| Hotline: 0983.970.780

[Bài 5] Không thuyền, ngư dân khác nào bị 'chặt chân'

Thứ Ba 25/04/2023 , 09:18 (GMT+7)

Những người nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh dạo này đang khốn khổ vì chuyện đăng ký, đăng kiểm tàu, thuyền khiến hơn 90% phương tiện phải nằm bờ hoặc đi chui, đi lủi.

Khu nuôi cá của anh Nguyễn Văn Thành. Ảnh: Tiến Thành.

Khu nuôi cá của anh Nguyễn Văn Thành. Ảnh: Tiến Thành.

Thế bế tắc của hoạt động tàu dịch vụ thủy sản

Theo kế hoạch đã định, đi xem khu vực nuôi hàu, ăn cơm trưa xong ông Nguyễn Duy Bắc người nuôi trồng thủy sản ở xã Đông Xá, huyện Vân Đồn sẽ đưa tôi cập bến cảng Cái Rồng. Tuy nhiên, một cuộc điện thoại đã phá tan kế hoạch đó: “Công an đang kiểm tra việc đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền ở bến cảng Cái Rồng, anh đừng về nhé”.

Vậy là chúng tôi phải chờ tới khi trời sẩm tối mới dám về, vừa đi vừa thấp thỏm lo âu. Một người dân có nói với tôi rằng, Vân Đồn vừa qua rà soát, siết chặt quản lý các xuồng cao tốc, tàu chở khách không có đăng ký, đăng kiểm là đúng bởi nó liên quan đến tính mạng con người, nhưng còn các tàu, thuyền dịch vụ thủy sản thì không hợp lý.

Bài liên quan

Nếu lực lượng chức năng mà quyết tâm bắt tàu, thuyền dịch vụ thủy sản không có đăng ký, đăng kiểm thì bắt cả huyện Vân Đồn, bắt cả tỉnh Quảng Ninh bởi 10 người ra biển thì có hơn 9 người vi phạm. Anh Nguyễn Văn Thành người đang nuôi 200 dây hàu và 100 ô cá ở khu vực biển Bà Cô Đông, Hòn Dương Cát của xã Hạ Long, huyện Vân Đồn than:

"Trên biển mà ngư dân không có tàu, thuyền thì chẳng khác nào bị chặt chân. Nhà tôi có 4 cái tàu, xuồng phục vụ cho việc đi lấy mồi cho cá, chở cá vào bờ bán, chở công nhân vào ra hàng ngày nhưng hiện cả 4 cái đều phải bỏ không vì không có đăng ký, đăng kiểm được. Trước tiên đó là lỗi của dân, vì từ xưa đến nay toàn mua thân tàu, xuồng không có hóa đơn, mua máy cũ rồi lắp ráp mà chạy, mỗi chiếc trung bình trị giá 200-300 triệu trong khi nếu mua mới phải đến hàng tỉ.

Hơn 90% tàu của huyện Vân Đồn là dạng không đăng ký, đăng kiểm như vậy, nay hễ ra biển là bị công an phạt từ 7-25 triệu. Nhưng bảo người nuôi trồng thủy sản đi mua thuyền nan, thuyền thúng hay các thuyền, tàu cỡ nhỏ mà phải có bản thiết kế, nộp thuế trước bạ vỏ tàu và máy tàu là điều không khả thi vì lý do để nộp được thuế vỏ tàu và máy tàu phải có hóa đơn xuất xưởng, hóa đơn máy tàu (máy tàu phải có hồ sơ nguồn gốc máy - PV)...

Hàng ngày người lao động phải ra biển, tới khu vực nuôi trồng thủy sản để sản xuất bằng phương tiện là tàu, thuyền. Cả ngàn lao động của huyện Vân Đồn này đang sống nhờ vào nghề nuôi hàu. Cứ mỗi buổi làm 4 tiếng thu hoạch hàu, xâu giống hàu... là có thể thu được 350-400.000đ.

