| Hotline: 0983.970.780

Biển Quảng Ninh nổi sóng

[Bài 2]: Cắm nhà, cắm cả mạng sống

Thứ Năm 20/04/2023 , 06:30 (GMT+7)

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh đã phải cắm cả nhà, cắm cả mạng sống của mình để bám biển những mong đổi đời nhưng thực tế rất nghiệt ngã.

Empty

Anh Thành "ghẹ" trước những dây nuôi hàu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuyện của anh Thành "ghẹ"

Những ngày này anh Nguyễn Văn Thành hay còn gọi là Thành "ghẹ" - người ở thị trấn Cái Rồng nhưng nuôi trồng thủy sản ở khu vực biển Bà Cô Đông, Hòn Dương Cát của xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh như ngồi trên đống lửa. Để vợ con trên đất liền, anh biền biệt ngày đêm, bám trên bè để trông coi những giàn hàu bởi: “Tôi đã cắm nhà, cắm cả mạng sống của mình để ra biển rồi”.

Bài liên quan

Chiếc xuồng máy bé nhỏ chở chúng tôi xé gió lướt đi như một cái lá tre nổi nênh trên mặt biển mùa này sương mù giăng mờ mịt. Dưới mỗi giàn phao đang phập phồng trên sóng nước vịnh Bái Tử Long là những số phận của các gia đình cũng nổi nênh, bất định không kém. 

Anh kể, từ năm 2017, nhận thấy việc nuôi trồng thủy sản dần trở nên phổ biến, có thể tạo ra nguồn thu nhập tốt để cải thiện cuộc sống, gia đình anh đã huy động nhiều vốn vay khác nhau để đầu tư chăng dây, thả phao xốp, nuôi hàu tại khu vực biển Bà Cô Đông, Hòn Dương Cát. Trước khi quyết định đầu tư, anh cùng nhiều hộ khác đã làm các thủ tục, hồ sơ giấy tờ xin giao mặt biển khu vực 3 hải lý tính từ mép nước gần nhất theo đúng quy định nhà nước (Luật Thủy sản 2017).

Tuy nhiên, họ đã gặp vô vàn khó khăn trong việc thực hiện hồ sơ trên do trình tự thủ tục chưa cụ thể, vướng nhiều quy hoạch, dự án phát triển trên địa bàn. Vậy nên suốt khoảng thời gian dài chờ đợi, dân đói thì đầu gối phải bò. Các hộ đã tự phát cùng nhau phân vùng, thả dây phao xốp nuôi hàu trên phần mặt nước được quy hoạch dự kiến dành cho nuôi biển lẫn ngoài quy hoạch.

“Chúng tôi nuôi hàu từ năm 2017 đến nay không có ai bảo là sai, xã lại còn khuyến khích, nếu sai sao không cấm ngay từ đầu? Nay chính quyền bảo dân ký giấy bảo vệ môi trường, người biết chữ thì ký, người không biết chữ thì lăn tay, điểm chỉ, sau đó họ liền ép phải thay phao xốp bằng phao nhựa.

Phao xốp đã và đang sử dụng rất phổ biến trước đó trên toàn quốc, không thuộc trường hợp cấm, phù hợp theo quy định theo Luật Thuỷ sản 2017 và Nghị định 26 năm 2019 của Chính phủ. Nay riêng tỉnh Quảng Ninh tiên phong trong việc chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE, chúng tôi không chống lại chủ trương đó nhưng thay đổi trong thời gian quá ngắn là chưa phù hợp.

Chúng tôi không thể thay thế ngay lập tức được hết số phao xốp vẫn còn đang sử dụng tốt, không gây ô nhiễm môi trường, nhất là khi đều đầu tư dựa vào nguồn vay lớn từ ngân hàng sau mấy năm Covid không bán được sản phẩm, nợ nần chồng chất. Mà thời điểm hiện tại, lãi suất vay ngân hàng ngày càng cao, chính sách cho vay ngày càng phức tạp.

