp hỏi tên đã hỏi trên đó có nước không, gặp câu trả lời không liền quay lưng về thẳng. Có thầy dạy một thời gian chịu khổ không thấu bỏ cả xe máy lại từ hồi tháng ba đến giờ không buồn lên lấy. Lúc tôi đến chiếc xe phủ kín bụi, gọi điện cho chủ nhân thấy bảo đang ở… bãi đào vàng.

Mấy năm trước có tin thầy Nguyễn phải chuyển đi, dân kéo đến quyết giữ bằng được. Giờ hễ vận động con ai không đi học, thầy chỉ bảo nếu không học thầy sẽ xin đi là nhà đó lại vui vẻ đồng ý ngay.

Lúc tôi về, thầy tiễn đến cuối dốc rồi bảo: “Tôi đã mua máy tính xách tay, mua đầu máy phát để cho dân góp dầu phát điện dùng chung. Lần sau anh đến sẽ là một Lũng Mần khác”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm