| Hotline: 0983.970.780

Bình Định chọn 3 giống chủ lực phát triển chăn nuôi

[Bài cuối]: Gà lông màu sẽ là sinh kế chủ lực vùng trung du, miền núi

Chủ Nhật 07/05/2023 , 10:33 (GMT+7)

Gà lông màu là 1 trong 3 loài vật nuôi chủ lực Bình Định xác định phát triển mạnh trong thời gian tới, nhất là tại các huyện trung du, miền núi.

Trang trại chăn nuôi gà lông màu của ông Mai Văn Rỏ, huyện Hoài Ân (Bình Định) quy mô trên 60.000-70.000 con/năm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trang trại chăn nuôi gà lông màu của ông Mai Văn Rỏ, huyện Hoài Ân (Bình Định) quy mô trên 60.000-70.000 con/năm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chủ động gà giống chất lượng cao

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, trong giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh Bình Định định hướng cho ngành chăn nuôi tập trung phát triển gà lông màu, nhất là phát triển hình thức nuôi gà thả đồi tại các huyện trung du, miền núi trên địa bàn tỉnh.

Trong phát triển chăn nuôi gà lông màu, Bình Định cũng có lợi thế lớn về con giống chất lượng cao, bởi trên địa bàn Bình Định hiện có 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất giống gà ta nức tiếng cả nước là Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ở xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát).

Theo ông Diệp, hiện Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đang sở hữu 3 giống gà MD1.BĐ, MD2.BĐ là những giống gà hội tụ nhiều ưu điểm như thời gian nuôi ngắn, tăng trưởng đều, thịt săn chắc, thơm ngon, có sức đề kháng tốt nên chống chọi với bệnh dịch rất tốt, nhờ đó được người chăn nuôi cả nước ưa chuộng. Hiện công ty đang ở hữu tổng đàn già giống gốc gần 1,3 triệu con với 3 thế hệ cụ kỵ, ông bà và bố mẹ, năng lực sản xuất hàng chục triệu con giống mỗi năm. Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư là doanh nghiệp cung ứng giống gà có thị phần tốp đầu Việt Nam với khoảng 28%.

Ngoài Minh Dư, tại Bình Định còn có Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cũng là doanh nghiệp lớn trong sản xuất giống gà lông màu, với 3 dòng gà thương phẩm CK1-BĐ, CK2-BĐ, CK3-BĐ. Những dòng gà của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đã được Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) công nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật.

“Vừa rồi, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đến thăm Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư. Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty đã tiết lộ công ty vừa sản xuất thành công 2 giống gà đặc sản mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng là gà Mía và gà nòi Bến Tre”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho hay.

Cũng theo ông Diệp, đầu tháng 8/2022 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND về việc ban hành quy định Chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2022-2026. Chính sách nuôi gà thả đồi sẽ được áp dụng tại 3 huyện miền núi là Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và 2 huyện trung du là Hoài Ân và Tây Sơn.

“Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đang tìm kiếm các doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết với hộ chăn nuôi để phát triển nuôi gà thả đồi, phối hợp với Phòng NN-PTNT các huyện nói trên lựa chọn hộ đủ tiêu chuẩn và đăng ký tham gia”, ông Diệp nói.

Chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi của Bình Định là 1 trong những chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình ở các huyện trung du và miền núi. Chính sách này ban hành với các quy định rõ ràng về mức hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, thúc đẩy các chuỗi liên kết. Các hộ tham gia vào chương trình này phải đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu: Quy mô nuôi 3.000 con/lứa, xây dựng chuồng trại và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học…

Trong thời gian tới Bình Định sẽ phát triển nuôi gà thả đồi tại các huyện trung du, miền núi. Ảnh: Lê Khánh.

Trong thời gian tới Bình Định sẽ phát triển nuôi gà thả đồi tại các huyện trung du, miền núi. Ảnh: Lê Khánh.

Hướng chăn nuôi mới triển vọng

Hiện nay, tổng đàn gà trên địa bàn Bình Định đã đạt 7,1 triệu con, tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước. Theo Chương trình hành động số 11/CTr-TU của Tỉnh ủy Bình Định về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025, đến năm 2025, ngành chăn nuôi Bình Định sẽ phấn đấu tăng đàn gà trên địa bàn lên 10 triệu con, tỷ lệ gà nuôi theo hướng công nghệ cao đạt 35%.

