| Hotline: 0983.970.780

Xem xét lại quy trình nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Lào

Thứ Bảy 06/04/2024 , 07:21 (GMT+7)

Dù có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống con giống gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lâu, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc một số khó khăn.

Tại cuộc họp giao ban Quý I/2024, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đầu năm nay, nhìn chung hoạt động chăn nuôi ổn định, về cơ bản không có biến động, tình hình dịch bệnh vật nuôi được kiểm soát. So với cùng kỳ các năm trước, ngành chăn nuôi có được kết quả ấn tượng, tăng 4,8%.

Trong những quý tiếp theo, ngành chăn nuôi trong nước muốn đạt được kết quả cao theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, các địa phương khu vực biên giới cần tăng cường công tác ngăn chặn, đấu tranh phòng chống tội phạm về nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm, đặc biệt là gà đẻ loại thải ở biên giới phía Nam.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Sơn cho biết tại hai cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình và cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tỉnh Nghệ An. Ước tính, mỗi tuần có khoảng 60.000 con gà đẻ thải loại nhập lậu từ biên giới Việt - Lào, tương đương 720 tấn/tháng, trong đó, nhiều gà có nguồn gốc Thái Lan.

Ông Sơn cũng cho biết thêm về tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng được nhập khẩu chính thức sản phẩm gia cầm do có nuôi gà ở Thái Lan đã trà trộn thêm gà đẻ thải loại để đưa vào trong nước tiêu thụ, điều này rất nhức nhối.

Gà thải loại từ nước ngoài được vận chuyển vào trong nước, gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi. Ảnh: Hùng Khang.

Gà thải loại từ nước ngoài được vận chuyển vào trong nước, gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi. Ảnh: Hùng Khang.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm đề xuất, cần kiểm soát ngăn chặn việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi cả chính ngạch và nhập lậu. Với nhập khẩu chính ngạch, hiện nay Bộ NN-PTNT đang giao Cục Thú y sửa đổi Thông tư 25/2016. Đây là cơ hội để rà soát lại và bổ sung thêm một số quy định chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng đây là những nút thắt cần tháo gỡ về cả trước mắt và lâu dài. Nếu không Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định: Chúng ta không thiếu thực phẩm, sản xuất trong nước đã đủ. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi tăng trưởng từ 3 - 5%, trong khi đó dân số không tăng thì thực phẩm không sợ thiếu.

Về công tác phòng chống buôn lậu sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y đã chỉ ra một số bất cập. Đó là hiện nay chúng ta đang có Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào, trong đó quy định vật nuôi được sản xuất bởi cư dân tại các huyện biên giới của Lào được miễn tất cả các loại giấy phép, miễn kiểm dịch khi vào Việt Nam.

Quy định này có nguy cơ tạo kẽ hở và cần được sửa đổi để bảo đảm an toàn đối với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ Lào về Việt Nam.

"Ở trong nước, giữa các tỉnh đều yêu cầu phải kiểm dịch, nhưng giữa Lào và Việt Nam lại không yêu cầu kiểm dịch, miễn hết giấy tờ. Vậy, làm sao chúng ta ngăn được? Chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo Bộ cử đầu mối làm việc với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao để khẩn trương sửa hiệp định này.

Bởi nếu không cẩn thận, các sản phẩm chăn nuôi đi lòng vòng từ các nước như Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc… tập trung về Lào rồi vào Việt Nam thì không ngăn chặn được," ông Long nói.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đạt được nhiều kết quả quan trọng trong Quý I.

Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh còn rất lớn, công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh vẫn còn hạn chế, chưa có cơ sở, vùng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.

Để làm được điều đó, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương và các doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, quy định của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của các nước nhập khẩu để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu.

Trong các quý tiếp theo của năm 2024 Việt Nam phấn đấu xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Hùng Khang.

Trong các quý tiếp theo của năm 2024 Việt Nam phấn đấu xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Hùng Khang.

Với đề xuất thiết lập hàng rào kỹ thuật, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã ký hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA). Luật Chăn nuôi cũng quy định nguyên tắc hoạt động chăn nuôi là đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nếu tự thiết lập hàng rào kỹ thuật sẽ dẫn đến phản ứng của các nước. Các nước đã phản ứng rằng tại sao Việt Nam đã tham gia WTO, ký kết 19 FTA… giờ tại sao Việt Nam lại làm khác và yêu cầu giải trình, ông Long chia sẻ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang theo cơ chế thị trường và đề nghị các nước công nhận là nền kinh tế thị trường. Vì thế, không thể đặt ra sân chơi riêng mà vi phạm hoặc xung đột với các điều ước đã ký kết.

Cục trưởng Cục Thú y cũng cho hay, thực tế thời gian qua, chúng ta đã làm chặt một số quy định liên quan đến nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Đơn cử như năm 2023 Cục đã ban hành 145 văn bản gửi 58 quốc gia liên quan đến việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam, yêu cầu rà soát một cách toàn diện tất cả những hàng nhạy cảm, phức tạp. Trong 3 tháng đầu năm tiếp tục ban hành 120 văn bản gửi 50 quốc gia.

Cục Thú y cũng trình Bộ trưởng ký các quyết định thanh tra. Dự kiến năm nay hàng chục doanh nghiệp liên quan đến nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật sẽ bị thanh tra.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Thú y cũng cho rằng cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, như Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó cho phép định kỳ, đột xuất đi thanh tra, kiểm tra dịch bệnh, bổ sung chỉ tiêu an toàn thực phẩm vào sản phẩm nhập khẩu.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.