>>Bài 3: Kiên Giang - Hơn 3 vạn ngư dân khốn đốn
>>Bài 2: Giải pháp nào khi hải sản ven bờ ngày càng nghèo kiệt ?
>>Xăng dầu tăng giá, làng cá... gá tàu
Càng đi… càng lỗ!
Xã Quảng Phúc (Quảng Trạch) có đội tàu biển gần 200 chiếc, nhiều nhất, nhì và cũng chuyên nghiệp nhất, nhì tỉnh Quảng Bình. Thế nhưng hàng tháng cũng có đến vài chục tàu nằm bờ, vì đi thì sợ lỗ. Ông Hoàng Văn Mười (ở thôn Xuân Lộc), chỉ tay ra phía những đoàn tàu neo đậu đầy trên sông, cho biết: “Có tàu nằm bờ suốt tháng ni qua tháng khác. Chuyến sau không bù được cho chuyến trước nên lỗ dần lỗ dần mà sạt nghiệp”.
Ở thôn Tân Mỹ, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, trưởng thôn cũng cho hay: Hơn 40% số tàu của ngư dân trong thôn cũng nằm bờ từ 6-8 tháng trong năm do giá dầu đèn tăng cao, thu nhập của ngư dân vì thế mà giảm dần, không đủ trả tiền thuê bạn biển. Với tàu xa bờ công suất trên 80CV, mỗi chuyến đi khơi chi phí hết 20 triệu đồng, tàu nhỏ hơn cũng chi trên 10 triệu đồng, trong chi phí đó dầu đèn chiếm hết 2/3. Nếu chuyến đi đó, sản phẩm đánh bắt được bán không vượt trên 20 triệu đồng thì xem như đi tìm...ngư trường!
Theo ông Cảnh, trước đây một chuyến đi khai thác được 1 tấn cá là đã có ăn. Nay phải khai thác được 2 tấn mới khỏi “lỗ tổn” (tức là lỗ vốn theo cách nói của người dân ở đây). Ông Nguyễn Văn Phong (thôn Tân Mỹ) có tàu nằm bờ cả mấy tháng nay, không khỏi lo lắng: “Chẳng biết làm chi nữa chú ạ. Không biết rồi ngư dân làm chi để mà sinh sống đây”.
Ngồi ở nhà ông Cảnh được một lúc thì các ông chủ tàu Nguyễn Văn Nghĩa, Hoàng Văn Tài, Nguyễn Văn Hẻn...đến góp chuyện. Ông Hẻn hấp háy mắt: “Ờ thì neo tàu, vay tiền cho con đi Hàn Quốc một chuyến rồi sau hẵng tính…”.
Làng cá vắng đàn ông!
Khởi đầu trong thôn Tân Mỹ bỏ tàu đi xuất khẩu lao động là con nhà ông Nguyễn Văn Miến. Sau khi hết hợp đồng, con ông về xây nhà to nhất vùng. Kế đó là ông Nguyễn Cương Quyết có đến 4 con xuất ngoại. Hai đi Hàn Quốc và hai đi Đài Loan. Tiền các con gửi về cho gia đình cũng khá gấp trăm lần…đi biển trước đây.
Vậy là thành phong trào. Con em đang làm trên tàu cá rầm rập bỏ nghề biển làm hộ chiếu đi lao động nước ngoài. Cả thôn Tân Mỹ có 180 lao động chủ lực trên tàu nhưng đã có hơn 100 người bỏ đi lao động xứ người. Vậy là thiếu lao động. Các chủ tàu phải mướn lao động từ nơi khác đến xuống tàu thay thế.
Thậm chí có lao động là nông dân cày ruộng chính hiệu chưa hề biết biển là gì cũng phải đưa xuống tàu. Người mới, việc mới, giữa biển mà lao động cứ lóng ngóng, thậm chí say sóng đứ đừ thì ông chủ xem như lỗ nặng. Chuyến đi biển lỗ, không có tiền trả cho lao động thì lần sau không có lao động nào xuống tàu đó nữa…Vài chuyến lỗ cộng với thiếu người đi tàu, chủ tàu đành thả neo tàu xuống lòng sông…
Ngồi trong ngôi nhà rộng mới xây nhờ tiền của hai đứa con đi Đài Loan gửi về của trưởng thôn Cảnh thì nghe điện thoại réo vang. Ông Cảnh đứng dậy đi nghe điện thoại một lát rồi quay lại” “Thằng lớn nhà tôi gọi về đó. Nó nói nhớ biển, nhớ tàu lắm…”. Trầm ngâm một hồi rồi ông lại nói: “Trước khi đi lao động bên Tây, đứa mô cũng nói đi cố gắng làm có nhiều tiền để khi về sắm tàu to hơn, hiện đại hơn để đi biển chứ không bỏ nghề…”.
Sau Tết khoảng một tháng, nhiều ngư dân xã Cảnh Dương đã rao bán tàu đánh cá xa bờ để lấy tiền đi...xuất khẩu lao động. Ông Đồng Thanh Đắng, Chủ tịch Hội ngư dân xã buồn rầu: “Nay khó có được cái vui ra khơi vào lộng như trước đây. Hiện Cảnh Dương đã có trên 30 chủ tàu bỏ tàu làm hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động. 40 tàu xa bờ khác trong xã cũng thường xuyên nằm bờ...”. Theo ông Đắng, từ đầu năm đến nay, Cảnh Dương đánh bắt được 377 tấn hải sản (chủ yếu cá và mực) doanh thu đạt trên 9 tỷ đồng. Trong đó tổng chi phí và khấu hao tài sản hết 7 tỷ đồng; số còn lại chia cho lao động bình quân đạt 470.000 đồng/tháng, giảm hơn 50% thu nhập so với năm 2007.