| Hotline: 0983.970.780

Thú y cơ sở như con bò què chân

[Bài 7] Bất cập khi gộp thú y vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp

Thứ Sáu 15/04/2022 , 10:10 (GMT+7)

Trong khi nhiều địa phương đang phải vất vả khôi phục hệ thống thú y cơ sở thì Hà Nội lại đi ngược, gộp thú y vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện.

Nhờ có hệ thống thú y cơ sở, ngành chăn nuôi của Hà Nội có thể phát triển với số lượng lớn và chất lượng cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhờ có hệ thống thú y cơ sở, ngành chăn nuôi của Hà Nội có thể phát triển với số lượng lớn và chất lượng cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Số lượng lớn, chất lượng tốt nhờ thú y cơ sở

Với tổng đàn 38 - 40 triệu con gia cầm, 1,5 - 2 triệu con lợn, 164.000 con trâu bò, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước. Đặc biệt, chất lượng đàn bò, đàn lợn của Hà Nội được đánh giá cao hơn so với các tỉnh, thành khác.

Có được thành quả này là nhờ chính quyền Thủ đô trong những năm qua đã có những chính sách phù hợp với lòng dân, phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận vai trò rất quan trọng của hệ thống thú y cơ sở từ thành phố xuống các quận/huyện và xã/phường.

Nhớ lại thời điểm năm 2019, cơn bão dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đã càn quét chuồng trại chăn nuôi của bà con nông dân, gây ra thiệt hại, tổn thất lớn tại nhiều nơi trên cả nước. Thế nhưng, theo lời kể của anh Tô Quang Ninh, nhân viên thú y xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, khi đó hệ thống thú y cơ sở của thành phố còn phủ sóng rộng khắp đến từng thôn, xóm nên công tác thú y, kiểm soát dịch bệnh được triển khai một cách khá thuận lợi.

“Trên địa bàn xã Đại Yên lúc bấy giờ vẫn còn đầy đủ hệ thống thú y cơ sở phủ khắp đến từng thôn xóm, lượng thú y viên lên đến 10 người. Do là người ở ngay tại thôn xóm nên anh chị em thú y viên có thể nắm bắt tình hình chăn nuôi của người dân rất rõ. Các ca bệnh mới được phát hiện sớm nên khâu khoanh vùng, xử lý cũng được triển khai rất kịp thời”, anh Tô Quang Ninh chia sẻ.

Vai trò của cán bộ thú y cơ sở đối với địa phương là vô cùng quan trọng. Ảnh: PH.

Vai trò của cán bộ thú y cơ sở đối với địa phương là vô cùng quan trọng. Ảnh: PH.

Bên cạnh đó, nhân viên thú y xã Đại Yên cho biết, do có lực lượng thú y viên hùng hậu nên công tác tuyên truyền cho người dân đã được thực hiện một cách trực tiếp, cụ thể, kĩ lưỡng hơn. Nhờ có lực lượng thú y cơ sở, tổng kết năm 2019, số lượng lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi chỉ chiếm khoảng 30% so với tổng đàn trên địa bàn xã Đại Yên.

Chương Mỹ là huyện có tổng đàn vật nuôi lớn thứ hai Hà Nội và được coi là thủ phủ chăn nuôi của Thủ đô. Chính vì vậy, theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ Hoàng Lê Đại Thắng, vai trò của cán bộ thú y cơ sở đối với địa phương là vô cùng quan trọng. Cán bộ thú y cơ sở là những người tiên phong trong công tác phòng chống dịch bệnh. Họ cũng là những người trực tiếp hỗ trợ, đồng hành với người chăn nuôi. Đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì dịch bệnh thường xảy ra ở khu vực này. Việc kịp thời phát hiện, báo cáo và đưa ra biện pháp xử lý để khống chế dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng sẽ bộc lộ những bất cập nếu không có hệ thống thú y cơ sở.

Nhiều bất cập sau khi bỏ hệ thống thú y viên

Gắn bó với nghề thú y hơn 10 năm, anh Tô Quang Ninh đã rút ra được một kinh nghiệm xương máu: “Trong công tác thú y cũng như công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, tính kịp thời là vô cùng quan trọng. Bởi nếu không kịp thời phát hiện, chữa trị, xử lý sẽ dẫn đến những thiệt hại, hậu quả nghiêm trọng cho người nông dân.”

Bài học từ đợt dịch tả lợn Châu Phi tại xã Đại Yên cho thấy, để có thể kịp thời phát hiện, xử lý dịch bệnh, cần phải có một hệ thống thú y cơ sở đáp ứng được cả về số lượng lẫn chuyên môn.

Để có thể kịp thời phát hiện, xử lý dịch bệnh, cần phải có một hệ thống thú y cơ sở đáp ứng được cả về số lượng lẫn chuyên môn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Để có thể kịp thời phát hiện, xử lý dịch bệnh, cần phải có một hệ thống thú y cơ sở đáp ứng được cả về số lượng lẫn chuyên môn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thế nhưng, từ đầu năm 2022, sau khi thực hiện Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 10/1/2022 về ban hành quy định nhân viên chăn nuôi thú y các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc bỏ hệ thống thú y cấp thôn và bố trí mỗi xã, phường chỉ có một nhân viên thú y để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác chăn nuôi, thú y tại xã, phường, thị trấn đã bộc lộ nhiều bất cập.

“Xã Đại Yên tuy không quá lớn nhưng do không còn lực lượng thú y viên, 100% khối lượng công việc đều đổ lên đầu nhân viên thú y xã. Cụ thể là việc phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt dịch bệnh, nắm bắt biến động tổng đàn vật nuôi để làm công tác thống kê, đặc biệt là triển khai công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi…”, anh Tô Quang Ninh cho hay.

Còn theo ông Hoàng Lê Đại Thắng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ, với việc bỏ hệ thống thú y viên cấp thôn, xóm, cùng với địa bàn rộng lớn của địa phương, khối lượng công việc của nhân viên thú y xã tăng lên rất nhiều. Và để có thể hoàn thành công việc đó, người nhân viên thú y xã sẽ phải nỗ lực hơn 200% sức lao động của bản thân.

“Hiện nay, lực lượng thú y cơ sở đang gặp phải nhiều khó khăn, bất cập. Lượng công việc tăng gấp đôi trong khi thu nhập giảm đi khiến anh em nhân viên thú y không thể yên tâm công tác. Đặc biệt, đặc thù công việc của nghề thú y là nguy hiểm, độc hại, thường xuyên phải tiếp xúc với vật nuôi nên nguy cơ cao bị phơi nhiễm các bệnh lây truyền từ động vật sang người”, nhân viên thú y Tô Quang Ninh chia sẻ.

Tâm tư của ông Chi cục trưởng

Thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã xây dựng đề án khôi phục lại hệ thống thú y cơ sở sau khi việc sát nhập Trạm Thú y vào Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện bộc lộ nhiều bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành, đặc biệt sau những đợt dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục… bùng phát. Việc khôi phục lại hệ thống thú y cơ sở đã được nhiều chuyên gia, lãnh đạo trong ngành nông nghiệp, các địa phương đồng tình và ủng hộ.

Tuy nhiên, cuối năm 2021, Thành ủy Hà Nội lại có thông báo thí điểm hợp nhất ba đơn vị Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y tại các huyện thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp.

Việc sáp nhập Trạm Thú y vào Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tại nhiều địa phương đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành. Ảnh: Phạm Hiếu.

Việc sáp nhập Trạm Thú y vào Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tại nhiều địa phương đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, cho biết, Chi cục luôn chấp hành chủ trương, chỉ đạo của thành phố tuy nhiên vẫn có nhiều băn khoăn. Cụ thể, việc thí điểm sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y vào Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện sẽ giảm đầu mối, nhân lực, tuy nhiên các chức năng, nhiệm vụ vẫn được giữ nguyên sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh của địa phương.

Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn đặt ra 3 bất cập đối với công tác thú y cơ sở đang hiện hữu trước mắt sau khi Trạm Chăn nuôi và Thú y được sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện.

Thứ nhất, chức năng quản lý nhà nước cũng như công tác phát hiện, kiểm soát dịch bệnh, chỉ đạo chuyên môn, kiểm soát giết mổ sẽ không có đủ nhân lực để trực tiếp triển khai. Đồng thời, do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp trực thuộc UBND huyện nên việc chỉ đạo chuyên môn, tổ chức triển khai kiểm soát, xử lý dịch bệnh giữa các huyện của Chi cục sẽ không thể thực hiện.

Thứ hai, hệ thống báo cáo dịch bệnh của địa phương sẽ gặp khó khăn. Thứ ba, các hoạt động chuyên môn như tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường, giám sát dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ liên quan tới an toàn thực phẩm… sẽ không thể được tổ chức một cách đồng loạt, tổng thể.

“Luật Thú y ra đời với kinh nghiệm ‘lớp người xưa để lại’ cũng như tinh thần tham khảo các ý kiến của Tổ chức Thú y thế giới và các quốc gia tiên tiến khác. Do đó, tôi mong muốn hệ thống thú y của Hà Nội sẽ giữ được cơ cấu tổ chức theo đúng quy định của Luật Thú y”, ông Nguyễn Ngọc Sơn bày tỏ.

Thực tế, tại một số địa phương đã sáp nhập hệ thống thú y cơ sở vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thì chức năng, nhiệm vụ quản lí, giám sát giết mổ, quản lí buôn bán thuốc thú y gần như không còn hoặc bị buông lỏng. Đây là thực trạng vô cùng nguy hiểm bởi không chỉ trái với Luật Thú y mà còn nguy cơ rất lớn mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xem thêm
Phấn đấu đạt tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng trên 70%

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Từ 25/11, các địa phương trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giám sát dịch bệnh thông qua việc lấy mẫu để kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đợt 2/2024.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.