| Hotline: 0983.970.780

Thú y cơ sở như con bò què chân

[Bài 5] Thú y cơ sở dễ gặp, dễ gọi, dễ nói chuyện

Thứ Tư 13/04/2022 , 08:31 (GMT+7)

Thú y cơ sở không chỉ giúp công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi và thú y đạt hiệu quả mà còn giúp nông dân an tâm mở rộng quy mô chăn nuôi.

Cán bộ thú y xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc (áo trắng) thường xuyên đến từng hộ chăn nuôi nắm bắt tình hình dịch bệnh, thông tin tuyên truyền, tư vấn kỹ thuật. Ảnh: Trung Quân.

Cán bộ thú y xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc (áo trắng) thường xuyên đến từng hộ chăn nuôi nắm bắt tình hình dịch bệnh, thông tin tuyên truyền, tư vấn kỹ thuật. Ảnh: Trung Quân.

Có thú y viên dịch khó lây lan rộng

Trong những năm qua, hoạt động chăn nuôi của người dân trên địa bàn Vĩnh Phúc đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, nhiều loại bệnh nguy hiểm mới xuất hiện như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục...

Trong bối cảnh đó, với sự hoạt động tích cực của hệ thống thú y từ tỉnh đến xã, đặc biệt là các nhân viên thú y viên cơ sở, công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng được triển khai hiệu quả, các loại dịch bệnh đã được phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Từ đó, người chăn nuôi hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất, an tâm mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.  

Ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Vĩnh Phúc cho biết: Từ năm 2014, hệ thống thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh được xây dựng theo nghị quyết 119/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Từ đó đến nay, công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thú y ở cấp xã được đảm bảo đúng quy định của Luật Thú y.

Hệ thống thú y trong tỉnh không ngừng được củng cố, nâng cao cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về thú y và phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Đặc biệt, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh... không xảy ra ở quy mô lớn, một số dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời.   

Trong công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y: Cấp gần 2.000 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật cho các đối tượng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong và ra ngoài tỉnh. Kiểm soát giết mổ 4.000 con trâu bò, 27.000 con lợn, 2,2 triệu con gia cầm, 8.500 con dê thỏ.

Thú y cơ sở là người địa phương, am hiểu địa bàn, thói quen chăn nuôi nên tính cơ động, linh hoạt rất cao, dễ dàng triển khai hiệu quả các hoạt động tiêm phòng, phát hiện và dập dịch, xử lý môi trường. Ảnh: Trung Quân.

Thú y cơ sở là người địa phương, am hiểu địa bàn, thói quen chăn nuôi nên tính cơ động, linh hoạt rất cao, dễ dàng triển khai hiệu quả các hoạt động tiêm phòng, phát hiện và dập dịch, xử lý môi trường. Ảnh: Trung Quân.

Xã Liên Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) là địa phương nằm trong quy hoạch xây dựng các khu chăn nuôi tập trung của tỉnh Vĩnh Phúc nên có số lượng đàn vật nuôi lớn. Anh Đỗ Quang Nguyên, cán bộ thú y xã Liên Châu cho biết: Hiện tại, trên địa bàn xã đàn lợn thịt 49.000 con, đàn gia cầm khoảng 45.000 con, đàn bò 985 con… Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được đặc biệt quan tâm.  

Theo anh Nguyên, năm 2019, khi dịch tả lợn châu phi xuất hiện trên địa bàn, được sự báo cáo kịp thời của nhân viên thú y xã, UBND xã Liên Châu đã nhanh chóng triển khai kế hoạch hành động, khoanh vùng, dập dịch không để dịch lây lan ra diện rộng.

Gần đây nhất, dịch viên da nổi cục trên trâu bò bắt đầu xuất hiện tại một số xã lân cận, cán bộ thú y đã nhanh chóng nắm bắt thông tin, báo cáo, tham mưu cho UBND xã khẩn trương thông tin, tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi trên địa bàn qua hệ thống loa phát thanh.

Cán bộ thú y xã đi từng ngõ, gõ từng nhà nắm bắt tình hình thực tế, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống, tiêu độc khử trùng, tiến hành tiêm phòng vacxin cho đàn trâu bò. Nhờ đó, đến hiện tại trên địa bàn xã không có hiện tượng trâu bò mắc bệnh viên da nổi cục.

Ông Vũ Xuân Chiếm, Chủ tịch UBND xã Liên Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc chia sẻ: Trong những năm qua, nhân viên thú y xã đã có đóng góp rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi của địa phương phát triển. Hàng năm, nhân viên thú y tham mưu cho UBND xã xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi tại địa phương. Tuyên truyền chế độ chính sách về chăn nuôi thú y trên địa bàn, hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất, biện pháp kỹ thuật. Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hướng dẫn các hộ thực hiện quy định về phòng bệnh bắt buộc cho động vật trên địa bàn xã. Phối hợp thực hiện việc tiêu độc khử trùng cho các cơ sở hoạt động liên quan tới công tác thú y, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và phục hồi môi trường sau khi dập tắt dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Người bạn thực sự của nông dân 

Ông Lê Minh Hiền, cán bộ thú y xã An Tường (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chia sẻ: Hiện tại, tổng đàn trâu bò trên địa bàn xã giao động từ 4.200 - 4.500 con (hơn 3.000 bò sữa), đàn lợn 650 con, đàn gia cầm 5.000 con, đàn chó 450 con. Hàng năm, hệ thống thú y đều đặn triển khai hai đợt tiêm phòng vào tháng 4 và tháng 10. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình sản xuất, dịch bệnh trên địa bàn có thể tổ chức các đợt tiêm phòng bổ sung.

