| Hotline: 0983.970.780

Biển Quảng Ninh nổi sóng

[Bài 1]: Quả phao nổi, đời người chìm

Thứ Tư 19/04/2023 , 06:03 (GMT+7)

Trên mặt biển Quảng Ninh sóng chỉ lăn tăn nhưng ẩn sâu là những 'cơn sóng lớn' của việc chuyển đổi phao xốp sang nhựa, của sự tha thiết muốn có sổ đỏ mặt nước.

Empty

Người dân Vân Đồn đang thay phao xốp bằng phao nhựa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mặt nước đang quá tải

Đi đến vùng biển nào của tỉnh Quảng Ninh thời điểm này tôi cũng được nghe những lời than vãn của người nuôi trồng thủy sản về chuyện chuyển đổi phao xốp sang nhựa. Mặt vịnh Bái Tử Long của huyện Vân Đồn bên trên sóng chỉ lăn tăn nhưng bên dưới lại có những cơn sóng ngầm rất lớn đang cuồn cuộn xô.

Bài liên quan

Anh Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc HTX Kiên Cường ở thị trấn Cái Rồng với 7 thành viên bảo, bản thân mình đã nuôi thủy sản từ năm 2010 đồng thời nhà còn kinh doanh thêm vật tư phụ trợ của nghề biển. Trước đây số lượng người nuôi ít, hàu còn béo, mỗi ngày anh bán được 1.000  thùng xốp loại đủ đóng 50 kg hàng, nhưng giờ đây dân nuôi nhiều, hàu hết phù du để ăn, hóa gầy, phải 15-20 ngày mới bán được 1.000 thùng.

"Một bát cơm đầy trước chỉ một người ăn, giờ phải chia cho mười người ăn thì làm sao mà chẳng đói?”, anh so sánh. Năm ngoái, phần vì Covid-19, phần vì hàu hết sữa, khó tiêu thụ nên dân đã phải bán đổ, bán tháo làm thức ăn cho tôm với giá hơn 2.000đ/kg, nhiều hộ đã bỏ luôn nghề. Năm nay, hàu béo bán được 6-7.000đ/kg, hàu thường 5.000đ/kg còn khó bán. Nhà anh nuôi 300 dây hàu, trong đó 100 dây đã to rồi nhưng không ai thèm hỏi mua.

Nếu nuôi đúng quy hoạch thì hàu sẽ đạt chất lượng nhưng hiện phần lớn là tự phát, nhiều người không được giao mặt biển nhưng cứ thấy chỗ trống là ra cắm vài giàn hàu, thành ra mới lâm vào cảnh chen chúc. Liên quan đến việc chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa, anh Kiên bảo đồng ý chấp hành chủ trương nhưng 3 năm Covid, giá hàu rẻ mạt, gần như không thu được gì, có nhà nay đã phải vay tiền mà ăn. Trong khi đó, hàu chưa bán được vì thời gian nuôi phải kéo dài tới 1 năm mới cho thu hoạch:

“Chính quyền đang ép tiến độ đến 30/4/2023 phải thay thế xong phao xốp, bản thân tôi là đại lý phao nhưng mấy hôm nay cháy hàng, chỉ còn đúng 1 quả làm mẫu vì các doanh nghiệp không thể sản xuất kịp. Mỗi dây hàu dài 250m cần khoảng 110 quả phao, với giá 70.000đ/quả đã là 7,7 triệu, chưa kể công thay, tiền dầu chạy thuyền chở người ra biển. Nếu thay 300 dây phải mất cỡ hơn 2 tỉ nên tôi xin được gia hạn hết năm nay”.

Nhưng anh Kiên còn trường vốn, nhiều nhà khác khi thấy chi phí thay phao xốp nhiều quá, sức cùng, lực kiệt họ đành thả phao trôi tự do rồi bỏ nghề. Mỗi dây hàu đầu tư hơn 10 triệu đem cắt dây bán chỉ được vài trăm ngàn đồng. Trong cuộc chơi nghiệt ngã này, anh ước tính 10 hộ thì khoảng 4 hộ đã phải bỏ như vậy, 6 hộ còn đeo bám vì đã trót đầu tư tiền tỉ, xuống giống từ đầu năm rồi.

Empty

Những quả phao xốp bị người dân cắt, cho thả trôi tự do trên biển. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuyện của ông “Bắc nhọ”

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện thì một người đàn ông luống tuổi cầm cái mái chèo bước vào cửa hàng anh Kiên hỏi mua phao nhựa. Ông là Nguyễn Duy Bắc, tức “Bắc nhọ” người ở thị trấn Cái Rồng nhưng đang nuôi trồng thủy sản ở khu vực biển của xã Đông Xá. Vào nghề từ năm 1999, bắt đầu bằng nuôi trai lấy ngọc rồi chuyển sang tu hài, sang tôm hùm, sang ốc hương, sang ngao hai cùi, cuối cùng là hàu, chưa bao giờ ông thấy khó khăn như hiện nay:

“Chúng tôi đang nuôi hàu bằng sổ đỏ chứ không phải bằng tảo biển nữa. Sống chết vì nghề, hiện tôi đã ném xuống biển 2 cái sổ đỏ rồi và còn nợ thêm hơn 2 tỉ. 4 anh chị em trong nhà tôi đang nuôi hàu đều gần như không còn gì nữa. Lệnh chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa của tỉnh có từ năm 2020, chúng tôi không chống lại nhưng do dịch Covid không bán được hàu, ra khỏi nhà còn bị phạt thành ra kinh tế rất khó khăn.

Giữa năm 2022 chúng tôi mới phục hồi sản xuất thì tỉnh ra quyết định cuối năm 2022 sẽ phải chuyển đổi xong, dân kiến nghị mãi mới cho đến 30 tháng 4 này. Hôm nay, tôi đang ở biển thì nghe thông báo của xã liền bỏ dở việc để về dự cùng các hộ khác. Đến 30 tháng 4 này, người nuôi trồng thủy sản phải thay hết không còn để một quả phao trắng nào nổi trên mặt biển, nếu không sẽ bị xã cưỡng chế, cho xà lan ra cắt bỏ, thậm chí chẳng có biên bản gì. Nhiều người không thể hoàn thành kịp mốc ấy, bởi phải đợi thu hàu lứa này mới có tiền. Như nhà tôi, kết hợp nuôi cùng một người được giao 2 ha mặt biển mà đã đi làm thủ tục 3 lần rồi vẫn chưa được vay vốn 100 triệu để hỗ trợ chuyển đổi phao xốp”.

Empty

Ông Bắc bên quả phao nhựa còn lại duy nhất của cửa hàng anh Kiên dùng để làm mẫu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Bắc thắc mắc, cùng là nhựa HDPE tái chế nhưng lồng nuôi ngao hai cùi nặng 600 gram giá chỉ 11.000đ, mà quả phao này nặng 1,9 kg giá hơn 70.000đ là quá cao: “Nhựa tái chế không dễ vỡ như xốp nhưng cũng độc, nhất là trong điều kiện trên thì nắng, dưới thì nước muối, chúng sẽ phân rã ra thành những hạt vi nhựa. Cá tôm, nhuyễn thể ăn vào rồi người lại ăn cá tôm, nguyễn thể còn độc hơn cả xốp thì sao? Đã ai kiểm chứng chất lượng đâu?

Bảo vệ môi trường mà bắt dân đưa nhựa xuống biển, lại không phải loại tốt mà tái chế thì đời tôi có thể chưa thấy tác động nhưng đời con tôi, cháu tôi sẽ thấy. Như trước chúng tôi dùng lồng nhựa HDPE tái chế nuôi ngao hai cùi, đặt chìm xuống nước mà chỉ sau 2-3 năm đã mủn, giờ lặn xuống thấy đen cả biển toàn là lồng nhựa hỏng. Nay lại bỏ ra từ vài trăm triệu đến vài tỉ mỗi hộ để thay phao xốp bằng nhựa tái chế thì tôi nghi là có lợi ích nhóm gì ở đây.

