| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Hòa Bình chuyển mình sang sản xuất hàng hóa, phục vụ xuất khẩu

Thứ Ba 27/12/2022 , 16:49 (GMT+7)

Nông nghiệp tỉnh Hòa Bình năm 2022 có bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, sinh thái, bền vững, gắn với vùng nguyên liệu lớn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu...

Xác định 9 nhóm sản phẩm chủ lực

Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển của ngành. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Năm 2022, tăng trưởng ngành (GRDP) nông, lâm, thủy sản đạt trên 12 nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình tham quan gian hàng sản phẩm OCOP tỉnh Hòa Bình.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình tham quan gian hàng sản phẩm OCOP tỉnh Hòa Bình.

Với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Hòa Bình đã xác định được 9 nhóm sản phẩm chủ lực gồm: Quả có múi (cam, bưởi); mía ăn tươi; lúa chất lượng cao và lúa hữu cơ; dược liệu; rau (cây lợi thế ở từng vùng); gia súc lớn (trâu, bò, lợn, dê); gia cầm (gà, vịt); cá sông Đà; rừng gỗ lớn phù hợp với điều kiện tự nhiên và các lợi thế của tỉnh.

Về phát triển cây ăn quả có múi, tỉnh Hòa Bình hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tại các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy, Kim Bôi, Yên Thủy. Hiện, tổng diện tích cây ăn quả có múi gần 10.000ha, sản lượng ước đạt 166,7 nghìn tấn.

Song song với trồng trọt, ngành chăn nuôi Hòa Bình năm 2022 tiếp tục duy trì phát triển ổn định; chất lượng, giá trị đàn vật nuôi tăng. Hiện, tổng đàn trâu của tỉnh gần 115.000 con; đàn bò trên 87.000 con; đàn gia cầm trên 9.000 con.

Với lợi thế mặt nước hồ Hòa Bình, tỉnh chú trọng phát triển nuôi cá lồng. Toàn tỉnh hiện có 2,7 nghìn ha mặt nước ao, hồ nuôi trồng thủy sản; phát triển được 4,89 nghìn lồng cá. Sản lượng thủy sản năm 2022 ước đạt 12.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác 2.000 tấn, nuôi trồng 10.000 tấn. Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cá, tôm sông Đà phát huy hiệu quả với hàng trăm hộ liên kết và hợp tác xã tham gia.

Diện tích trồng rừng tập trung của tỉnh là trên 7.000ha, trong đó có 554,8ha trồng cây lấy gỗ lớn, trồng rừng phân tán được 1.034.334 cây các loại.

Người dân huyện Tân Lạc (Hòa Bình) thu hoạch bưởi. Ảnh: Trung Quân.

Người dân huyện Tân Lạc (Hòa Bình) thu hoạch bưởi. Ảnh: Trung Quân.

 Hơn 1.000 tấn nông sản xuất khẩu

Để phục vụ nhu cầu xuất khẩu, Hòa Bình đã đẩy mạnh mở thị trường mới cho nhiều sản phẩm được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đến nay, Hoà Bình có 21 mã số vùng trồng và 9 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu được cấp. Trong năm 2022, đã có 14 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức, tăng 75% về số cơ sở so với năm 2021 (năm 2021 có 8 doanh nghiệp, hợp tác xã).

Đặc biệt, nếu năm 2021 chỉ có 1 hợp tác xã thì đến năm 2022 có đến 6 hợp tác xã, tổ hợp tác có nông sản tươi (bưởi, nhãn, mía) xuất khẩu. Đến nay, tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch trên 1.000 tấn sản phẩm nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh và thị trường EU... với các sản phẩm đa dạng như gừng, ớt, rau, củ, quả muối; chuối; chè; măng, miến, phở khô; nhãn Sơn Thủy, mía, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi diễn Yên Thủy... Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ sang thị trường nước ngoài với sản lượng 114.000m3/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh còn gặp những khó khăn như: Cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng nguyên liệu; sự liên kết giữa các tác nhân ở vùng sản xuất (hộ gia đình, tổ hợp tác và hợp tác xã) với các doanh nghiệp sơ chế, chế biến còn rời rạc, lỏng lẻo; phần lớn doanh nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh còn sử dụng nguyên liệu từ các địa phương khác hoặc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

Lô hàng 7 tấn bưởi đỏ Tân Lạc đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Anh.

Lô hàng 7 tấn bưởi đỏ Tân Lạc đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Anh.

Một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế (như bưởi, nhãn, chuối) mới tiếp cận được với thị trường nước ngoài nên sản lượng xuất khẩu chưa cao. Yêu cầu của các thị trường ngày càng khắt khe với các hàng rào kỹ thuật về quản lý an toàn thực phẩm, mã số vùng trồng, mã số cơ sở sơ chế, đóng gói đối với nông sản, chứng chỉ FSC đối với lâm sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm của các nước nhập khẩu...

Các sản phẩm nông sản tươi gặp khó khăn trong công đoạn sau thu hoạch, bảo quản; thiếu hệ thống kho lạnh và thiết bị chuyên dùng để vận chuyển; thời gian vận chuyển kéo dài, dẫn đến hao hụt sản phẩm và chất lượng không đảm bảo khi đến tay khách hàng…

Để thúc đẩy xây dựng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản chủ lực những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có việc triển khai, thực hiện tốt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” của Bộ NN-PTNT.

Hòa Bình là một trong 13 tỉnh tham gia Dự án thí điểm xây dựng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững giai đoạn 2022 - 2025. Thời gian tới, tỉnh cần thực hiện tốt Dự án thí điểm này để góp phần hình thành các chuỗi giá trị liên kết trong các vùng nguyên liệu, giải quyết việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.