| Hotline: 0983.970.780

Phần IV. Chăn nuôi an toàn sinh học

Bài 4: Giấc mơ đưa thịt lợn Việt Nam đi Nhật

Thứ Tư 17/07/2019 , 08:57 (GMT+7)

Đàn lợn nuôi theo kiểu Nhật Bản của ông Lưu Đình Độ ở xã Hùng An, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên vẫn sống khỏe, trong khi hầu hết chuồng nuôi khu vực lân cận đã trống trơn.

lon-huu-co-01152004477
Những con lợn hữu cơ được nuôi bằng thức ăn lên men trong trang trại của ông Độ rất khỏe mạnh. Ảnh: Minh Phúc.

Gọi là nuôi lợn kiểu Nhật, nhưng chuồng vẫn được chủ trại thiết kế theo kiểu truyền thống. Điểm khác biệt nằm ở thức ăn của đàn gia súc, được ủ bằng một loại nấm men có nguồn gốc từ xứ sở hoa anh đào.

Loại nấm men này có tên khoa học là Saccharomyces cerevisiae, thường được sử dụng để sản xuất rượu Sake – được mệnh danh là quốc tửu của Nhật Bản. Chúng được ông Nguyễn Quang Hiệu (Giám đốc Cty Cổ phần Fukoku Hà Long) mang về Việt Nam và truyền bá cho một số chủ trang trại ở đồng bằng Bắc bộ.

Để sản xuất ra cám lợn, ông Hiệu đầu tư hơn 200 triệu đồng để mua máy nghiền trộn. Nguyên liệu cho 1 tấn cám gồm: 520kg ngô, 160kg khô đậu, 40kg cám gạo, 40kg cá khô, 30kg cám mạch, 10 kg bột đá, 2kg nấm men và 200kg nước sạch. Chúng được phối trộn đều, sau đó được cho vào các thùng phi nhựa đậy nắp kín ít nhất 10 ngày là có thể đem ra sử dụng.

“Khi được ủ lên men, các vi khuẩn có hại tồn tại trong nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ bị tiêu diệt, cám lợn có mùi thơm ngọt rất đặc trưng. Nếu đựng trong thùng phi kín thì có thể bảo quản cả năm. Đây là nguồn thức ăn sạch, giúp đàn lợn khỏe mạnh và phát triển tốt, nhờ đó không cần dùng đến kháng sinh để phòng bệnh”, ông Hiệu chia sẻ.

Ngoài tạo ra thức ăn sạch cho đàn lợn, nước uống cũng được bơm lên bể lọc. Cứ mỗi mét khối nước, chủ trại bổ sung thêm  0,5kg muối để diệt khuẩn. Nước sạch dùng để vệ sinh chuồng trại, tắm và cho lợn uống.

lon-huu-co-02152005554
Thức ăn lên men được ông Hiệu ủ bằng một loại nấm đặc biệt, được mang về từ Nhật Bản. Ảnh: Minh Phúc.

Ba lô cám và thịt lợn của 3 lứa đầu tiên ông Hiệu sản xuất đều được gửi mẫu sang Nhật theo yêu cầu của đối tác để kiểm tra chất lượng. Họ đánh giá rất cao. Lãnh đạo Công ty Fukocu Nhật Bản (là doanh nghiệp có chuỗi sản phẩm thịt lợn từ trang trại đến bàn ăn của Nhật Bản) đã nhiều lần sang thăm các trại lợn của ông Hiệu và ngỏ ý muốn bao tiêu đầu ra sản phẩm tại thị trường Nhật.

Tuy nhiên, hiện tại Nhật Bản chưa cho phép nhập khẩu thịt lợn tươi sống từ Việt Nam. Do đó, ông đang tìm kiếm cơ sở chế biến thịt lợn đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Tiếc rằng ở Việt Nam chưa có đơn vị nào đáp ứng được.

Trước mắt, để giải bài toán đầu ra, Công ty Fukocu Hà Long mở một cửa hàng thịt lợn sạch tươi sống và một số sản phẩm chế biến như giò, mọc, xúc xích, ba tê tại số 145 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội). Đây là địa chỉ thực phẩm sạch quen thuộc được khá nhiều cán bộ Bộ NN-PTNT tìm đến để mua.

Ông Hiệu chia sẻ, thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi tấn công hàng loạt đàn lợn ở xã Hùng An. Thậm chí, trang trại “khủng” nuôi hàng ngàn con lợn cách trại của ông Hiệu chỉ 400m cũng nhiễm dịch tả, buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên đàn lợn của ông vẫn đứng vững.

Lý giải về điều này, ông Hiệu chia sẻ: “Nếu không kiểm soát được chất lượng nguồn nước và thức ăn, thì nguy cơ đàn lợn nhiễm dịch tả châu Phi là rất cao”.

Để khẳng định chất lượng thịt lợn được sản xuất tại trang trại, ông Hiệu mời chúng tôi ở lại dùng bữa tối. Một con lợn được mổ ra, xẻ lấy một phần nạc thăn và ba chỉ rồi thái lát. Nồi nước tinh khiết đun sôi đặt trên bếp từ giữa bàn ăn. Gia chủ bảo, phải nhúng thịt lợn tươi vào nồi nước sôi không nêm gia vị, thì mới cảm nhận hết vị đậm đà và mùi thơm của thịt. Sau khi nhúng hết đĩa thịt, nước trong nồi vẫn trong veo. Nếm thức ăn vào miệng, ai cũng gật gù tán thưởng.

lon-huu-co-03152006884
Ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (bên phải ngoài cùng) - đến tham quan xưởng chế biến thức ăn của ông Hiệu. Ảnh: Minh Phúc.

Từng sống và làm việc tại Nhật Bản suốt 20 năm, ông Hiệu kể ở đó thực phẩm rất sạch. Thậm chí gan lợn, gan gà người ta vẫn thường ăn sống. Họ không sử dụng kháng sinh mà phòng bệnh bằng vắc xin. Còn ở Việt Nam, nhiều hộ nuôi lợn hai chuồng, trồng rau hai luống, tìm được đàn lợn không chứa kháng và các độ tố không hề dễ dàng.

Mong muốn lớn nhất của ông Hiệu là được hợp tác với doanh nghiệp chế biến thịt lợn đủ năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Ông Hiệu sẽ cung cấp thịt lợn đạt chất lượng, các gia vị, hương liệu và công thức để sản xuất xúc xích phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Nhật.

“Tôi muốn Bộ NN-PTNT hãy về các trang trại nuôi lợn của chúng tôi, lấy mẫu và kiểm định chất lượng thịt lợn, thông qua đó giúp chúng tôi kết nối với các hợp tác xã chăn nuôi lợn, tổ nhóm chăn nuôi trên cả nước để nhân rộng mô hình này. Thông qua đó, vừa góp phần hạn chế dịch bệnh, vừa nâng cao chất lượng của thịt lợn Việt Nam”, Giám đốc Công ty Fukoku chia sẻ.

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.