Trong những năm qua, ngành chức năng Bình Định đã thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, đây là tiền đề để tỉnh này tiến tới phát triển nuôi gà thả đồi. Đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi còn được truyền đạt kỹ thuật chọn gà giống, chăm sóc và phòng trị bệnh thường gặp, cách sử dụng các chế phẩm sinh học và thức ăn cho gà nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư có năng lực sản xuất hàng chục triệu con giống mỗi năm. Ảnh: Lê Khánh.

Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư có năng lực sản xuất hàng chục triệu con giống mỗi năm. Ảnh: Lê Khánh.

Theo đánh giá của ông Huỳnh Ngọc Diệp, huyện trung du Hoài Ân là địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển nuôi gà thả đồi nhờ lợi thế địa hình vườn đồi, có nhiều diện tích trồng cây ăn quả.

Những năm gần đây, người dân Hoài Ân đã rất gắn bó và yêu thích nghề chăn nuôi gà thả đồi. Để thúc đẩy xu hướng mới mẻ đầy triển vọng này, huyện Hoài Ân đã kịp thời có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân thực hiện các mô hình.

“Huyện Hoài Ân đang rà soát, quy hoạch các vùng có điều kiện để phát triển chăn nuôi gà tập trung tại các xã Ân Hữu, Ân Nghĩa, Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Đức và Ân Phong. Ngành chức năng huyện định hướng cho người dân thả nuôi các giống gà đáp ứng thị hiếu thị trường như gà ta, gà Mía, gà ri, gà tre và các giống gà lai. Tiến đến xây dựng các trại gà giống tại địa phương nhằm giảm giá thành cho bà con chăn nuôi và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường tiến tới xây dựng thương hiệu”, ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, chia sẻ.

Chính sách phát triển gà thả đồi của Bình Định không chỉ hỗ trợ người chăn nuôi mà còn hỗ trợ cho hộ chăn nuôi, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm gà thả đồi trên địa bàn tỉnh. Chính sách đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, gồm: Kinh phí xây dựng hệ thống chuồng trại hợp vệ sinh, chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi; hỗ trợ thực hiện các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gà đồi…

Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đóng trên địa bàn Bình Định cũng có năng lực sản xuất hàng chục triệu con giống gà lông màu mỗi năm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đóng trên địa bàn Bình Định cũng có năng lực sản xuất hàng chục triệu con giống gà lông màu mỗi năm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Điều kiện để được nhận hỗ trợ, các cơ sở chăn nuôi phải có quy mô nuôi tối thiểu 3.000 con gà thịt/1 lứa nuôi, xây dựng chuồng trại nuôi phải bảo đảm an toàn sinh học và diện tích đồi để thả gà tối thiểu 1.500m2, vị trí xây dựng chuồng trại đảm bảo theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi. Bên cạnh đó, cam kết nuôi đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Đối với hỗ trợ đầu tư xây dựng và hoạt động cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sảm phẩm gà đồi, hà đầu tư có dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ bằng hình thức cơ giới, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm gà thả đồi trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 60% tổng mức đầu tư trong hàng rào dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị.

Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì được hỗ trợ thêm 70% chi phí để đầu tư xây dựng các hạng mục trên, nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án. Đồng thời, hỗ trợ phí kiểm soát giết mổ với mức 100% cho năm thứ nhất và 50% cho năm thứ hai từ khi cơ sở đi vào hoạt động.

“Trên địa bàn huyện Hoài Ân (Bình Định) hiện đã có nhiều trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn, trong đó có trang trại chăn nuôi gà của ông Mai Văn Rỏ ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây, có quy mô trên 60.000-70.000 conn/năm. Bên cạnh đó, Hoài Ân còn có hàng trăm gia trại, hộ chăn nuôi quy mô trên 2.000 con gà. Nhờ nuôi gà thả đồi mà nhiều hộ dân ở Hoài Ân đã vươn lên làm giàu”, ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân chia sẻ.

Xem thêm
Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.