| Hotline: 0983.970.780

[Bài 11]: Ăn quả cây hơn 100 tuổi và uống cà phê chồn ở Bến Tre

Thứ Hai 01/08/2022 , 08:35 (GMT+7)

BẾN TRE Hiếm khi nào tôi được dịp trải nghiệm hai thứ đặc biệt cùng một ngày là ăn quả trên cây hơn 100 tuổi và uống cà phê chồn ở cái xứ xa lắc Bến Tre...

Ăn quả trên cây hơn 100 tuổi

Đã sang đầu chiều rồi nhưng anh Nguyễn Thanh Vũ, chủ Khu Du lịch sinh thái Nguyễn Gia (xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, Bến Tre) vẫn đợi chúng tôi đúng kiểu tính cách đặc trưng của dân miệt vườn, nhiệt tình và xởi lởi. Trên mâm nhậu nào là gà hấp muối, ốc đắng, hến sông, cá tai tượng chiên xù cuốn với rau thơm và dừa nạo, khiến cho anh đồng nghiệp cứ tiếc mãi vì đã trót ăn trưa quá no.

Anh Nguyễn Thanh Vũ, chủ Khu Du lịch sinh thái Nguyễn Gia đang hái quả từ cây măng cụt hơn 100 tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Thanh Vũ, chủ Khu Du lịch sinh thái Nguyễn Gia đang hái quả từ cây măng cụt hơn 100 tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

“Để tôi kiếm ít lá cách mọc trong vườn nữa, ăn kèm sẽ ngon hết biết luôn!”, anh Vũ nói và chỉ rời bàn nhậu chừng vài bước chân, nắm lá trong tay đã lùm lùm. Trời đang mưa nên khỏi cần rửa mà anh bày luôn lên đĩa. “Toàn bộ đồ đều cây nhà lá vườn, đầu bếp là chị dâu, phục vụ là cháu ruột. Những món này tôi phải thử trước rồi mới phục vụ du lịch, khách Sài Gòn về thích ăn lắm”, anh nói.

Ăn chán, chúng tôi lại cùng rảo bước trong khu vườn um tùm cây trái. Anh Vũ giơ cây sào lên những cành thật cao của một cây măng cụt thật lớn, hái xuống vài quả. Tôi bóc vỏ, bỏ vào miệng, nhẩn nha nhai. Nó ngòn ngọt, chua chua, vị đậm đà và đê mê hiếm có. Thấy vậy, anh cười lớn rồi thủng thẳng kể: "Nghe ba tôi nói hồi ông cố, đất nhiều lắm. Ông mướn người coi trâu, sơ ý để trâu quật nát cả vườn măng cụt, chỉ còn sót lại 6 gốc, giờ đều đã trên 100 năm. Cứ sau mỗi đời đất lại chia bớt cho con, đến đời của ba tôi còn cỡ 50 công đất (5 mẫu).

Khu vườn xanh mát của Nguyễn Gia. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu vườn xanh mát của Nguyễn Gia. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Có bao nhiêu “quỹ đen” giấu vợ, cứ mỗi năm tôi lại làm một chút. Lúc đầu cũng không định làm du lịch đâu mà làm vườn cho đẹp để chơi thôi. Đầu tiên tôi chỉ mời bạn bè, người thân đến chơi cuối tuần, qua ngày thứ đi làm. Họ thấy cảnh đẹp quá, trước có dòng sông Cổ Chiên, xung quanh có vườn cây ăn trái mới khuyến khích tôi làm du lịch. Làm được thời gian thì dịch Covid, rồi việc anh trai tôi là Nguyễn Thanh Phong, giảng viên của Khoa Việt Nam học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), người có nhiều tâm huyết trong việc ứng dụng văn hóa bản địa vào du lịch, mất đột ngột nên cơ sở đóng cửa hơn 1 năm.

Tôi cũng không tính mở lại nhưng rồi được động viên rất nhiều, lại tiếp tục làm cách đây hơn 2 tháng, đúng vào mùa măng cụt, chôm chôm. Không ngờ, khách kéo đến đông nghẹt. Bình thường 6.000m2 vườn cây ăn trái thế này chỉ thu được 20 - 30 triệu đồng/năm nhưng cũng năm được, năm thất, nhưng khi có du lịch thu tới 200 - 300 triệu đồng/tháng vào mùa trái, những tháng còn lại ước sẽ được hơn 100 triệu đồng/tháng…  

“Trong 9 anh em, tôi học thấp nhất. Lúc đó, nhà kinh tế khó khăn, đường không có, đi học toàn đi bộ nên tôi phải nghỉ sớm, cũng mặc cảm lắm nhưng giờ đã đỡ mắc cỡ rồi bởi nhiều người có học nhưng lại chẳng mấy thành công trong cuộc sống”, anh Nguyễn Thanh Vũ, chủ Khu Du lịch sinh thái Nguyễn Gia tâm sự.

Một căn phòng nhỏ xinh trong khu Nguyễn Gia. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một căn phòng nhỏ xinh trong khu Nguyễn Gia. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Khu du lịch của anh Vũ có 5 phòng, nhận tối đa 15 người lưu trú một lúc, giá phòng 2 người 500.000 đồng/đêm gồm cả ăn sáng và cà phê. Ở đây không có nhiều cảnh giả như một số nơi, khách hết hái măng cụt lại hái chôm chôm hay dừa hoặc mít tố nữ. Những múi mít tố nữ ăn mướt, ngọt, béo ngậy như sầu riêng. Ăn bao nhiêu người phục vụ cũng không tính tiền, còn mua về mới tính theo kg. Vậy mà có khách vẫn hỏi tài khoản của anh Vũ để cố gửi thêm, bởi: “Tụi em ăn nhiều lắm, muốn phụ cho anh một chút”.

Muốn ăn cá cứ việc ra ao, câu lên bờ đã có sẵn lò nướng. Muốn nghe đàn ca tài tử gọi một lát là tới liền. Ngày thường chỉ có 2 người phụ vụ, 5 - 6 giờ chiều họ đã về nên không gian yên tĩnh đến lạ lùng. Đoàn của anh Duy ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã 3 năm về đây. Năm thứ nhất nơi đây có 3 phòng, về 3 gia đình. Năm thứ hai nơi đây có 4 phòng, về 4 gia đình. Năm thứ ba nơi đây có 5 phòng, về 5 gia đình. Sắp tới biết xây thêm 2 phòng, anh đã dặn là sẽ về đủ 7 gia đình. Có những khách mà khi anh Vũ lên Sài Gòn còn nghỉ làm để đón, chở đi đó đây chơi, đưa về nhà, thân như người bạn vậy.

Những cây măng cụt lâu năm, trong đó có 6 gốc đã hơn 100 tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những cây măng cụt lâu năm, trong đó có 6 gốc đã hơn 100 tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh ấp ủ: “Tôi mới mở ra một khu vườn mới có nhãn, mít, chôm chôm, dừa… gần sông Cổ Chiên. Ý tưởng là khách nghỉ dưỡng ở đây rồi đi trải nghiệm trên sông xuống đó. Tôi muốn hợp tác với dân để đưa khách đến vườn của họ hái trái, trả tiền cao hơn so với người ta bán nhiều, như măng cụt 40.000 đồng/kg so với 25.000 đồng/kg nhưng chưa ai chịu bởi mình đưa khách đến chụp hình họ sợ… xui, năm sau cây không ra trái nữa.

May là có một quán cà phê độc đáo nhất xứ này với rất nhiều cây mai giá hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng, với đường đi lót đá hoa cương, với món cà phê chồn, muốn liên kết. Khách uống cà phê chồn ở đó muốn nghỉ thì đến đây, còn khách ở đây muốn uống cà phê chồn thì lên đó. Sắp tới họ sẽ mua 2 xe điện để chuyên chở khách nữa. Các anh muốn xem thì theo tôi, ở ngay kế bên đây thôi, cùng xã Tân Thiềng”. Vậy là chúng tôi lên đường.

Uống cà phê chồn mỗi ly gần 100.000 đồng

Tôi không phải là người mê mai nhưng đến đây cảm giác tựa như lạc vào cõi thiên thai vậy. Những cây mai khổng lồ đứng thành hàng, thành lối đều như duyệt binh. Mai cũng như đào ở phía Bắc, là cây cảnh được ưa chuộng nhất để trưng trong dịp Tết nhưng những cây mai cao lớn đến nỗi nghệ nhân phải bắc giáo để vặt lá, đứng trên cành để chỉnh tán thì tôi chưa bao giờ thấy. Rất nhiều cây trong số ấy được cất công sưu tầm từ các tỉnh thành cách xa 200 - 300km về đây.   

Một gốc mai già hiếm có của cà phê Hoàng Yến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một gốc mai già hiếm có của cà phê Hoàng Yến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Phạm Văn Phú, chủ quán cà phê Hoàng Yến kể, là người con sống xa quê ở trên thành phố, dịp Tết năm 2020 trở về xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách, Bến Tre), anh có đến vài vườn mai trong vùng để mua dăm ba cây chơi. “Tết xong, niềm đam mê mai trào lên, tôi về bàn với vợ kinh doanh thêm nghề mới là mở quán bán cà phê chồn với sân vườn toàn mai. Bắt đầu thực hiện từ tháng 4 năm 2020, sau 2 năm số lượng mai tôi đã sưu tầm về được khoảng 300 gốc, trong đó có nhiều gốc đẹp và khủng, gồm mai nguyên thủy 5 - 9 cánh và mai ghép 2 - 3 loại bông.

Giá của chúng dao động từ 30 triệu đến hơn 1 tỉ đồng, phần lớn ở tầm trung từ 100 triệu đồng trở lên. Vào dịp Tết, có hai giai đoạn cho khách đến đây trải nghiệm là 12 - 15 tháng Chạp sẽ xuống lá cây để chuẩn bị nở hoa và dịp 27 - 28 Tết hoa nở rực rỡ đến 10 sau Tết”, anh Phú cho biết.

Anh Phạm Văn Phú, chủ quán cà phê Hoàng Yến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Phạm Văn Phú, chủ quán cà phê Hoàng Yến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hiện vườn có 8 lao động, trong đó 2 người chăm sóc cây gồm 1 nghệ nhân chính, còn lại là phục vụ quán. Mức giá 1 ly cà phê thường là 20.000 đồng, còn cà phê chồn có nhiều loại 10%, 20%, 30% và đặc biệt. Với loại đặc biệt, pha bằng phương thức cách thủy, tôi bán 300.000 đồng/bình đủ cho 4 ly, 4 người cùng uống”. 

Chị Đặng Thị Thanh Hoa, nhân viên bộ phận quản lý quán của Legend revived là người chuyên đi đào tạo, thiết lập các quán ở khắp các vùng miền. Chị giới thiệu, công ty mình hiện có 2 trang trại ở tỉnh Lâm Đồng và Đăk Lăk, đều được cấp giấp phép để nuôi chồn hương theo kiểu tự nhiên và bán tự nhiên phục vụ cho việc sản xuất cà phê chồn.

Chị Đặng Thị Thanh Hoa, nhân viên bộ phận quản lý quán của Legend revived đang pha cà phê chồn cho khách. Ảnh: Minh Sáng.

Chị Đặng Thị Thanh Hoa, nhân viên bộ phận quản lý quán của Legend revived đang pha cà phê chồn cho khách. Ảnh: Minh Sáng.

Những quả cà phê chín mọng được đi qua dạ dày của chồn hương, với những men, dịch enzime đặc biệt khi đưa vào chế biến sẽ để lại hương vị rất đặc trưng. Hiện sản phẩm của đơn vị đã bán ở các siêu thị, nhà hàng, khách sạn cao cấp, tại miền Tây có quán đầu tiên ở Cần Thơ, nay thì đến Bến Tre với quán cà phê Hoàng Yến này.

Và chẳng để chúng tôi phải chờ đợi lâu, bàn tay Hoa châm lửa vào cục cồn. Ngọn lửa chờn vờn, ảo diệu như đang múa. Nước trong bình khi sôi sẽ thẩm thấu ngược lên trên giúp cho những tinh chất cà phê hòa tan ra một cách hoàn hảo. Cầm chén cà phê trên tay, tôi như ngửi thấy hương của núi rừng Tây Nguyên. Nhẩn nha đưa vào miệng khẽ nhấp, một mùi hương thơm sô-cô-la bừng lên, quyến rũ và nồng nàn, hậu vị ngọt kéo dài tận nơi cuống lưỡi.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất