| Hotline: 0983.970.780

Biển Quảng Ninh nổi sóng

[Bài 4] Quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường xa rời thực tế nuôi biển

Thứ Hai 24/04/2023 , 15:11 (GMT+7)

Vướng mắc về việc giao mặt nước nuôi biển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường xin sửa đổi nhưng bất thành.

Thực tiễn phải giải quyết bằng thực tiễn

Theo ông Đỗ Đình Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường không đồng ý trước kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh là chưa hợp với thực tiễn mà chỉ đứng ở góc độ lý thuyết. Thực tiễn phải giải được quyết bằng thực tiễn.

UBND cấp huyện giao khu vực biển không thu tiền sử dụng để nuôi trồng thủy sản cho người dân có hồ sơ đăng ký khi cá nhân đó phải chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hoặc thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản được UBND cấp xã nơi thường trú xác nhận.

Ông Đỗ Đình Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh chỉ trên bản đồ khu vực nuôi biển. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Đỗ Đình Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh chỉ trên bản đồ khu vực nuôi biển. Ảnh: Tiến Thành.

Phạm vi giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 3 hải lý thuộc phạm vi quản lý. Nếu không thuộc 2 đối tượng trên, các tổ chức, cá nhân muốn xin giao khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản thì phải trả tiền sử dụng trong 3 hải lý và từ 3 đến 6 hải lý và thẩm quyền giao thuộc về UBND tỉnh và từ 6 hải lý trở ra thuộc thẩm quyền giao của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ở Quảng Ninh có khó khăn trong việc xác định từ bờ đến 3 hải lý, dùng đường triều kiệt thấp nhất trong nhiều năm để xác định nhưng tỉnh lại có chương trình lấn biển. Đường triều kiệt phải ở ngoài bờ tuy nhiên theo bản đồ của Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều điểm ở bên trong. Do hiện nay, Quảng Ninh mới chỉ xác định được các đảo lớn thuộc tỉnh, riêng tại khu vực huyện Vân Đồn mới chỉ xác định được đối với khu đảo Cái Bầu, còn 5 xã đảo (Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Bản Sen) chưa xác định được đường triều kiệt và đường 3 hải lý.

Bài liên quan

Các xã đảo như Quan Lạn, Ngọc Vừng có cả ngàn người dân, có chính quyền nhưng lại nằm ngoài 6 hải lý, nếu muốn giao mặt nước cho dân lại phải thuộc thẩm quyền của bộ, dù nó nằm ngay gần bờ của đảo. Giao cho dân để phát triển kinh tế hộ mà phải lên bộ thì rất khó. Khi không giao được biển, người dân không thể đầu tư sản xuất, giống như không có sổ đỏ không thể xây nhà được, nếu cố tình làm là vi phạm.

Nếu thực hiện đúng như Luật thì hầu hết diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn phải thuộc thẩm quyền giao của tỉnh. Khu vực xa hơn như Ngọc Vừng, Quan Lạn và các khu vực biển của huyện đảo Cô Tô phải thuộc thẩm quyền giao của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Rất phức tạp và gây khó khăn. Dân muốn làm hồ sơ giao mặt nước biển đáng lẽ phải đến chính quyền địa phương gần nhất, một là được xã xác nhận, hai là đến huyện để xin được cấp phép thì nay có những điểm phải lên tới Bộ Tài nguyên và Môi trường. Huyện Vân Đồn đã kêu nhiều về vấn đề này.

Anh Nguyễn Xuân Hạnh - Trưởng thôn Nà Sắn xã Bản Sen chuyển con giống lên thuyền để thả xuống biển. Ảnh: Tiến Thành.

Anh Nguyễn Xuân Hạnh - Trưởng thôn Nà Sắn xã Bản Sen chuyển con giống lên thuyền để thả xuống biển. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Minh phân tích thêm, không có “sổ đỏ” mặt nước, cơ quan quản lý không thể cấp được giấy phép nuôi trồng, mã cơ sở nên không thể truy xuất được nguồn gốc khiến cho việc xuất khẩu gặp khó khăn. Hiện toàn tỉnh mới có khoảng hơn 300 hộ, doanh nghiệp có sổ đỏ mặt nước.

