| Hotline: 0983.970.780

Lúa xuân dự báo trỗ muộn, đề phòng bệnh đạo ôn cổ bông

Thứ Tư 06/04/2022 , 09:35 (GMT+7)

NGHỆ AN Năm nay, lúa xuân tại Nghệ An dự báo có thể trỗ muộn, vì vậy cần hết sức đề phòng nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông gây hại.

So với các vụ lúa xuân gần đây, vụ lúa xuân năm nay lúa trỗ muộn hơn 7 – 8 ngày do diễn biến thời tiết từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay liên tục xuất hiện các đợt không khí lạnh tràn về, kéo theo rét đậm, rét hại, nhiệt độ không khí xuống thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1 độ C so với cùng kỳ, kèm theo mưa nhỏ và thiếu ánh sáng.

Năm nay, dự báo lúa xuân của Nghệ An sẽ trỗ muộn, nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông vì vậy cần hết sức đề phòng. Ảnh: TL.

Năm nay, dự báo lúa xuân của Nghệ An sẽ trỗ muộn, nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông vì vậy cần hết sức đề phòng. Ảnh: TL.

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Nghệ An và qua khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, dự kiến thời gian trỗ bông của vụ lúa xuân năm 2022 tại Nghệ An diễn ra như sau:

Diện tích lúa trỗ trước 10/4 có khoảng 2.500 ha, chiếm tỉ lệ 2,73%. Số diện tích này thuộc diện sâu trũng, được bà con nông dân gieo cấy sớm để thu hoạch sớm làm vụ hè thu chạy lụt.

Diện tích lúa trỗ từ sau 10/4 đến 20/4 có khoảng 19.500 ha, chiếm tỉ lệ 21%. Số diện tích này thuộc diện đất vàn, được gieo cấy sớm để khi thu hoạch xong lúa xuân thì gieo cấy ngay lúa hè thu kịp thời vụ nhằm né nguy cơ dễ bị ngập lụt trong mùa mưa bão thịnh hành ở Nghệ An từ sau ngày 10 tháng 9 trở đi.

Diện tích lúa trỗ sau 20/4 đến 30/4 có khoảng 61.800 ha, chiếm ti lệ 67,43%. Hầu hết diện tích này thuộc loại đất vàn cao, ít bị ngập lụt khi có mưa to trong mùa mưa bão.

Trà lúa xuân trỗ muộn nhất sau ngày 30/4 đến 5/5 có khoảng 8.022 ha, chiếm tỉ lệ 8,75%. Đây là diện tích đất cao, rất ít bị ảnh hưởng trong mùa mưa bão.

Từ những nhận định và dự báo như trên, khả năng vụ lúa xuân năm nay sẽ trỗ muộn hơn so với các vụ lúa xuân 2 - 3 năm gần đây từ 7 – 8 ngày là chắc chắn. Từ đó, chúng ta biết để chủ động có kế hoạch tổ chức vụ sản xuất hè thu và vụ mùa năm 2022.

Ngoài việc cần quan tâm vụ lúa xuân năm nay trỗ muộn, vấn đề thứ hai rất đáng được quan tâm hiện nay chính là khả năng xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông trên cây lúa. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, hiện tại trên đồng ruộng toàn tỉnh đang có hơn 4.751 ha lúa xuân nhiễm bệnh đạo ôn lá chưa được phòng trừ triệt để, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Yên Thành, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn…

Đây là nền có sẵn để nấm bệnh tiếp tục tồn tại, phát triển và lây lan vào thời kỳ lúa trỗ bông để gây bệnh đạo ôn cổ bông nếu không được chủ động phòng trừ ngay từ bây giờ. 

Nông dân cần thường xuyên thăm đồng để kiểm tra, phòng trừ sớm bệnh đạo ôn cổ bông. Ảnh: TL.

Nông dân cần thường xuyên thăm đồng để kiểm tra, phòng trừ sớm bệnh đạo ôn cổ bông. Ảnh: TL.

Để chủ động ngăn ngừa bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện gây hại trên cây lúa xuân năm nay,  ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Sở đã có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

Một: Ngay từ bây giờ ra đồng quan sát, kiểm tra kỹ trên từng thửa ruộng có vết bệnh đạo ôn mới xuất hiện không. Nếu có phải tiến hành phun thuốc phòng trừ ngay trước khi lúa trỗ bông.

Hai: Những cánh đồng và những thửa ruộng vừa qua đã bị nhiễm bệnh đạo ôn trên lá và đã được phun thuốc phòng trừ, cần được tiếp tục phun lại thuốc lần thứ 2 để đảm bảo an toàn trước khi lúa trỗ.

Ba: Thuốc phun để phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông nên sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phun như: Beam 75WP, Kabim 30WP, Filia 35EC… Cách pha chế, liều lượng phun cho một sào thực hiện đúng hướng dẫn có ghi ở ngoài vỏ bao bì, nhãn mác.

Bốn: Chỉ nên phun thuốc vào những lúc trời khô ráo, không có mưa và sương mù nhiều. Tốt nhất phun vào buổi trưa hoặc buổi chiều khi trời không có mưa làm trôi mất thuốc. Khi phun thuốc lưu ý, những nơi nào vừa qua vả cả hiện nay lúa bị nhiễm bệnh nặng thì phun thuốc đậm vào từ gốc lúa đến thân, lá lúa để không bỏ sót vết bệnh lưu lại ở đó và sau đó tái phát trở lại để gây bệnh.

Năm: Đề nghị UBND các huyện, thành, thị và UBND các xã, phường, thị trấn quan tâm đặc biệt công tác phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông trước, trong và sau khi lúa xuân trổ bông để có được một vụ lúa xuân thu hoạch trọn vẹn, an toàn.

Bệnh đạo ôn cổ bông là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm, làm cho cả bông lúa lép lửng gần như 100%. Bài học nhớ mãi không bao giờ quên, đó là vụ lúa xuân năm 2017, thời kỳ lúa trỗ mưa nắng đan xen, cộng thêm vết bệnh đạo ôn lá có sẵn trên cây lúa chưa phòng trừ triệt để nên năm đó hàng ngàn ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông làm giảm năng suất nghiêm trọng. Vì vậy, không thể chủ quan bệnh đạo ôn có thể gây hại trong vụ lúa xuân năm nay.

Xem thêm
Cho chim câu ấp trứng giả, tăng thu nhập thật

HƯNG YÊN Ông Hoàng Văn Hiệp ở xã Việt Hưng (Văn Lâm, Hưng Yên) nuôi 2.500 đôi bồ câu Pháp, mỗi tháng xuất chuồng 2.400 chim thương phẩm, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng.

Hai trường hợp tử vong ở Đồng Nai liên quan tới bệnh dại

Trước tình hình dịch bệnh dại tăng cao, gây tử vong ở người, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản chỉ đạo xử lý triệt để dịch bệnh dại trên địa bàn.

Không để hết tiền là hết dự án

Nhìn từ dự án tăng cường chuỗi cây trồng an toàn phối hợp cùng JICA, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia gợi mở một số điểm khi xây dựng mô hình sắp tới.

Doanh nghiệp là hạt nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ninh Thuận Những năm qua, với nhiều chính sách ưu đãi cùng khí hậu rất thích hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.

Doanh nghiệp mong Nghị quyết 57 sớm đi vào cuộc sống

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết 57 được kỳ vọng là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu nhà nước, càng triển khai sớm càng đem lại hiệu quả cao.

Cuốn sổ nợ 'ghi' nỗi buồn người nuôi tôm hạ nguồn sông Sa Lung

Ngành chức năng khuyến cáo chưa nên thả tôm giống vào thời điểm này. Nhưng tôm giống ương dèo đã gần 1 tháng nay, người nuôi tôm Vĩnh Sơn đang rất băn khoăn.

Bàn giao hơn 15.000 cây giống phục hồi rừng

TP. HUẾ Hơn 15.000 cây giống sẽ được trồng để làm giàu rừng bản địa và rừng ngập mặn, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc vệ môi trường, bảo vệ rừng.