Những tháng ngày gian khó
Trong phòng thoang thoảng mùi tinh dầu khiến cho giấc ngủ của chúng tôi chẳng mấy chốc mà bồng bềnh, phiêu lãng. Sáng dậy, chúng tôi nghe tiếng cười lao xao ngoài mặt kinh, mở cửa ngó ra thấy một đoàn người chân đứng trên thuyền mà tay bám vào dây cáp để kéo, di chuyển sang Công ty. Đó là những công nhân của đơn vị, tất cả đều xuất thân từ nông dân.
“Hùng đen” 54 tuổi là một trong số đó, anh đã sống ở đây 30 năm. Anh kể: “Thời đó toàn nhà lá, nhà bàng không hà, phải lấy nước sông lóng phèn để uống. Đường không có, chỉ toàn kinh rạch, muốn lên đến chợ phải đi bằng vỏ (thuyền nhỏ). Muỗi nhiều, cứ kêu o o bên lỗ tai, ăn cơm phải giăng mùng (màn). “Ông Ba đất phèn” giúp đỡ chúng tôi bằng cách sắm cho mỗi người một chiếc xuồng, đi cắt lá về nấu tinh dầu tràm…".
Lời anh kể khiến cho chúng tôi tò mò về nhân vật “ông Ba đất phèn” và tìm hiểu về thời Xí nghiệp Dầu Tràm Mộc Hóa, tiền thân của Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), sau này do Dược sỹ Nguyễn Văn Bé làm Giám đốc. Gọi là xí nghiệp cho oai chứ thực ra chỉ vỏn vẹn 3 người.
Trong nhật ký ông viết: “Chúng tôi đến vùng đất hoang này ngày 20/01/1984. Đoàn chúng tôi đến đây gồm 3 đồng chí trong Ban Giám đốc xí nghiệp, cơ ngơi của chúng tôi là cánh đồng hoang. Tất cả những người đến sống và làm việc ở mảnh đất này đều xem lao động là quyền chính đáng. Chính vì lẽ đó chúng tôi đã chịu đựng mọi thử thách của thiên nhiên. Chúng tôi bắt vùng đất hoang này phải thức dậy để cùng chúng tôi cống hiến những sản phẩm có giá trị cho xã hội”.
Giám đốc cũng đi chân đất, lội phèn nên dân mới gọi là “ông Ba đất phèn”. Ông kêu 246 hộ, phần lớn gốc Bến Tre lên đây, cắt đất dựng nhà để bảo vệ biên giới, bảo vệ rừng tràm. Đa số dân không biết chữ, không biết đi xe đạp, xe máy, giàu thì có xuồng máy, còn trung bình hay nghèo có cái “xuồng năm quăng” tức làm bằng cây tạp nên chỉ một năm là hỏng, phải quăng đi.
Họ ở trong những nhà lá xập xệ, nước lụt có năm ngập tới mái. Đẻ thì rước bà mụ về dùng dao cắt rốn. Chết thì mùa khô chôn trong vườn, chôn trên đê, còn mùa lũ chỉ đành gác quan tài, treo lên ngọn cây tràm. Xí nghiệp là đơn vị lớn nhất vùng, có máy phát điện, có máy cày, hỗ trợ cho dân đào kinh, khai hoang… Sau này làm lúa thua lỗ triền miên nên 246 hộ bỏ về quê gần hết, chỉ còn hơn 20 hộ trụ lại.
Những năm 1989 - 1990, Liên Xô khủng hoảng, xí nghiệp mất thị trường xuất khẩu và lao đao mãi sau này mới gượng dậy nổi, chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười. Ông Nguyễn Văn Bé được phong tặng anh hùng lao động, không may năm 2016 bị đột quỵ rồi mất, trước thời điểm nhà máy Mộc Hoa Tràm đạt chuẩn GMP-WHO hoàn thành (năm 2017)…
Nhiều cách để “dụ” dân học
Ông Bùi Đắc Thắng, Giám đốc đơn vị kể, năm 1994 lúc còn là sinh viên trường Đại học Y dược được cử đến đây thực tập, những người lớn hầu hết đều không biết chữ, như anh “Hùng đen” lĩnh lương cũng phải điểm chỉ. Khi nhà máy GMP - WHO được xây lên ở vùng nghèo nhất, khó nhất của tỉnh, có nhiều chuyên gia đến, chung sống với dân, truyền ánh sáng văn minh tới.
