| Hotline: 0983.970.780

Phần II: Bốn phương đối phó ASF

Bài 2: Bài học kinh nghiệm từ Nga

Thứ Tư 03/07/2019 , 09:36 (GMT+7)

Là nước có đàn lợn lớn bậc nhất thế giới, Nga hiểu rõ tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và phòng chống virus tả lợn châu Phi (ASF).

Tăng quy mô chăn nuôi

ASF gõ cửa biên giới Liên bang Nga vào khoảng năm 2007, sau thời điểm vụ dịch đầu tiên được phát hiện ở Gruzia. Tuy nhiên, 12 năm sau đó, sản lượng thịt lợn tại Nga tăng gấp đôi so với con số năm 2007. Đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy, ASF dù là bệnh dịch nguy hiểm, có thể giết chết lợn trong vài ngày, hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu xử lý đúng biện pháp.

Những nguy cơ có thể lây nhiễm ASF cho trang trại lợn.

“Thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Nga, khoảng một nửa sản lượng thịt lợn đến từ những trang trại quy mô hộ gia đình. Họ chưa sẵn sàng để thích ứng với một căn bệnh nguy hiểm tới vậy”, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi lợn của Nga, Yury Kovalev nhớ lại. “Những trang trại vừa và nhỏ bắt đầu chết dần chết mòn. Họ không thể kiểm soát được ASF một cách toàn diện, triệt để và khoa học được”.

Vào lúc cao điểm, ASF khiến hàng chục nghìn con lợn ở Nga phải tiêu hủy. Giữa tâm bão, Miratorg – công ty cung cấp hơn 3 triệu con lợn mỗi năm – ra lệnh cấm người lao động ngừng việc chăn nuôi cá nhân và săn bắt các cá thể lợn hoang. Song song với việc cách ly chặt chẽ và vệ sinh môi trường nuôi nhốt, Miratorg chia nhỏ việc kiểm soát đàn lợn nuôi theo từng khâu. Mỗi nhóm công nhận được giao một nhiệm vụ, và họ phải chịu trách nhiệm cho các biện pháp phòng vệ sinh học khi vào chuồng trại.

Sau khoảng vài tháng, tình hình ở Miratorg dần khả quan. Số lợn nhiễm ASF giảm theo từng tuần, trước khi toàn bộ đàn lợn của công ty được chứng nhận là khỏe mạnh. Những cá nhân nuôi lợn nhỏ lẻ buộc phải chọn hai con đường: tự tiêu hủy đàn lợn, hoặc mang tới Miratorg để áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng dịch. “Một nửa hộ gia đình nuôi lợn đã phải chuyển nghề, nhưng đổi lại, chúng ta có một khu vực cách ly an toàn”, Kovalev nhấn mạnh.

“Nguyên nhân chính khiến ASF hoành hành ở Trung Quốc và các nước châu Á là các hoạt động chăn nuôi lén lút vẫn diễn ra ở khu vực này”, Chủ tịch hiệp hội quản lý sức khỏe đàn lợn châu Âu, Rick Jannsen nhận xét đầu năm 2019, thời điểm ASF lan từ Trung Quốc sang các nước láng giềng như Mông Cổ, Việt Nam, Campuchia…

“Họ không kiểm soát được dịch bởi không thể ngăn chặn sự lây lan giữa các trang trại quy mô nhỏ với những trang trại có quy mô lớn hơn, kiểm soát số lượng lợn hoang dã cũng như các sản phẩm thịt nhiễm bệnh. Lợi nhuận trước mắt và sự hỗ trợ chưa kịp thời từ chính phủ là lý do khiến các trang trại nhỏ không thể tăng quy mô và chuyển đổi theo hướng công nghiệp hoàn toàn”.
 

Phòng tránh ngay từ đầu vào

Ngoài việc cấm săn bắt lợn hoang, công ty Miratorg còn giám sát chặt chẽ những yếu tố đầu vào có thể khiến ASF bùng phát. Đầu tiên là lợn giống, phải được chọn lựa và tiêm phòng đầy đủ, trước khi theo dõi định kỳ trong vòng vài tuần, rồi mới đem vào trang trại quy mô lớn. Thứ hai là nguồn thức ăn. Do lợn khỏe mạnh có thể nhiễm ASF nếu ăn phải thức ăn thừa mất vệ sinh, Miratorg quyết định tự cung tự cấp nguồn thức ăn cho đàn lợn.

Đàn lợn nuôi trong trang trại nhỏ ở vùng Kaliningrad.

Trong vòng 3 năm, từ 2009 đến 2012, Miratorg lần lượt mở hơn 20 cơ sở chế biến thức ăn cho đàn lợn của họ ở vùng Kursk và Belgorod. Chính những đơn vị này sẽ là nơi chế biến thịt lợn khi xuất chuồng, nhằm đảm bảo một chu trình khép kín từ lúc chăn nuôi tới khi xuất chuồng. Do virus ASF có thể tồn tại một tháng trong xúc xích, 140 ngày trong thịt ướp kiểu Iberia, và 399 ngày trong dăm bông Parma, chỉ một sai sót trong khâu kiểm định có thể khiến những trang trại nuôi gần 200.000 đầu lợn như Miratorg trả giá rất đắt.

Bên cạnh đàn lợn được nuôi tại các trang trại của mình, Miratorg còn hỗ trợ những cơ sở nhỏ hơn bằng đội ngũ y bác sĩ và chuyên gia lên tới hơn 3.000 người. Công ty thành lập những tổ phản ứng nhanh, và định kỳ diễn tập hàng năm trong tình huống giả định ASF bùng phát.

"Chúng tôi tự rút ra những bài học từ sai lầm của chính mình và không bao giờ dám lơ là công tác phòng ngừa. Chúng tôi hoạt động trên nguyên tắc: bất cứ thứ gì ngoài phạm vi chăn nuôi đều không đảm bảo sự an toàn”, phát ngôn viên của Miratorg, Dmitry Sergeev nói.

Cuối năm 2017, ASF xuất hiện ở vùng Belgorod, thuộc một cơ sở của Miratorg. Ngay lập tức, công ty này cử hơn một nửa số chuyên gia xuống khu vực có dịch, tiến hành xét nghiệm và gửi kết quả phân tích tới tiểu bang. Trong vòng 3 ngày, sau khi nhận phản hồi, Miratorg xác định xong và cho cách ly 24.000 con lợn có nguy cơ hoặc đã mắc bệnh. Đầu năm 2019, ASF xảy ra ở Kaliningrad, vùng lãnh thổ xa xôi, giáp Ba Lan, Litva, và gần như biệt lập so với phần còn lại của nước Nga. Do không chăn nuôi tập trung và giám sát chặt chẽ như Miratorg, hơn 110.000 con lợn tại đây bị tiêu hủy.

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Nga phá âm mưu của Ukraine nhằm cướp trực thăng tác chiến điện tử

Quân đội Nga đã ngăn chặn một nỗ lực của tình báo Ukraine nhằm cướp một máy bay trực thăng tác chiến điện tử, một phi công và một nguồn tin an ninh cho biết.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.