Dịch Covid trên người làm giá bán hạ, bệnh trên hàu, rồi chuyện thay phao xốp sang phao nhựa HDPE khiến chúng tôi đã lao đao, nay lại cấm tàu, thuyền không đăng ký, đăng kiểm thì sẽ vướng vào cảnh nợ nần, thất nghiệp, thậm chí tỷ lệ tội phạm gia tăng ngay. Bởi thế, những người nuôi trồng thủy sản chúng tôi rất mong được Nhà nước làm giấy thông hành cho tàu, thuyền phục vụ cho nghề của mình”.

Có thuyền to nhưng không dám chạy, hai anh Lê Văn Dần, Lê Văn Dậu phải đi mủng để vận chuyển cá mồi. Ảnh: Tiến Thành.

Có thuyền to nhưng không dám chạy, hai anh Lê Văn Dần, Lê Văn Dậu phải đi mủng để vận chuyển cá mồi. Ảnh: Tiến Thành.

Khác với quy mô nuôi trung bình của anh Thành, hai đứa cháu Lê Văn Dần, Lê Văn Dậu nuôi tới 400 ô cá, hàng ngày cần phải chở một lượng thức ăn, vật tư khổng lồ từ bờ ra và chở cá từ bè vào đem đi tiêu thụ. Anh Dậu tâm sự: “Giờ tôi không dám chạy cái tàu trọng tải 40 tấn nhưng lắp máy cũ, tổng trị giá 2 tỉ đồng vào cảng chở cá mồi nữa mà phải dùng mấy cái mủng nan trọng tải chỉ 2-3 tấn. Thay vì đi tàu chỉ mất 30 phút thì đi mủng mất tới 1 tiếng.

Bài liên quan

Cái mủng đó chở cá chết làm mồi còn không xong nói gì đến cá sống đi tiêu thụ vì không có máy xục ô xi. Đôi lúc tôi phải chạy liều nên đã 2 lần bị phạt rồi, lần 5 triệu, lần 7 triệu nhưng phạt thì phạt vẫn xin họ đừng rút máy xục ô xi ra không là cá chết, bán chẳng ai mua. Giờ công an mà hỏi giấy tờ tàu chúng tôi chẳng có, chỉ có giấy nợ mà thôi”.  

Anh Nguyễn Quang Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen, huyện Vân Đồn đã dùng cụm từ bế tắc để nói về hoạt động của các tàu dịch vụ thủy sản hiện nay: Theo Luật Thủy sản trước đây tàu dịch vụ nuôi trồng thủy sản gồm tàu bán dầu, nước sinh hoạt, đá lạnh, chở vật tư, trang thiết bị, chở lao động không vượt quá 12 người ra ngoài bè vẫn đăng ký, đăng kiểm với ngành nghề dịch vụ thủy sản. Giờ theo Luật Thủy sản mới, các loại tàu dịch vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản không phải là tàu cá nên không được đăng ký tàu là thủy sản. Những tàu dịch vụ thủy sản này thuộc diện đăng ký bên giao thông đường thủy, Sở Giao thông Vận tải quản lý.

Quá phức tạp là bởi yêu cầu để đăng ký bên giao thông đòi hỏi người dân đóng mới tàu thuyền phải có hóa đơn xuất xưởng (cơ sở đóng tàu thuyền phải có phép), hợp đồng đóng tàu, thiết kế tàu được phê duyệt, trước bạ vỏ máy. Tuy nhiên người dân mua bán tàu cũ, đóng mới thường là giao dịch đơn giản…Bởi thế dù muốn đăng ký người dân cũng không thể làm được.

Như xã Bản Sen có khoảng 60 phương tiện tàu, thuyền nhưng không có cái nào có thể đăng ký theo luật mới dù theo luật cũ có vài chiếc đã đăng ký, đăng kiểm theo như trước đây là tàu dịch vụ thủy sản. Hiện tại, người dân lo âu, không dám cho tàu, thuyền hoạt động vì nếu gặp cơ quan kiểm tra là bị phạt. Mà đối với người ngư dân, không có tàu, thuyền để đi lại thì chẳng làm ăn gì được, bởi họ không thể bơi trên biển để đi lao động.