Làm thế này thì thất nghiệp hết lượt. Phải để cho dân thở với chứ? Hơn thế hàu đã lớn nên rất nặng, muốn thay phao cũng rất khó, cắt không khéo là chìm hẳn cả dây. Chúng tôi chỉ xin gia hạn mấy tháng nữa để thu hết vụ hàu này mà họ không cho. Các xã đang cưỡng chế, cắt phao ngay cả khi không có chủ ở đó, không lập biên bản. Sắp tới các đoàn đi cưỡng chế, cắt phao xốp của dân không khéo sẽ xảy ra mâu thuẫn ngoài biển mất”.

Empty

Vợ ông Bắc bên gian hàng tạp hóa nhỏ, sống qua ngày. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau trận “bão Covid” vùi dập tơi bời, đứa con trai của ông Bắc đã chục năm bám biển, ngủ ở ngoài đảo, chịu nắng nóng, gió mặn, dĩn muỗi chán cảnh nợ nần, kéo vợ và gia đình nhỏ vào Bình Dương làm công nhân. Hai con tàu xi măng trị giá 200 triệu không có người trông coi cũng chìm sâu dưới đáy biển…

Ông và vợ không nề hà chuyện đi làm lúc 8-9 giờ đêm về 4-5 giờ sáng, không nề hà chuyện nắng mưa, chuyện chờ đợi để đến lượt cân hàu. Con cua, con ghẹ béo theo con trăng, con hàu béo theo con gió, chúng hóa gầy chỉ sau có 1 đêm khiến cho giá đang từ 7.000đ/kg xuống 3.000-4.000đ/kg ngay nhưng cũng phải chấp nhận. Chỉ còn đôi ba tháng nữa là được thu nhưng trước sự thúc ép của xã, ông Bắc đã ra hỏi 4-5 đại lý phao, tất cả đều không có.

Vợ ông Bắc, bà Trần Thị Nguyệt được người thân thương tình cho vay 50 triệu vốn để bán hàng vặt ở chợ, ngày lãi 100-200.000đ đặng sống qua ngày. Trước nguy cơ sắp các dây hàu sắp bị cưỡng chế, ông phải gọi cho người em ngoài Hải Phòng gửi gấp ra 100 triệu nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với số tiền thay phao nhựa lên tới cả tỉ đồng.

Empty

Những dây hàu dùng phao xốp như thế này sẽ phải thay bằng phao nhựa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rất nhiều người nuôi biển ở huyện Vân Đồn còn có hoàn cảnh thê thảm hơn. Nhà mình đang ở nhưng không phải của mình nữa mà của ngân hàng, của chủ nợ, thậm chí phải ra bè mà ở. Trong lá đơn kêu cứu khẩn cấp của tập thể họ viết: “Dịch bệnh (Covid) vừa đi qua để lại bao hậu quả đau đớn với người dân sinh sống và làm nghề nuôi trồng trên biển như chúng tôi. Sản phẩm làm ra không bán được, người buôn thì ép giá đến mức phải bán giá rẻ mạt hoặc đem những sản phẩm nuôi được đổ về biển vì quá uất ức khi bị chèn ép.

Hậu quả không biết biết bao gia đình đã phải mất nhà cửa, vợ chồng tan vỡ vì chạy nợ, con cái không có cái ăn, cái mặc phải bỏ học giữa chừng. Vậy mà giờ đây, dịch bệnh vẫn còn chưa hết, tiền chúng tôi vay của ngân hàng, chủ nợ để đầu tư xuống biển chưa trả xong, chỉ còn vài cái phao, con giống và dùng chút sức lực cuối cùng để tiếp tục cắn răng chịu đựng bám lấy biển vì đó là cái nghề duy nhất thì… lại bị chặt, chặt hết, chặt sạch các dây phao xốp”. (còn nữa).

“Đối với các hộ nuôi trồng mới thì bắt buộc áp dụng vật liệu nhựa HDPE theo quy chuẩn. Đối với những hộ đang nuôi trồng thì từng bước thay thế, dây hàu nào phao xốp trắng hỏng thì phải thay thế bằng vật liệu HDPE”, người nuôi trồng thủy sản huyện Vân Đồn kiến nghị.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất