| Hotline: 0983.970.780

Biển Quảng Ninh Nổi sóng

[Bài 3] Lửa tiêu hủy phao xốp thiêu đốt Bái Tử Long

Thứ Sáu 21/04/2023 , 06:15 (GMT+7)

Ngọn lửa đó đêm ngày cháy rừng rực trên các hòn đảo của vịnh Bái Tử Long, tỏa ra những đám khói lớn làm xám đen cả đá núi, che mờ cả mặt biển…

Anh Nguyễn Văn Quang: 'Tôi định mang phao xốp lên núi để đốt'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Văn Quang: "Tôi định mang phao xốp lên núi để đốt". Ảnh: Dương Đình Tường.

Phao xốp chất đầy đảo rồi đổ xăng đốt

Đoàn kiểm tra phao nhựa của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, Phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn cùng với tôi ra khu vực nuôi biển ở xã Hạ Long của chủ hộ Nguyễn Văn Quang. Anh tâm sự, mình có gần 60 dây hàu trong đó 40 dây đã thay từ phao xốp sang phao nhựa nhưng mới giải quyết kiểu tình thế là buộc rất thưa vì hàu còn nhỏ nên chưa đủ nặng để kéo chìm, sau có tiền sẽ bổ sung thêm. Với hơn 3.000 quả phao nhựa mới thay trị giá hơn 200 triệu, tổng nợ của anh đã tăng lên trên 600 triệu.

Bài liên quan

“Số phao xốp thay ra này tôi chất trên hai cái bè tre, chuẩn bị chuyển lên núi để đốt bởi vứt ra biển thì công an phạt, còn đem bán thì chẳng ai thèm mua. Những hộ ở giữa biển, không có bè mảng, không có chỗ vứt thì cắt thả trôi phao”, anh Quang cho hay.

Chúng tôi phải vội can anh cách xử lý phao xốp đầy bất ổn ấy. Trong những ngày đi thuyền lang thang khắp vịnh Bái Tử Long đập vào mắt tôi là những mặt biển trắng phao xốp trôi dạt, những hòn đảo trắng phao xốp tấp vào bờ, sóng đẩy chúng gác lên cả ngọn cây, mỏm đá.

Ông Nguyễn Duy Bắc, người đang nuôi thủy sản ở khu vực mặt nước của xã Đông Xá hoài niệm về biển của một thời nhộn nhịp thuyền bè, của những chiếc xuồng bay lướt trên sóng trị giá 400-500 triệu mỗi cái. Giờ chỉ còn lại cảnh hoang tàn, thuyền thì cái hỏng để tự chìm, cái bán tống bán tháo, đám còn lại cũng xác xơ, tàn tạ. Nhiều người nuôi bỏ mặc các dây hàu, cắt phao xốp để chúng thả trôi trên biển bởi không ai chi tiền công cho việc thu gom, xử lý.

“Tôi đã ký cam kết thay dần dần phao xốp sang phao nhựa rồi mà còn bị ép. Giờ nếu cắt, không khéo là đứt dây, hàu chìm. Thực ra, họ cũng chịu sức ép trên đe, dưới búa thôi nên mới phải làm thế, chúng tôi không nghe sẽ bị cưỡng chế. Nhưng cán bộ nhiều người được bố mẹ nuôi ăn, học cũng từ con hàu này mà ra cả. Phải biết dân làm gì để sống và sống như thế nào để mà hành xử có lý, có tình chứ. 

Hồi còn được phép dùng phao xốp, rất ít khi bắt gặp cảnh nó trôi trên biển bởi hễ thấy là chúng tôi dừng tàu lại, vớt ngay vì giá mỗi quả cũng 30-40.000đ. Có ai thấy tiền trôi mà lại không vớt đâu? Giờ tỉnh Quảng Ninh có lệnh cấm phao xốp thì người ta mới cắt, thả trôi như thế. Các bãi hàng ngàn, hàng vạn quả phao trôi vào, trắng xóa cả”, ông Bắc tâm sự.

Xã Đông Xá mượn bãi trên đảo của ông Nguyễn Duy Bắc để tập kết phao xốp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xã Đông Xá mượn bãi trên đảo của ông Nguyễn Duy Bắc để tập kết phao xốp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Được biết, ban đầu nhà sản xuất phao nhựa hứa bán 1 quả phao nhựa sẽ thu hồi được 1 quả phao xốp rồi thu gom về khu tập kết trước khi đưa đi tiêu hủy công nghiệp, nhưng rồi cuối cùng họ chỉ mải bán hàng, thu lời. Còn nhiều xã thì mải cắt các dàn phao xốp của dân rồi gom lên tàu, đổ lên đảo đốt. Nhân danh vì môi trường mà chuyển đổi phao xốp thành phao nhựa nhưng họ lại thực hiện những hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Như điểm tập kết phao xốp của xã Đông Xá trên một hòn đảo thuyền cứ kìn kìn chở phao vào, cứ chất đầy cái là để đốt. Đám phao xốp một khi bén lửa thì cháy như kho xăng. Người dân xung quanh phản ánh nó đã bị đốt cả chục lần…

Cảnh đốt bãi phao xốp của xã Đông Xá trên đảo. Ảnh: Người dân cung cấp. 

Cảnh đốt bãi phao xốp của xã Đông Xá trên đảo. Ảnh: Người dân cung cấp. 

Tôi đi xuồng một vòng quanh bãi tập kết phao xốp của xã Đông Xá là hòn đảo trong khu vực nuôi hàu. Phao xốp chất đầy ra tận mép nước, trắng như một quả núi tuyết thu nhỏ. Những dấu vết cháy đen chảy như nhựa đường vẫn dính bết vào đá. Trên sườn núi ám đen một màu của khói, của những thân cây bị chết trụi, cháy thành than nhưng vẫn còn bám vào đá mẹ, tạo thành một hình ảnh điêu tàn.

Hôm đó, có 2 tàu được xã Đông Xá thuê chở đầy phao xốp cập vào, quăng ào ào lên bờ. Chỉ hôm sau những người dân đã gửi cho tôi một cái clip hòn đảo mà xã Đông Xá tập kết phao xốp đang cháy bùng bùng, tỏa ra những cột khói đen như một nhà máy nhiệt điện, cách xa nhiều km còn nhìn thấy, còn ngửi thấy mùi khét lẹt. 

Clip bãi tập kết phao của xã Đông Xá đang cháy. Clip: Người dân cung cấp.

Những đám cháy đốt phao xốp khói đen cả núi, phủ kín vịnh Bái Tử Long xuất hiện nhiều trong giai đoạn chuyển đổi sang phao nhựa này chứ không chỉ riêng có ở xã Đông Xá. Như khi tôi đang viết bài này thì những người dân đã quay và chụp lại và gửi cho tôi xem cảnh khu tập kết phao xốp của xã Hạ Long, huyện Vân Đồn ở trên một hòn đảo đang cháy đùng đùng. Họ bảo, chỉ có cán bộ ra đốt chứ không ai vào đây cả và cái bãi này cũng đã cháy nhiều lần rồi khiến cho môi trường đang biển đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Điểm tập kết phao xốp của xã Hạ Long đang bốc cháy. Clip: Người dân cung cấp.

Dù có là đặc khu kinh tế thì dân Vân Đồn vẫn phải bám biển mà sống. Trước nuôi trồng tự phát, lúc mới chính quyền không kiểm tra mà bỏ ngỏ, giờ nảy sinh trên diện tích lớn mới siết lại cũng một phần có lỗi.

Nghi ngại chất lượng phao nhựa

Ông Nguyễn Sỹ Bính - Giám đốc HTX Phất Cờ huyện Vân Đồn là người tiên phong trong việc thay thế phao xốp bằng phao nhựa hơn 1 năm về trước. Ông khẳng định, lúc đầu tỷ lệ phao nhựa hỏng vào khoảng 30% do được hàn thủ công, giờ công ty cải tiến công nghệ, rút xuống còn 3-5% và có bảo hành, tuy nhiên khi đổi cũng mất công.

“Chất lượng phao cứ phải so sánh với Quy chuẩn của tỉnh Quảng Ninh chứ dân muốn mua hàng vừa thơm ngon, vừa bổ rẻ thì khó lắm. Nhiều người buộc thưa, chỉ khoảng 80 quả/dây giống như con kiến đeo vỏ lạc ấy nên không đảm bảo về kỹ thuật, khiến cho phao bị chìm. Điều cần quan tâm là thay phao xong dân có được nuôi tiếp hay không. Hiện nghề nuôi hàu tôi thấy đang phát triển ồ ạt và không bền vững khiến cho 10 hộ nuôi thì 9 hộ phải cắm sổ đỏ trong ngân hàng”.

Anh Nguyễn Xuân Hạnh - Trưởng thôn Nà Sắn bên đám phao nhựa vừa thay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Xuân Hạnh - Trưởng thôn Nà Sắn bên đám phao nhựa vừa thay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Xuân Hạnh - Trưởng thôn Nà Sắn xã Bản Sen, huyện Vân Đồn thống kê mấy năm trước thôn có khoảng 100 hộ nuôi trồng thủy sản, từ khi phải chuyển đổi phao xốp sang nhựa có hơn 10 hộ đã giải nghệ. 1 dây hàu đầu tư khoảng 15 triệu nhưng khi thanh lý chỉ được vài trăm ngàn đồng:

"Nuôi tràn lan quá, giờ “con nắp bia” xuất hiện nhiều, tấn công làm cho hàu chết rồi ăn ruột. Thêm vào đó con hàu vấu cũng lắm, khi hàu nuôi nhỏ chúng bám vào gây chết hoặc chậm lớn. Dùng phao xốp không bị con hàu vấu bám vào như phao nhựa, ngoài ra còn có con vẹm, con bọng nước cũng hay bám, làm giảm độ nổi.  

Chất lượng phao nhựa khiến dân nghi ngại bởi ấn vào mềm, dìm chìm dưới nước cỡ hơn 1m là nổ. Vừa rồi tôi có ra giàn hàu của nhà Huỳnh Hạnh, những quả phao nhựa bị chìm hay xẹp rất nhiều. Cam kết của nhà sản xuất phao nhựa là độ bền 10 năm, lúc đầu hứa bảo hành 5 năm nhưng giờ chỉ còn có 2 năm thôi.

Nói thật, bắt dân thay hết phao xốp sang phao nhựa ngay sẽ đội chi phí sản xuất lên rất nhiều. Người làm thuê bây giờ là chủ bởi mỗi buổi công 320.000đ, ngày có thể làm 2 buổi; còn chủ bây giờ là người làm thuê bởi tính kỹ sau mỗi vụ nuôi có khi còn lỗ".

Anh Nguyễn Xuân Hạnh - Trưởng thôn Nà Sắn chỉ đám bọng nước bám đầy vào quả phao nhựa mới thay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Xuân Hạnh - Trưởng thôn Nà Sắn chỉ đám bọng nước bám đầy vào quả phao nhựa mới thay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn ông Nguyễn Duy Bắc người đang nuôi hàu ở xã Đông Xá thì so sánh, cùng là phao nhựa, nhưng quả phao nuôi trai lấy ngọc của Nhật sau 20 năm sử dụng gõ vào vẫn kêu coong coong, vật nặng chèn qua không sao, ném xuống lại nảy lên. Đằng này quả phao nhựa của các doanh nghiệp nội gõ vào kêu bồm bộp, ném xuống là nằm bẹp luôn.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, qua kiểm tra có hiện tượng một số cơ sở nuôi biển sử dụng phao nhựa không công bố hợp quy. Lấy mẫu ngẫu nhiên 7 cơ sở đang sản xuất, cung ứng phao, 10 mẫu tại cơ sở nuôi biển, kết quả đều phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật quy chuẩn địa phương.

Tuy nhiên thực tế đoàn phát hiện nhiều cơ sở nuôi biển sử dụng phao nhựa nổi chưa đúng hướng dẫn kỹ thuật của nhà sản xuất như khoảng cách treo phao lớn, khoảng cách giữa các dây hàu giảm, ảnh hưởng đến sức chịu tải của quả phao. Nhiều quả phao nhựa bị hư hỏng, méo móp, thẩm thấu nước nguyên nhân do lỗi của nhà sản xuất. Những sản phẩm có tỷ lệ hỏng cao là sản phẩm phao nhỏ của công ty Vân Long, phao cỡ lớn của công ty Vĩ Tuyến. (Còn nữa).

Quảng Ninh đi tiên phong về việc làm quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ trong khi quy chuẩn quốc gia không có. Hiện tỉnh đang tập trung thay thế phao xốp bằng phao nhựa HDPE.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.