Cỡ 70 - 80% công nhân của Công ty là hai thế hệ trong một gia đình. Lúc đầu Công ty mở trường để phổ cập tiểu học cho bố mẹ, sau đó là cho con. Hễ ai đỗ đại học, dù con công nhân trong Công ty hay con nông dân bên ngoài đều được đơn vị cho 5 triệu đồng.
Ông Thắng kể: “Hầu hết dân quanh đây cỡ tuổi tôi đều cho con nghỉ học sớm vì: “Nó học dở lắm chú ơi, cho ra ngoài kiếm nghề chút”. Tôi nói học dở cũng phải ráng, ít nhất là hết lớp 12, có gì Công ty cho tiền. Mình phải “dụ” nó từng bước. Học xong lớp 12 lại “dụ” học tiếp dược sỹ trung cấp, cao đẳng, rồi lên đại học. Như Hậu, Bằng, Hân, đó là những dược sỹ trung cấp, giờ đang học lên cao đẳng. Ngày thường họ học online, thứ bảy, chủ nhật đi gần 70km từ vùng sâu, vùng xa lên thành phố học trực tiếp.
Con em ở địa phương phần lớn chỉ học xong lớp 9, lớp 10 đã nghỉ, dù được khuyến khích, cho tiền vẫn không chịu mà đòi đi làm. Nhưng một số ít những đứa trẻ chân dính phèn, nhờ học hành mà về huyện, lên thành làm hay quay về, bám trụ lấy rừng tràm.
Xưa Công ty có 2.000ha tràm, năm 1999 trả lại cho tỉnh hơn 900ha. Dân đốn tràm để trồng lúa nhưng họ không tính công của mình bỏ ra nên mỗi vụ còn có “lời”, nếu tính kỹ thì nhiều khi còn lỗ. Và khi trồng lúa như vậy, thuốc BVTV đổ ra các kinh nhiều vô kể nên kinh của Công ty phải đắp ngăn với kinh của dân để chặn chất độc.
Những người đến sau, không có một miếng ruộng nào, chỉ biết đi làm công để sống, mà gần nhất là làm cho Công ty tôi. Chúng tôi trả công họ 250.000đ/ngày, nhưng khi ở xã bên, huyện bên trả 270 - 280.000đ/ngày là họ bỏ đi hết, tôi cũng không nỡ giận. Vợ mất, con bệnh, có người trong nhà không còn gì ngoài nền đất trơ trọi nên lại tìm đến năn nỉ “Con biết chỉ có chú mới cứu nổi con của con thôi. Nó cần 3,5 triệu đồng để mổ mà con đã bán tới con vịt cuối cùng vẫn không có đủ tiền nên giờ bồng về, chấp nhận chịu chết”. Vậy là tôi cho 5 triệu, tới nay thằng bé con anh H đã học lớp 1 rồi”.
Anh Dương Văn Lực khi vào làm công nhân được cấp 2ha đất, dưới trồng lúa, trên bờ trồng sả. Lúa trúng mùa mỗi năm anh lãi được 40 triệu đồng, còn sả trồng trên bờ ngoài có tác dụng giảm cỏ, phòng rắn, chuột, mỗi vụ cũng thu được 3 - 4 tấn, bán cho Công ty mỗi 3 - 5.000đ/kg, đút túi 20 - 30 triệu đồng mà gần như không mất chi phí gì ngoài giống, cấy một lần cứ thế lấy trồng mãi mãi.
Khác với em trai, anh Dương Văn Lợi di dân vào đợt sau, lúc đó không còn ruộng để chia nữa mà chỉ được cấp mảnh đất để dựng nhà, gạo còn có khi không có mà ăn. Đời làm mướn tùm lum, từ cắt lúa đến phụ hồ, anh chỉ chấm dứt khi được nhận vào làm công nhân Xí nghiệp Dầu tràm. Lúc con trai anh mổ khối u, nếu không có đơn vị hỗ trợ 6 - 7 triệu đồng thì chắc chết. Đến lúc nó lấy vợ, không may vợ ung thư mất sớm, con sinh non bị dính ruột, nhiễm trùng máu. “Cháu tôi nó bệnh rề rề hoài à, thời gian bệnh nhiều hơn thời gian mạnh, có Công ty trợ giúp giờ cũng đã đỡ hơn nhiều”, anh tâm sự.