Empty

Dưới mỗi quả phao có nhiều dây hàu như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Như nhà tôi đang có 200 dây hàu, tổng đầu tư khoảng 5 tỉ, nay phải thay hết phao sẽ tốn thêm cỡ gần 2 tỉ nữa, lấy đâu ra? Xin chính quyền giãn cách cho dân một chút, để đợi chúng tôi thu hoạch nốt vụ hàu này. Nếu không cho, cứ vào cưỡng chế, cắt phao của dân (mà không có tờ thông báo nào), có thể làm chìm các giàn nuôi hàu, dẫn đến việc phá sản với nhiều gia đình. Còn những giàn hàu nào nuôi vào luồng giao thông thì chính quyền cắt luôn, chúng tôi cũng không có ý kiến gì cả vì đó là vi phạm rõ ràng rồi.

Giờ chính quyền phải quy hoạch chỗ nào cho nuôi thì cấp giấy, cấp chứng nhận để người dân yên tâm đầu tư, chỗ nào không cho nuôi cũng phải nói rõ để cho dân biết. Theo tôi không phải cứ nuôi nhiều là tốt, phải giảm bớt diện tích đi để môi trường có phù du, hàu nhanh lớn, bán được giá cao hơn nhưng từ trước đến nay không ai vận động dân chuyện đó cả.

Trong thông báo sắp tới chính quyền sẽ cho mỗi hộ thuê 1 ha mặt nước thì không thể nuôi hàu được vì phải cần cỡ 4-5 ha bởi 1 giàn hàu gồm 30 dây đã có chiều dài 270m, rộng 180m rồi. Bởi thế, kể cả những người có sổ đỏ mặt biển trước đây được giao cũng không đủ diện tích mà sản xuất, phải nuôi tràn ra ngoài”.

Empty

Từ hồi có lệnh cấm, nhiều người dân đã cắt phao xốp, thả chúng trôi dạt lên cả các đảo như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đang từ chủ trở thành kẻ làm thuê

Anh Nguyễn Văn Phú người ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn là một trong những trường hợp điển hình của việc đang từ vị trí người chủ trở thành kẻ làm thuê vì nuôi hàu.

Trước anh có nghề đánh bắt thủy sản nhưng năm 2020 đã vay mượn 200 triệu, cộng thêm vài chục triệu vốn dành dụm được chuyển sang nuôi 15 dây hàu để có thể đổi đời, giàu có đúng như cái tên bố mẹ kỳ vọng đặt cho. Đổi đời đâu chẳng thấy, đại dịch Covid tràn đến, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, giá bán hạ xuống chỉ 2.400đ/kg khiến cho bị lỗ 150 triệu, anh đành phải xin vào làm thuê cho công ty nuôi trai lấy ngọc.

Đứa con trai của anh, thằng Nguyễn Đức Trường Vũ đang học lớp 9 thấy gia đình kinh tế khó khăn quá mới xin nghỉ, đi phụ bán nước cho mẹ, từ đầu năm cũng ra đây để xin việc làm cùng chỗ bố. Vừa làm hai bố con anh lại vừa nuôi thêm 5 dây hàu thì gặp phải chuyện chuyển đổi thay phao xốp, bằng phao nhựa: “Chính sách thay phao xốp bằng phao nhựa của tỉnh Quảng Ninh là hợp lý nhưng thời điểm thay tôi cho là chưa hợp lý. Phải thư thư cho người nuôi, ít nhất là hết vụ này để chúng tôi có thể thu hoạch hàu, bán lấy tiền mà mua phao nhựa”.

Empty

Anh Phú đang từ người chủ trở thành kẻ làm thuê vì nuôi hàu. Ảnh: Tiến Thành.