“Trước đây, người dân chỉ biết những vùng nước có tiềm năng và cứ đặt xuống là nuôi. Việc phát triển nuôi biển tự phát ở Quảng Ninh do rất nhiều yếu tố, trong đó có công tác quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch, giám sát quy hoạch chưa tốt, đến giờ tỉnh mới bắt đầu lập lại kỷ cương. Tất cả diện tích nuôi ngoài quy hoạch, vào luồng giao thông sẽ bị dẹp bỏ.

Bài liên quan

Trên cơ sở quy hoạch cũ số 4209 năm 2016 tỉnh Quảng Ninh, UBND các địa phương quy hoạch chi tiết nuôi trồng thuỷ sản thì chỉ tập trung quy hoạch theo từng khu vực, theo xã hoặc những điểm ven các chân đảo, không quy hoạch tổng thể. Nhưng bây giờ công nghệ phát triển nên nuôi ở xa bờ, thành ra quy hoạch đó không còn phù hợp. Nó đã được thay bằng quy hoạch mới trong đó khu vực nuôi biển có diện tích trên 30.000 ha, đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 80 ngày 11/2/2023.

Trên cơ sở quy hoạch này các địa phương phải xây dựng quy hoạch chi tiết hoặc lập phương án nuôi trồng thuỷ sản chi tiết, phân rõ khu vực nào giao cho người dân nuôi trồng phục vụ dân sinh, vùng biển nào có lợi thế nuôi công nghiệp, quy mô lớn theo chuỗi giá trị để thu hút đầu tư. Từ đó các tổ chức, cá nhân khi được giao mặt nước sẽ được toàn quyền sử dụng, yên tâm đầu tư sản xuất”, ông Minh cho hay.

Anh Nguyễn Xuân Hạnh - Trưởng thôn Nà Sắn xã Bản Sen kiểm tra khay nuôi nguyễn thể. Ảnh: Tiến Thành.

Anh Nguyễn Xuân Hạnh - Trưởng thôn Nà Sắn xã Bản Sen kiểm tra khay nuôi nguyễn thể. Ảnh: Tiến Thành.

Quy định ngược với lòng dân

Anh Nguyễn Quang Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen, huyện Vân Đồn vốn là người gắn bó hơn 20 năm ở Phòng NN-PTNT bảo với tôi rằng: 80-90% lao động phổ thông của huyện có liên quan đến con hàu, từ người xe ôm, bốc vác, bán rau đến bổ hàu, xâu hàu, đi thả giống, thu hoạch, lái tàu, vận chuyển, bến bãi, hàng ăn uống, dịch vụ... Điều kiện để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ở đây có nhiều nhưng khó khăn cũng không ít.

Bài liên quan

Thứ nhất là các khu chế biến hàu hầu hết đang nằm trong khu dân cư, thiếu nhà máy chế biến sâu. Thứ hai là cần đa dạng đối tượng nuôi chứ không chỉ dừng lại ở con hàu, hiện mới chỉ bán ruột thô cho Đài Loan là chính. Thứ ba là chính sách giao, thuê mặt nước vài năm gần đây cả huyện Vân Đồn chưa thực hiện được do chờ quy hoạch tỉnh được duyệt, mà quy hoạch của tỉnh cần tổng thể của các ngành.

Trước đó, quãng năm 2007 đến năm 2016 huyện đã giao, cho thuê mặt nước được cho trên 300 hộ, trong đó số ít giao lâu dài, có bìa đỏ, còn lại là tạm giao 5 năm, giờ đã hết hạn. Xã Bản Sen hiện có 154 cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 870 ha nhưng cỡ 90% nằm ngoài vùng 3 hải lý. Để hộ nuôi trồng thủy sản lên tỉnh, lên bộ xin giao, thuê mặt nước với nhiều thủ tục phức tạp như có phương án sản xuất, phương án bảo vệ môi trường… khó ngang lên trời.

Anh Nguyễn Quang Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen: 'Cỡ 90% diện tích nuôi trồng thủy sản của xã nằm ngoài 3 hải lý'. Ảnh: Tiến Thành.

Anh Nguyễn Quang Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen: "Cỡ 90% diện tích nuôi trồng thủy sản của xã nằm ngoài 3 hải lý". Ảnh: Tiến Thành.

Ông Nguyễn Duy Bắc người đang nuôi thủy sản ở xã Đông Xá Bắc nhận xét: “Quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc giao mặt biển trên 3 hải lý và trên 6 hải lý thuộc thẩm quyền của tỉnh và bộ đang ngược với lòng dân bởi người nuôi thường là luật không nắm rõ, rất ngại lên tới tỉnh, chứ chưa nói lên Trung ương để xin. Theo tôi phải tính từ bờ của các đảo lớn ra mới là đúng".

Số hộ nuôi trồng có sổ đỏ mặt nước rất ít, phổ biến vẫn là những người bám biển lâu năm nhưng trong tay không có một thứ giấy tờ gì. Anh Phạm Văn Phóng ở xã Bản Sen vào nghề tu hài từ năm 2013, hiện đang có 100 dây hàu kể, cứ thấy ở đâu có mặt nước trống, không vướng vào luồng lạch thì nuôi. Nhà có 5 anh em cùng nghề thì 2 người khá giả, còn 3 người chỉ ở mức trung bình vì thu nhập cũng rất phập phù.

“Chúng tôi mong muốn được giao mặt nước từ 20 năm trở lên hoặc cho thuê mặt nước từ 10 năm trở lên, có sổ đỏ để yên tâm đầu tư lâu dài, không còn thấp thỏm lo bị di dời nữa. Ngay cả những người đã có sổ đỏ mặt nước rồi nhưng do trước đây giao nuôi ngao, tu hài chỉ cách bờ cỡ 200m, giờ nuôi hàu lại xa cả km nên vẫn phải nuôi tràn ra ngoài”, anh Phóng cho hay.

Anh Nguyễn Văn Quang chủ hộ nuôi thủy sản xã Hạ Long (phải) đang trò chuyện cùng với cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn (trái). Ảnh: Tiến Thành.

Anh Nguyễn Văn Quang chủ hộ nuôi thủy sản xã Hạ Long (phải) đang trò chuyện cùng với cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn (trái). Ảnh: Tiến Thành.

Ngay như anh Nguyễn Xuân Hạnh - Trưởng thôn Nà Sắn xã Bản Sen bắt đầu nuôi từ năm 2008 mà giờ vẫn không có sổ đỏ dù vùng đó đã được nhà nước quy hoạch để nuôi: “Xóm có gần 100 hộ nuôi thủy sản nhưng chỉ khoảng 5% là có sổ đỏ mặt nước. Người dân chúng tôi hàng chục năm nay cứ ngóng chờ mãi chuyện này. Không có sổ đỏ bấp bênh lắm vì không được bảo vệ hợp pháp. Khi xảy ra chồng lấn với hộ khác, người ta kêu lên tới trưởng thôn cũng không thể giải quyết được vì cả hai đều không có căn cứ pháp lý gì, có khi còn xảy ra đánh nhau nữa cơ (ở chỗ khác chứ không phải xảy ra ở Nà Sắn-PV). Khi có thiên tai người nuôi cũng không nhận được sự hỗ trợ gì cả. Đại diện cho dân, đi họp trên huyện tôi cũng có ý kiến nhiều về vấn đề này mà chưa được”. (Còn nữa).

Cũng là người dân của huyện Vân Đồn, muốn thuê, muốn giao mặt nước nhưng có khu vực thuộc thẩm quyền của huyện, có khu vực thuộc thẩm quyền của tỉnh, có khu vực thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường là điều bất hợp lý.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Dựa vào dân để giám sát tàu cá vi phạm

Nhân dân là tai mắt trong việc phát hiện tàu cá vi phạm. Do vậy, cần dựa vào dân, lấy dân làm gốc trong thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.