Tôi vào nhà anh, nó là cái đời thứ hai, trước đó chỉ là căn tiền chế nhưng bị mục nát quá, chính quyền mới thương tình cất cho căn đại đoàn kết. Vợ anh đang nằm võng, thấy người lạ vào cứ mời chào, đon đả. Tính dân miền Tây thẳng như cây sậy và rất quý người, dễ tin người, dù chỉ lần đầu gặp gỡ. Bởi thế mà chỉ quăng một câu vu vơ “Tuyển người làm việc nhẹ, lương cao” lên zalo, facebook là không ít người đã bị dụ sang Camphuchia lậu vì từ những xã giáp biên này sang chỉ chừng 15 - 20 phút chạy xuồng. Trai thì phục vụ sòng bài, lên mạng làm “chim mồi” dụ người Việt khác sa bẫy, gái thì “làm gái”. Nhiều gia đình đã phải bán đất đi chuộc con về nhưng ở khu vực quanh Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười thì không.
Tuyệt đỉnh tinh dầu
Hiện đơn vị có 28 công nhân được ký hợp đồng, bình quân thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng, còn lại là hơn 30 nông dân theo thời vụ, lúc làm lúa, lúc làm tinh dầu, lúc đánh bắt thủy sản, lúc làm hướng dẫn viên. Nguyễn Thị Muội và mẹ cùng làm ở xưởng nấu tinh dầu của nhà máy Mộc Hoa Tràm. Tuy mới đi vào sản xuất cuối năm 2017 nhưng đến nay, đơn vị đã cho ra đời hơn 30 dòng sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên. Những cây tràm hay dược liệu khác được hái lá, chặt nhánh về để chiết xuất ra thứ tinh dầu trong suốt, thượng hạng, hoàn toàn không dùng dung môi nên thuần khiết, đắt còn hơn cả nước hoa Pháp,.
Như tinh dầu cây cỏ hôi (hoa cứt lợn) giá 60 triệu đồng/lít, tinh dầu gừng giá hơn 40 triệu đồng/lít, tinh dầu nghệ giá 35 triệu đồng/lít, tinh dầu sả, tràm trà… giá 7 - 8 triệu đồng/lít, tinh dầu tràm gió hơn 2 triệu đồng/lít. Sở dĩ giá chúng đắt như thế là bởi phải tốn 500 - 600kg nguyên liệu mới cho ra được 1 lít tinh dầu. Chúng đều là những dược liệu quý, vừa chữa trị vết thương hữu hình, vừa chữa trị vết thương vô hình là tâm hồn người thời hiện đại còn hoang mang hơn cả thủa sống trong hang.
Chúng tôi đến cánh rừng tràm trà - một loại tràm quý hiếm nhất, có lá kim, mỗi khi gió thổi qua cứ reo lên khe khẽ. Cảnh đẹp tựa chốn bồng lai khiến ai bước chân vào khu vực này cũng cảm giác như mình là tiên đồng, ngọc nữ. Có 20 loài dược liệu được Công ty trồng thường xuyên với quy mô gần 100ha theo tiêu chuẩn GAP…
Giữa rừng tràm xanh mướt mát, có một tòa tháp trắng tinh khôi, cao vượt lên khiến cho tôi tò mò dạo bước vào. Đó là đền thờ danh y Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh do chính “ông Ba đất phèn” chủ trương, xây vào năm 2003. Thế rồi khi ông đột ngột mất đi, cán bộ và người dân tiếc thương lại mang di ảnh vào thờ để hôm nay ông trở thành một anh hùng lao động bất tử ở vùng tràm.
“Dịch Covid-19 người chết rất nhiều, xông dầu tràm là một trong những cách cứu chữa hiệu quả ở thời điểm đó. Tôi đến gõ cửa các bệnh viện y học cổ truyền, tặng vài lít thì nhận nhưng bảo mua họ lại nói không có chủ trương. Dân Việt mình thường chuộng hàng giá rẻ, còn khách nước ngoài chuộng hàng chất lượng”, ông Bùi Đắc Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười kể.