Khi phóng sự “Làng dưới chân động cát” của tôi được đăng tải trên báo Nông nghiệp Việt Nam và báo điện tử nongnghiep.vn thì đám trai làng Thạch Bắc (một xóm nhỏ của thôn Bắc Ngũ) khoái lắm. Anh chàng Cu Lỳ, trước vốn là chủ quán tạp hóa nhỏ ở đầu làng nay được “nâng cấp” lên đại lý chuyên thu mua đồng nát luôn nhắc: “Ông lên uống rượu với bọn cháu. Còn nhiều chuyện hay lắm chưa được kể ra”…
Thấy tôi lên, đám thanh niên làng trãi chiếu hoa, bày mâm nhậu. Hai đứa là Tuấn Đẻ và Phạt chịu trách nhiệm làm đồ mồi. Thấy hai đứa kéo nhau đi một lúc đã thấy mang về con cá trắm cỏ to vật.
Thằng Diễn vụt chạy đi. Loáng sau ôm về một mớ lá sả, lá rau gia vị. Nó bảo: “Hấp sả ớt thôi. Nhanh mà hiệu quả lớn”.
53 tuổi mới “xứng danh”… anh
Chưa đến hai chục phút, mâm nhậu đã tinh tươm. Thằng Cu To móc quả điện thoại cục gạch ra, giọng chất lừ: “Dượng cho hai bia nha”. Mấy phút sau, Hải Gọng đã phóng xe máy ào đến. Hai tay choàng hai thùng bia đi như không. Đặt bia xuống là cũng bỏ dép ngồi luôn vào chiếu nhậu chư chẳng cần phải mời mọc gì.
Có lẽ, chưa có nơi nào qua mặt được đám trai làng Thạch bắc về khoản “tạo dựng” mồi cho cuộc nhậu. Toàn những thứ đặc sản miền quê, nhìn qua đã thấy thèm nhỏ dãi. Nếu chưa có cá thì đã có nhái, chàng hương hay lươn, chạch… Sau khi nhậu “no nước” ngôn từ mà đám trai hay nói (ý là nhậu đã sương sương) thì có nồi cháo thịt cóc dậy mùi thơm thịt ngọt lẫn cay nồng của ớt, tiêu…
Ban đầu thì mới thấy chừng dăm bảy thằng ngồi trong chiếu. Uống đâu chừng chưa hết lon bia thì đã thấy nhanh như cánh điện gió quay sau lưng làng, mâm nhậu tăng quân số lên gấp đôi. Đông người, hai thùng bia chẳng bỏ bèn gì. Cu To lại rút máy ra “đàm phán” với ai đó. “Các anh mày đang nhậu và tiếp khách. Các chú có trách nhiệm hỗ trợ bia bọt tý cho nồng nàn tình quê nhá”.
Lạ thật, tưởng đùa, chút nghe “tin, tin”, thằng Cu To vang giọng: “Thôi rồi, tiền về. Các em ngon thiệt”. Nói rồi nó quay sang tôi: “Báo cáo ông cháu gọi cho mấy đứa em trong làng đang làm việc ở trong thành phố. Mỗi đứa ủng hộ thùng bia là uống ngợp luôn”.
“Không hiểu vì sao độ này đám trai làng chẳng chịu khó kiếm vợ hay cưa tán gái gú chi cả ông ạ. Chết thật. Không khéo ế hết cả tụi nó rồi”- sau khi đã uống biêng biêng, thằng Cu Lỳ ghé tai tôi kể ra điều… lạ.
Loáng nghe câu chuyện muộn vợ hay ế vợ gì đó, đám trai làng dừng uống. Véo tay lên mũi tranh nhau kể tên, tuổi, tình trạng sức khỏe cho tôi nghe. Thằng Cu Lỳ tỏ ra nắm “lý lịch trích ngang” của đám trai làng rành rẽ nhất. Nó bảo: “Làng chỉ có khoảng 110 nóc nhà thôi nhưng có đến 30 trai từ U30 trở lên chưa có mảnh tình lót chiếu nằm”.
Cũng theo nó, đứng đầu dánh sách là anh Kơ Su (tên như người Hàn), tính đến năm nay là có đủ 53 cái sinh nhật đi qua. Vậy nhưng vẫn trẻ trung, phong độ.
Hàng ngày, anh vẫn đánh ô tô đi chở hàng. Nhắc chuyện vợ con, khỏi bàn. Kế theo là nhóm U40 cũng có chừng dăm anh. Những anh chàng này đủ thành phần. Từ đội trưởng an ninh của một tập đoàn kinh tế lớn đến công nhân, thợ xây lành nghề…
Tất cả đều hiền lành, không cờ bạc, nghiện ngập gì cả. Chỉ tội là không ưa… lấy vợ. “Đơn giản thế thôi”- thằng Phạt chen ngang vào câu chuyện. Anh Cu Lỳ nhướng mắt bảo: “Mày cũng có tên trong danh sách đấy”. Thằng Phạt so vai giả lơ bằng cách cầm ly bia lên mời cả chiếu.
Cũng lạ, vào thời tôi, đám trai làng có tiếng đập bậy trong vùng. Cứ tối đến là phóng xe đạp dọc đường quốc lộ 1A lên, xuống các xã lân cận tìm gái đẹp cưa cẩm. Vậy mà nên vợ thành chồng tất.
Nhắc đến chuyện này, ông Quốc La bạn tôi mắng thằng Cu To: “Ở vào tuổi như mày, tao yêu mẹ mày thật đấy nhưng cũng tán xơ - cua thêm hai em ở hai xã nữa chứ không đùa đâu. Chúng mày bữa nay thì kém thật”. Điều này thì tôi cũng biết nên đứng ra cam kết là có thật nên đám trai làng mới chịu tin.
Thật khó cắt nghĩa vì sao mà đám trai làng kén… yêu đương đến vậy. Chúng cũng hiền lành, tốt tính, đi làm thì nhiệt tình và chẳng có đứa nào nghiệp ngập thói hư tật xấu gì. “Cháu tính độ tuổi từ 30 trở lên thôi ông ạ. Còn đám choai choai từ 25 đến dưới 30 là chưa tính đến đấy. Chúng nó còn xếp hàng đầy ra đấy nhưng chưa đủ tuổi ghi tên”- thằng Cu Lỳ lại đưa ra thông tin… giật gân.
Việc “hệ trọng” đã và đang xảy ra đấy. Phải tìm cho ra được nguyên nhân chứ. Rà đi, xét lại một “thòi lòi” ra cái ý: tại nhậu nhiều quá.
Rồi bắt đầu từ Thầy Duy xét, đám trai làng nhậu dữ quá. Ngày đi làm, chiều về …nhậu. Nhậu lắm vào thì còn thời gian nào để lên mạng hẹn hò, đi cà phê với bạn gái. Đám trai đàn anh đã từng “lăn lóc” làm thuê ở các tỉnh phía Nam về cùng thừa nhận trai làng nhậu có tiếng.
Đi làm cũng nhau, ăn ở cùng nhau nên cứ chiều tối là gầy… độ nhậu. Quen nhậu tới mức, các đàn anh về quê nhậu thiếu bia chỉ cần gọi cuộc điện thoài là lớp đàn em đang làm ăn ở xa bắn tiền mua bia qua tài khoản ngay tắp lự. “Thì xem như chúng nó đang mời các anh thôi mà”- thằng Thầy Duy nói như thẩm định.
Còn cu Dũng ở cạnh nhà, sau khi cưới vợ, đánh liên tù tỳ bốn đứa nhóc trai gái đủ đầy. Dũng bảo: “Con gái nghe ghép đôi với trai làng thì hay tin nhậu mỗi ngày như đi xem phim rạp vậy nên cũng ngán. Cháu bảo chúng bớt nhậu đi mà làm ăn, mà cưới vợ mà chưa đứa nào nghe cho”- cu Dũng càm ràm.
Caí tên Thầy Duy cũng là một câu chuyện dài. Lúc đôi mươi, có bận, bà Huệ (mẹ Duy) ngã nệnh, chạy chữa, thuốc thang nhiều nơi không khỏi. Thấy mẹ ngày một yếu ốm, một hôm, Duy thắp hương đứng giữa trời van vái xin cho mẹ được khỏe lại. Đổi lại, Duy nguyện sẽ ăn chay cho thanh tịnh và trả lễ khấn nguyện.
Không biết vì lòng thành của chàng trai trẻ mới lớn hay vì thuốc thang mà bà Huệ ngày càng đỡ lên và sức khỏe đi làm đồng được. Từ đó, Duy ăn chay trường và đọc kinh. Đám trai làng đặt luôn tên là Thầy Duy.
Đi làm cho một cơ quan nhà nước, biết bao cuộc ăn nhậu, Duy đều tham gia. Thay vì những món ngon, vật lạ, Duy khiêm nhường ngồi vào góc bàn xin riêng những món rau, quả luộc chấm vừng.
Nhiều người chưa biết chuyện cứ nghi hoặc về “tư cách” của Duy. Thậm chí, khi quen được cô bạn gái, sau lần về nhà chơi thì Duy bị gia đình cô bạn “cạch” ra mặt vì lý do: “Thanh niên, trai tráng mà ăn chay là con người có vấn đề rồi”.
Buồn mất mấy hôm vì chuyện đó, Duy vẫn ăn chay, vẫn tham gia nhậu với đám bạn, vẫn ngày ngày đi làm đều và sức khoẻ chẳng hề giảm tẹo nèo. Duy đã ăn chay trường ba mươi ngày trong tháng đã gần 15 năm nay. Người cứ đỏ au, cơ bắp cuộn lên. Cũng lạ.
Không chỉ là trai tráng đang ở làng muộn vợ. Cánh trai làng đi làm cán bộ ở xa tít tắp cũng…muộn không kém. Các anh như Cún Phương, Tuân… ở xa mỗi năm về quê vào dịp Tết cổ truyền.Vậy mà đã ngót nghét bốn mươi cái xuân xanh cũng có cho mình là còn trẻ nên chẳng vội vàng gì trong chuyện… lấy vợ. Một vài người muộn thì ai cũng quan tâm, cũng biết. Nhưng vì trai muộn vợ khá nhiều nên nhà nào cũng thấy bình thường chứ chả có sức ép gì.
Đám “trai già” nhấm nhắng chẳng muốn lấy vợ. Đám trai luông luống cũng to cao cứ sầm sập sát bên. Rồi kế đến, đám “con nít” sau khi đi nghĩa vụ quân sự về cũng tự thấy mình trưởng thành mà nối gót bậc đàn anh đi trước. “Vợ con gì cho lo nghĩ mệt. Khỏi nhớ. Đi làm ăn cái đã”- thằng cu Quýnh mới khoác ba lô rời quân ngũ về nói với các bậc đàn anh.