Hai người làm kéo theo cả “đoàn tàu” dài là các miệng ăn sau lưng. Nếu bị xã cưỡng chế, cắt phao, làm chìm các dây hàu anh Phú chắc chỉ còn cách bán nhà đưa mẹ già và các con ra biển, sống trên bè như những miếng phao xốp nổi trôi.

Một ngư dân xin được giấu tên nói với tôi rằng, thay phao ở thời điểm này phần lớn chủ nuôi hàu sẽ sa vào nợ, tỉnh Quảng Ninh chỉ cần khoan hồng cho 1-2 năm nữa là nhiều người sẽ giàu lên ngay: “Sổ đỏ nhà đất, mọi tài sản trên bờ đã đầu tư xuống biển hết rồi, hàu mới xuống giống, giờ cưỡng chế là dồn người ta đến bước đường cùng.

Trước đây dân nuôi ngao, bị dịch chết đã nợ nần, phải vay mượn tiếp để nuôi hàu, dịch Covid không tiêu thụ được, rồi dịch hàu, giá xuống, lại vay tiếp. Nay lại phải vay nữa để thay phao xốp bằng phao nhựa. Hộ nào vay của ngân hàng còn đỡ, vay của “dân xã hội” còn chết nữa. Không có vốn, lúc nào cũng mang chữ nợ ở trên đầu thì khổ lắm!”.

Empty

Đứa con anh Phú đang học lớp 9 phải nghỉ để đi làm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Quảng Ninh thì đến hết tháng 3/2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận công bố hợp quy của 15 đơn vị sản xuất, số lượng phao xốp theo báo cáo của các địa phương có khoảng 3.896.179 quả, đã chuyển đổi sang phao nhựa 2.233.691 quả, đạt 57%, số phao xốp còn lại là 1.662.488 quả. Tuy nhiên theo Cổng thông tin điện tử của huyện Vân Đồn - địa phương có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất tỉnh Quảng Ninh và cũng là địa phương sử dụng nhiều phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản nhất với trên 5,1 triệu quả phao xốp vào năm 2021. Đến hết năm 2022, toàn huyện đã thực hiện cắt giảm và chuyển đổi được trên 3,6 triệu quả phao xốp. Từ đầu năm đến nay cắt giảm thêm được 600.000 quả phao xốp, số còn lại cần chuyển đổi là 871.000 quả. (Ước tính Vân Đồn phải mất ít nhất 400-500 tỉ cho việc thay thế tất cả 5,1 triệu quả phao xốp bằng phao nhựa - PV).

Để đảm bảo tiến độ đến ngày 30/4/2023 hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ số phao xốp này thì mỗi ngày phải chuyển đổi được trên 30.000 quả. Quan điểm của chính quyền Vân Đồn là chỉ hỗ trợ việc xử lý phao xốp sau thay thế, không làm thay người dân. Sau ngày 15/4/2023, nếu các hộ dân không tự giác thay thế phao xốp, các xã tổ chức cưỡng chế cắt bỏ toàn bộ các khu vực nuôi trồng thủy sản vi phạm quy định.

Yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo việc thực hiện, huy động tổng thể các lực lượng cùng tham gia vào quá trình này. Dừng các cuộc họp không cần thiết của cấp huyện, cấp xã để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. (Còn nữa).

"Đề nghị chính quyền đồng hành cùng người dân, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí hỗ trợ cho chúng tôi 100% giá trị phao nhựa hoặc hỗ trợ 50% giá trị phao nhựa, số 50% còn lại cho nợ theo lộ trình thì chúng tôi đồng ý thay toàn bộ” (trích kiến nghị của những người nuôi trồng thủy sản Vân Đồn).

Xem thêm
Nuôi ba ba, gặp mưa bão lịch sử vẫn lãi khá

HẢI DƯƠNG Mỗi năm thị xã Kinh Môn (Hải Dương) này cung ứng ra thị trường khoảng 60 tấn ba ba thịt, doanh thu ước đạt 21 - 24 tỷ đồng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.