Theo ông Hiền, với vai trò là một thú y cơ sở mọi công việc liên quan tới chăn nuôi thú ý trên địa bàn đều phải tham gia từ lấy mẫu bệnh phẩm, thống kê, lập danh sách báo cáo khi có dịch, triển khai công tác tiêu hủy vật nuôi mắc bệnh, xử lý môi trường sau dịch, phối hợp với công chức nông nghiệp xã hoàn thiện hồ sơ để hỗ trợ người dân theo quy định.

“Người chăn nuôi ở đâu trong xã cần mình là mình có mặt ngay, vừa là trách nhiệm công việc vừa là tình cảm của những người hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, ông Hiền chia sẻ.

Tại huyện Yên Lạc, gia đình ông Nguyễn Đình Thanh, thôn Thụ Ích 2, xã Liên Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) có đàn bò 7 con, chuồng nuôi lợn lúc cao điểm 180 con, ngoài ra còn chăn nuôi gà, cá. Toàn bộ vốn liếng gia đình đều đầu tư hết vào chăn nuôi nên cứ nghe thông tin có dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn xã hoặc các xã lân cận là gia đình lại mất ăn, mất ngủ.

Theo ông Lê Minh Hiền, cán bộ thú y xã An Tường (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), lợi thế của thú y cơ sở là vừa có chuyên môn vừa gần người chăn nuôi, khi có vấn đề phát sinh là rất dễ xử lý. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Lê Minh Hiền, cán bộ thú y xã An Tường (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), lợi thế của thú y cơ sở là vừa có chuyên môn vừa gần người chăn nuôi, khi có vấn đề phát sinh là rất dễ xử lý. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Thanh, trước đây việc phòng trị bệnh trên vật nuôi của gia đình chỉ dựa vào kinh nghiệm để xử lý, có lần thành công nhưng không ít lần phán đoán sai bệnh tự đi mua thuốc điều trị, kết quả là lợn, gà thi nhau chết. Khi các loại dịch bệnh mới liên tục xuất hiện, tốc độ lây lan nhanh, có bệnh chưa có vaccine đặc trị, nên kinh nghiệm “bắt bệnh” cũng chẳng thể dùng.

Bên cạnh đó, hai vợ chồng quanh năm đầu tắt mặt tối, hết dọn dẹp chuồng nuôi bò, lợn lại đến chăm sóc ao cá, ruộng đồng. Việc quên thời gian tiêm phòng cho vật nuôi xảy ra như cơm bữa. Không có cán bộ thú y xã xây dựng kế hoạch, thường xuyên nhắc nhở, hỗ trợ tiêm (có đợt tiêm cả tối) chắc chắn bỏ sót, mà bỏ sót nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao.

Gần đây nhất, bệnh viên da nổi cục xuất hiện gây thiệt hại ở một số xã lân cận, các hộ chăn nuôi bò trong xã cũng như gia đình ông đều hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ thú y cùng ban phòng chống dịch bệnh nên các thôn xóm nhanh chóng triển khai tiêm phòng. Hiệu quả nhận thấy rõ rệt khi đến nay cả xã không có trâu bò mắc bệnh.

“Gia đình nào cũng thở phào nhẹ nhõm, riêng tớ an tâm giữ được đàn bò gần 400 triệu đồng, lúc đấy mà không tiêm phòng nhanh chắc giờ hai vợ chồng đang dắt tay nhau đi trốn nợ rồi” ông Thanh vui vẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Thanh, có cán bộ thú y xã đồng hành, việc chăn nuôi của các hộ dân an tâm hơn vì có thêm một người bạn đáng tin cậy. Cán bộ thú y xã là người địa phương nên dễ gặp, dễ gọi, dễ nói chuyện. Khi có vấn đề phát sinh là nhanh chóng xuất hiện, xử lý được ngay. Đặc biệt, khi có dịch bệnh có thể lây sang người như nhiệt thán, cúm gia cầm. Không có thú y cơ sở kịp thời ở bên giải thích, hướng dẫn người dân sẽ dễ hoang mang, bán chạy đàn, khiến bệnh dịch sẽ lan ra rất nhanh, không chỉ thiệt hại kinh tế mà tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội cũng bị đảo lộn theo.

Tỷ lệ tiêm vacxin của Vĩnh Phúc luôn đạt trên 80%

Theo Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, trong giai đoạn 2014 - 2021, giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh tăng bình quân 4,02%/năm. Năm 2021, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt hơn 5.700 tỷ đồng (chiếm 55,7% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp).

Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tổ chức thực hiện và giám sát chặt chẽ. Tỷ lệ tiêm các loại vacxin đạt trên 80%. Nhận thức của người chăn nuôi được thay đổi từ việc phòng bệnh thụ động chuyển sang phòng bệnh chủ động.

Công tác tiêm phòng vacxin cúm gia cầm được 45 triệu lượt con; lở mồm long móng trên trâu bò hơn 1,2 triệu lượt con, trên đàn lợn 920.000 lượt con; tụ huyết trùng đạt 700.000 lượt con; tai xanh đạt 890.000 lượt con; vacxin bệnh dại gần 400.000 con.

Trung Quân

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.