| Hotline: 0983.970.780

Bám sát đồng ruộng, bảo vệ sản xuất dịp Tết

Chủ Nhật 04/02/2024 , 16:29 (GMT+7)

Các địa phương cần phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để nắm chắc tình hình, diễn biến của sinh vật gây hại trong dịp Tết.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết dịp Tết Giáp Thìn 2024 nền nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, chưa có khả năng rét đậm, rét hại. Khu vực Duyên hải Nam Trung bộ trời mây thay đổi, ngày nắng nhẹ, trong Tết xuất hiện không khí lạnh, đêm và tối có mưa phùn, sáng sớm trời lạnh; khu vực Tây Nguyên thời tiết ngày nắng, chiều tối có mưa vài nơi, đêm và sáng trời lạnh.

Bệnh đạo ôn lá trên lúa. Ảnh: L.A.T.

Bệnh đạo ôn lá trên lúa. Ảnh: L.A.T.

Đến thời điểm này, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã xuống giống hơn 305.768ha lúa đông xuân 2023 - 2024, hiện lúa đang giai đoạn mạ đến đòng - trỗ. Các loại cây trồng chính trong vùng như sắn (mì), sầu riêng, điều, thanh long… đang ở giai đoạn xung yếu, mẫn cảm với các đối tượng sinh vật gây hại và thời tiết bất thuận.

Để bảo vệ an toàn sản xuất vụ đông xuân thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trong vùng, Chi cục Phát triển Nông nghiệp Đắk Nông và Chi cục Nông nghiệp TP Đà Nẵng triển khai thực hiện các nội dung công tác sau:

- Nắm bắt tình hình sản xuất thực tế ở địa phương (thời vụ, cơ cấu giống) và theo dõi các tác động bất lợi của thời tiết (mưa trái mùa ở Tây Nguyên) ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng và sự phát sinh của các đối tượng sinh vật gây hại để chủ động trong chỉ đạo bảo vệ sản xuất.

- Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt bố trí cán bộ trực trong dịp Tết Nguyên đán để nắm chắc tình hình, diễn biến của sinh vật gây hại; tham mưu và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương nhằm tuyên truyền và hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại có nguy cơ bùng phát cao, nhất là vùng ổ dịch.

Trung tâm BVTV miền Trung kiểm tra tình hình sinh vật gây hại trên lúa đông xuân sớm ở Ninh Thuận. Ảnh: L.A.T.

Trung tâm BVTV miền Trung kiểm tra tình hình sinh vật gây hại trên lúa đông xuân sớm ở Ninh Thuận. Ảnh: L.A.T.

- Chú ý một số đối tượng sinh vật gây hại trên các loại cây trồng chính sau:

Đối với cây lúa: Ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại trên lúa trà chính vụ giai đoạn đẻ nhánh; bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên trà lúa sớm giai đoạn đòng - trổ trong điều kiện thời tiết ngày nắng ấm, chiều tối và sáng có sương mù. Do vậy, phải đặc biệt chú ý phòng trừ trên các trà lúa giống nhiễm, ruộng bón thừa đạm và các chân ruộng đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định…); chuột gia tăng gây hại mạnh diện rộng trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái trong điều kiện thời tiết nắng ấm (Bình Định, Quảng Ngãi…); rầy nâu và rầy lưng trắng gây hại lúa đông xuân chân 3 vụ/năm giai đoạn đòng - trổ (Bình Định).

Các địa phương cần hướng dẫn bà con nông dân bón phân cân đối, không bón thừa đạm. Tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện tốt Chỉ thị số 9864/CT-BNN- BVTV ngày 16/12/2018 của Bộ NN-PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất.

Đối với cây sắn: Đặc biệt chú ý bệnh khảm lá virus. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 5957/CT-BNN-BVTV ngày 6/8/2018 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn. Tuyên truyền và hướng dẫn quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn của Cục BVTV. Hướng dẫn nông dân lựa chọn hom giống sạch bệnh theo quy trình kỹ thuật của Cục Trồng trọt để làm giống.

Hiện cà phê đang ra hoa, do vậy cần theo dõi rệp sáp hại chùm hoa và quả non. Ảnh: L.A.T.

Hiện cà phê đang ra hoa, do vậy cần theo dõi rệp sáp hại chùm hoa và quả non. Ảnh: L.A.T.

Đối với cây cà phê: Giai đoạn phân hóa mầm hoa - ra hoa cần theo dõi rệp sáp hại chùm hoa và quả non.

Đối với cây điều: Đang trong giai đoạn ra đọt non, ra hoa và đậu quả, cần chú ý bọ xít muỗi và bệnh thán thư phát sinh, gia tăng gây hại mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, thời tiết âm u, có sương. Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn trọng yếu, theo dõi thời tiết và giai đoạn sinh trưởng để dự báo chính xác các cao điểm gây hại và có biện pháp phòng chống kịp thời. Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ theo quy trình kỹ thuật quản lý bọ xít muỗi và bệnh thán thư hại điều do Cục BVTV ban hành.

Đối với cây sầu riêng: Giai đoạn chăm sóc, ra hoa chú ý bệnh nứt thân xì mủ gây hại. Đặc biệt bón phân NPK cân đối, sử dụng phân chuồng hoai mục và chế phẩm sinh học có chứa vi sinh vật có ích, chú ý bón phân đúng phương pháp, không bón trực tiếp lên rễ cây dễ gây ngộ độc phân. Điều kiện thời tiết âm u, có mưa trái mùa kéo dài cần tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng bón phân hữu cơ. Tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật quản lý bệnh Phytopthora hại cây sầu riêng khi bệnh phát sinh.

Ngoài ra cần chú ý một số đối tượng sinh vật gây hại trên các cây trồng đặc thù ở từng địa phương.

Đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trong khu vực phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung để chỉ đạo bảo vệ tốt sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024.

Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.