| Hotline: 0983.970.780

Bắc Trung bộ 'báo động đỏ' đạo ôn cổ bông

Thứ Năm 21/04/2022 , 07:05 (GMT+7)

Mặc dù diện tích lúa nhiễm bệnh đang ở mức thấp song với thời tiết bất thuận hiện nay, nguy cơ rất cao bệnh đạo ôn cổ bông bùng phát diện rộng rất cao.

"Báo động đỏ"

Hiện nay, lúa vụ xuân 2022 của các tỉnh Bắc Trung bộ hầu hết đang ở giai đoạn đứng cái - làm đòng (hơn 217.000ha); diện tích đã làm đòng - trỗ (hơn 80.000ha) và đẻ nhánh - đứng cái (gần 52.000ha).

Bệnh đạo ôn cổ bông bắt đầu phát sinh, gây hại lúa xuân vùng Bắc Trung bộ. Ảnh: Việt Khánh.

Bệnh đạo ôn cổ bông bắt đầu phát sinh, gây hại lúa xuân vùng Bắc Trung bộ. Ảnh: Việt Khánh.

Từ 18/3 đến 10/4, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh, gây hại trên khoảng hơn 7.000ha lúa của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Trong đó 491ha bị nặng, gần 18ha cháy lụi.

Nghệ An là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 4.752ha (nặng 416ha, cháy lụi 18ha); kế đó là Quảng Trị 705ha (nặng 28ha), Thừa Thiên - Huế 566ha (nặng 6ha); Quảng Bình 487ha (nặng 3ha); Hà Tĩnh 600ha (nặng 36ha), Thanh Hóa 16ha (nặng 1,2ha). So với cùng kỳ năm trước, diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá tăng hơn 3.100ha.

Tính đến ngày 18/4, bệnh đạo ôn lá có phần "hạ nhiệt" nhưng đạo ôn cổ bông bắt đầu tấn công lúa xuân với diện tích nhiễm 57ha, trong đó nặng 5ha, tập trung phần lớn ở tỉnh Quảng Trị (40ha).

Riêng tỉnh Hà Tĩnh, vốn có lịch sử mất mùa nặng vị bệnh đạo ôn cổ bông từ vụ xuân năm 2017 nên ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân đều rất cảnh giác đối với bệnh đặc biệt nguy hiểm này.

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục Trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Tĩnh cho hay, đến ngày 20/4, diện tích lúa trỗ toàn tỉnh khoảng trên 4.000ha. Hiện nay, một số diện tích trỗ trước 15/4 ở Lộc Hà, Nghi Xuân, bệnh đạo ôn cổ bông bắt đầu xuất hiện rải rác trên giống BT28, Thái Xuyên 111, tỷ lệ bệnh 1 - 3%, nơi cao 5 - 7%.

Đạo ôn cổ bông là bệnh rất nguy hiểm, có thể gây mất mùa diện rộng nếu không phòng trừ kịp thời. Ảnh: Thanh Nga.

Đạo ôn cổ bông là bệnh rất nguy hiểm, có thể gây mất mùa diện rộng nếu không phòng trừ kịp thời. Ảnh: Thanh Nga.

Theo dự báo, thời gian tới thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan, đêm và sáng se lạnh, độ ẩm không khí cao, trời âm u, nguy cơ rất cao bệnh đạo ôn cổ lá, cổ bông phát sinh, gây hại trên những ruộng đã bị nhiễm đạo ôn lá, trên các giống nhiễm như NA6, TBR225, AC5, BC15, BTE1, P6, Thiên Ưu 8, Hương Ưu 98...

Phun phòng là giải pháp tối ưu

Trong 2 ngày 19 - 20/4, sau khi kiểm tra một số diện tích lúa nhiễm đạo ôn tại Nghệ An, Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho rằng, từ nay đến 25/4 là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm của bệnh đạo ôn cổ bông, đòi hỏi các địa phương và nông dân phải bám sát ruộng đồng để chủ động ứng phó.

“Tình hình thời tiết năm nay phức tạp hơn so với các năm trước, điều này ảnh hưởng phần nào đến quá trình sinh trưởng của cây lúa. Nếu thời tiết những ngày tới không chuyển biến theo chiều hướng có lợi, khả năng cao bệnh đạo ôn sẽ lây lan nhanh.

Do đó, việc báp sát đồng ruộng, phát hiện sớm ổ đạo ôn để phun phòng kịp thời là giải pháp tối ưu nhất”, bà Hương nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (thứ 2 từ phải sang) cho rằng, giai đoạn này cực kỳ nhạy cảm của bệnh đạo ôn cổ bông, do đó việc bám sát đồng ruộng, phun phòng kịp thời là giải pháp tối ưu. Ảnh: Thanh Nga.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (thứ 2 từ phải sang) cho rằng, giai đoạn này cực kỳ nhạy cảm của bệnh đạo ôn cổ bông, do đó việc bám sát đồng ruộng, phun phòng kịp thời là giải pháp tối ưu. Ảnh: Thanh Nga.

Ngoài bệnh đạo ôn cổ bông, hiện nay lúa xuân vùng Bắc Trung bộ đang phải đối mặt với hàng loạt sâu bệnh gây hại khác, điển hình như khô vằn (10.634ha nhiễm); bạc lá, đốm sọc vi khuẩn (3.878ha); lem lép hạt (1.430ha); rầy (252ha)…

Phó Cục trưởng Cục BVTV lưu ý thêm, bà con cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “4 đúng” khi phun thuốc BVTV, tránh tình trạng để lúa cháy lụi mới đem thuốc đi phun thì sẽ không có hiệu quả.

Các địa phương cũng cần khuyến cáo bà con khu vực bãi ngang đất cát ven biển, ven sông, vùng trung du, miền núi, vùng thiếu nước, các chân ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm tiến hành phun phòng triệt để bệnh đạo ôn cổ bông. Quan điểm không phun tràn lan nhưng những vùng có nguy cơ là phải phun, thậm chí xử lý kép để đảm bảo hiệu quả.

Chiều 20/4, thời tiết ở Hà Tĩnh tạnh ráo nên một số hộ dân ở huyện Nghi Xuân tranh thủ ra đồng phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Theo ông Lê Thanh Bình, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nghi Xuân, hầu hết diện tích lúa trỗ sớm (khoảng 300/3.100ha) tại các xã bãi ngang ven biển như Đan Trường, Xuân Hội đều đã tổ chức phun phòng đạo ôn cổ bông một lần. Nếu thời tiết những ngày tới tiếp tục bất lợi, bà con sẽ tiếp tục phun thêm một lần nữa để đảm bảo an toàn.

“Với diện tích xuất hiện vết bệnh đạo ôn cổ bông ở xã Xuân Hội, chúng tôi đã khoang vùng, phun phòng bao vây. Bà con cũng chủ động hơn trong việc thăm đồng, phát hiện, thực hiện các giải pháp để tăng đề kháng cho cây lúa và phun phòng kịp thời”, ông Bình nói thêm.

Để tăng hiệu quả trong công tác phòng trừ sâu bệnh gây hại trên lúa vụ xuân 2022, thời gian qua UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành 2 công điện chỉ đạo phòng trừ bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông. Ngoài ra, Giám đốc Sở NN-PTNT cũng thành lập các tổ công tác chuyên môn xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn bà con các giải pháp phòng trừ.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Một xã vùng cao có 26 con trâu bò chết nghi do ung khí thán

NGHỆ AN Nhiều hộ dân tại bản Huồi Mũ của xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang hoang mang khi trâu, bò bỗng dưng chết hàng loạt.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.