| Hotline: 0983.970.780

Đường vào thị trường Trung Quốc bị tắc, tôm hùm lao đao:

[Bài 1] - Nỗi ám ảnh mang tên tôm hùm

Thứ Năm 24/10/2019 , 10:34 (GMT+7)

Từ cuối năm 2018, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng nhập khẩu bằng đường tiểu ngạch, khiến tôm hùm bị tồn đọng, rớt giá thê thảm.

Sau khi Trung Quốc có nhiều thay đổi trong chính sách biên mậu đối với nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam, tôm hùm Việt nhập vào thị trường nước này chưa đáp ứng được các quy định mới, khiến đầu ra bị tắc. Do đó, cả người nuôi lẫn các doanh nghiêp (DN) chuyên xuất khẩu (XK) tôm hùm đều gặp khó. 

Càng nuôi càng lỗ

Có thể nói, chưa bao giờ người nuôi tôm hùm ở Nam Trung bộ lâm vào hoàn cảnh thê thảm đến thế này. Từ đầu năm đến nay, tôm hùm liên tục rớt giá. Có thời điểm giá tôm hùm xanh chỉ còn 500.000đ – 600.000 đồng/kg, tôm hùm bông từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/kg. Trong khi đó, vào thời điểm cuối năm 2018, tôm hùm xanh có giá từ 900.000đ đến 1,2 triệu đồng/kg, tôm hùm bông có giá từ 1,8 - 2 triệu đồng/kg.

Hiện nay, thi thoảng mới có thương lái thu mua tôm hùm, nhưng chỉ chọn mua tôm loại 1.

Giá hạ mà bán được tôm thì người nuôi cũng giảm được nửa phần lo lắng, đằng này tôm trong lồng càng ngày càng lớn mà chẳng thương lái nào ngó ngàng. Nếu chủ lồng nào may mắn có thương lái hỏi mua tôm thì cũng chỉ bán được những con tôm loại 1, số làng nhàng bị "chê ỏng chê eo".

Xã Cam Bình (TP Cam Ranh), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” tôm hùm của tỉnh Khánh Hòa, hiện rất ảm đạm. Từ tháng 2 đến nay, người nuôi tôm hùm ở đây như ngồi trên đống lửa. Bởi lẽ tôm hùm rớt giá, tiêu thụ chậm, đã khiến lượng tôm thịt trên địa bàn có thời điểm bị tồn đọng đến hàng trăm tấn.

Nhiều lồng tôm đã “quá lứa” mà đầu ra vẫn tắc, chủ nuôi đành bán đổ bán tháo, chịu thua lỗ. “Chưa khi nào người nuôi tôm hùm ở đây chịu cảnh thê thảm như thời gian qua. Ai nuôi càng nhiều thì lỗ càng nhiều. Hiện có nhiều hộ nuôi khóc lên khóc xuống vì thua lỗ đến hàng tỷ đồng”, ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình, chia sẻ.
 

Hàng loạt doanh nghiệp “thất trận”

Từ khi Trung Quốc có nhiều thay đổi trong chính sách biên mậu đối với nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam, tôm hùm đi vào thị trường nước này bằng đường tiểu ngạch không còn được “thong dong” như trước.

Nhiều chủ lồng thu hoạch cả 1.000 con tôm hùm, nhưng khi đưa vào bờ thương lái chỉ mua 300 – 400 con.

“Hiện nay, ngành chức năng phía Trung Quốc kiểm soát tôm hùm nhập khẩu qua đường tiểu ngạch rất chặt chẽ. Nếu lô hàng của mình không đáp ứng được những quy định bắt buộc thì sẽ phải nằm lại cửa khẩu, không được phép nhập vào thị trường này”, ông Nguyễn Trọng Bình, Giám đốc Cty TNHH Hải Sản Bình Thơm, 1 DN chuyên XK tôm hùm sang thị trường Trung Quốc ở phường Cam Phúc Nam, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), bộc bạch.

Do bị tắc đầu ra, tôm hùm quá lứa hiện đang ùn ứ ở nhà những hộ nuôi.

Việc thắt chặt kiểm soát hàng hóa qua đường tiểu ngạch của Trung Quốc đã khiến hầu hết các doanh nghiệp XK sang thị trường này đều giảm mạnh về doanh thu. Nhiều DN còn bị thiệt hại đáng kể. Bởi tôm hùm là mặt hàng tươi sống, nếu bị kẹt tại cửa khẩu thời gian dài tôm sẽ bị chết nhiều.

Trước đây, thời gian hàng đi qua cửa khẩu trung bình chỉ từ 1-2 tiếng, mỗi xe hàng bị thất thoát nhiều lắm cũng chỉ 5 - 7 kg; nay hàng bị “giam” thời gian dài, có xe hàng bị chết đến 50 - 70kg tôm, thậm chí có xe hàng bị chết đến 1 - 2 tạ, chủ lô hàng chới với.

“Từ cuối tháng 5/2019, phía Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chứng thư kiểm dịch, quy cách đóng gói sản phẩm và nhãn mác. Từ những quy định trên, nhiều lô hàng tôm hùm của Việt Nam đã bị trả về do không có các hồ sơ, thủ tục kể trên. Sau đó, thị trường Trung Quốc tiếp tục siết chặt thêm điều kiện truy xuất hồ sơ DN, chỉ những DN được cấp mã nhập khẩu vào Trung Quốc mới được phép xuất hàng hóa sang thị trường này.

Bấy nhiêu quy định trên đã khiến các DN chuyên XK tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch đều lúng túng”, ông Nguyễn Trọng Bình, Giám đốc Cty TNHH Hải Sản Bình Thơm, chia sẻ.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Nestlé Việt Nam: Tiên phong phát triển bền vững, đồng hành kiến tạo tương lai xanh

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đưa ra những giải pháp vừa tạo tác động tích cực môi trường, vừa thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.