Anh Nguyễn Văn Thành đang đứng trên thuyền để kiểm tra các dây hàu. Ảnh: Tiến Thành.

Anh Nguyễn Văn Thành đang đứng trên thuyền để kiểm tra các dây hàu. Ảnh: Tiến Thành.

Ngành nông nghiệp kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Ninh

Vấn đề này cũng đang được Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh quan tâm. Theo ông Thiều Văn Thành - Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh ví von rằng, cũng giống như chúng ta đi trên bờ phải có ô tô, xe máy, xe đạp hoặc đi bộ, thì bà con đi trên biển phải có tàu, thuyền. Bởi thế, đơn vị đã tham mưu cho Sở NN-PTNT tỉnh đề xuất với UBND tỉnh ký văn bản chỉ đạo thực hiện đăng ký, đăng kiểm đối với tàu, thuyền chuyên dùng cho nuôi trồng, bảo quản, chế biến thuỷ sản.

Cụ thể, theo điều 2 Luật Thủy sản 2003, quy định “tàu cá là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác chuyên dùng cho khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thuỷ sản”. Nhưng theo khoản 20 điều 3 Luật Thủy sản năm 2017, quy định “tàu cá là phương tiện thủy có lắp động cơ hoặc không lắp động cơ, bao gồm tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản, tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản”.

Bài liên quan

Như vậy, theo Luật Thủy sản năm 2017, tàu, thuyền, cấu trúc nổi dùng cho nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản không được gọi là tàu cá và vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia.

Căn cứ Luật thủy sản năm 2017, Quyết định số 22/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh “Quy định phân cấp quản lý, đăng ký, đăng kiểm tàu cá và phát triển tàu cá theo chiều dài lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, Sở NN-PTNT, UBND các địa phương có quản lý tàu cá đã tiến hành rà soát, lập danh sách, đồng bộ trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia các tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản, tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.

Con thuyền như đôi chân của những người nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Tiến Thành.

Con thuyền như đôi chân của những người nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Tiến Thành.

Để phục vụ công tác quản lý, trên cơ sở xin ý kiến của Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Sở NN-PTNT đã tham mưu báo cáo và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai rà soát, có văn bản hướng dẫn các thủ tục đăng ký, đăng kiểm đối với các tàu dịch vụ cho nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn giao thông và các quy định hiện hành; Thời hạn xong trong tháng 6/2020.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các địa phương số lượng tàu, thuyền chuyên dùng cho nuôi trồng thủy sản trên biển (chuyên chở thức ăn cho cá, vật tư, vật liệu…) không được đăng ký, đăng kiểm còn tồn tại rất nhiều, gây khó khăn trong công tác quản lý và vấn đề đảm bảo an toàn cho người, tài sản trong quá trình hoạt động trên biển, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Xuất phát từ lý do trên, Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với UBND các địa phương tổ chức rà soát, hướng dẫn và thực hiện đăng ký, đăng kiểm...

Trong việc gỡ các "thẻ vàng" cảnh báo của quốc tế, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện được các nội dung: An toàn thực phẩm; Kiểm soát tàu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển quốc tế; Kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng; Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; Xử phạt các hành vi phạm khai thác thủy sản trái phép; Chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước không vi phạm quy định về IUU và xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn 1 nội dung chưa đạt là đăng ký tàu cá và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản.   

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Xử phạt 8 tàu thuyền vi phạm lĩnh vực thủy sản hơn 340 triệu đồng

Thừa Thiên - Huế Lực lượng chức năng tổ chức bắt giữ, xử lý 6 vụ với 8 phương tiện tàu thuyền, đồng thời ra quyết định xử lý vi phạm hành chính số tiền hơn 340 triệu đồng.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất