| Hotline: 0983.970.780

Bám trạm, cắm chốt phòng chống cháy rừng

Thứ Tư 03/04/2024 , 16:59 (GMT+7)

Hiện Bình Định đang vào cao điểm mùa khô, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đang được ngành chức năng và các địa phương rốt ráo triển khai.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Trước dự báo mùa khô năm nay tại Bình Định sẽ diễn ra khốc liệt, ngay từ đầu tháng 4/2024, ngành chức năng và các địa phương tỉnh này đã đề ra nhiều phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) để ứng phó với mọi tình huống.

Tại huyện trung du Hoài Ân, hiện có 49.711 ha rừng; trong đó rừng tự nhiên có 29.495 ha và rừng trồng có 20.215 ha. Trước mùa khô năm nay, công tác PCCCR ở huyện Hoài Ân được triển khai đồng bộ từ chính quyền các cấp cho tới chủ rừng, người dân sống ở ven rừng.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, công tác PCCCR ở huyện này được Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến xã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo… Ngoài hoạt động chuyên môn, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của ngành chức năng huyện này trong công tác PCCCR.

Trước dự báo năm nay nắng nóng sẽ rất khắc nghiệt, Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân đã phân công cán bộ, nhân viên đứng chân các khu vực phụ trách theo dõi tình hình; thường xuyên kiểm tra, tuần tra, luôn trong tư thế chủ động ứng phó với cháy rừng; liên tục tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra các vùng rừng có nguy cơ cháy cao để kịp thời xử lý trong tình huống khẩn cấp.       

Ngành chức năng Bình Định thường xuyên theo dõi rừng trên địa bàn để phát hiện sớm nếu có cháy rừng xảy ra. Ảnh: V.Đ.T.

Ngành chức năng Bình Định thường xuyên theo dõi rừng trên địa bàn để phát hiện sớm nếu có cháy rừng xảy ra. Ảnh: V.Đ.T.

“Từ đầu tháng 4 đến hết tháng 8 hàng năm là thời điểm nguy cơ cháy rừng lên mức cao nhất. Trong thời gian này, toàn bộ nhân viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân hầu như bám trạm, cắm chốt ở các điểm rừng có nguy cơ cháy cao. Chúng tôi xác định trong công tác PCCCR thì việc phòng là chính, nên cách tốt nhất phải phát hiện sớm. Do vậy, cùng với việc chuẩn bị tốt, luôn ở tư thế sẵn sàng, việc tăng cường lực lượng để phát hiện sớm là cách mà chúng tôi đang áp dụng nhiều năm nay để bảo vệ hơn 26.000 ha rừng đơn vị đang quản lý, bảo vệ”, ông Lê Văn Bình, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân chia sẻ.

Còn tại huyện Phù Mỹ, từ đầu tháng 4 đoàn kiểm tra an toàn PCCCR của huyện sẽ trực tiếp làm việc với chính quyền các xã có rừng và các chủ rừng, kiểm tra những nội dung liên quan công tác PCCCR, nhất là việc thực hiện kế hoạch, phương án PCCCR mà huyện đã đề ra.

Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với các xã hướng dẫn 144 chủ rừng nhóm I lập phương án PCCCR trên diện tích rừng được Nhà nước giao quản lý, sử dụng. Đơn vị cũng đồng thời tham mưu chính quyền các xã kiện toàn 17 ban chỉ huy, 71 tổ PCCCR, lực lượng tham gia gồm 783 người; ban hành 17 kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR năm 2024 và 17 phương án PCCCR giai đoạn 2024-2028.

“Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức 4 đợt triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo vệ rừng và PCCCR đến tận các thôn với 150 lượt người tham dự”, ông Ngô Khánh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ cho biết.

Trước mùa khô, ngành chức năng Bình Định và chủ rừng phát dọn thực bì để ngăn chặn nạn cháy rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Trước mùa khô, ngành chức năng Bình Định và chủ rừng phát dọn thực bì để ngăn chặn nạn cháy rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Từng bước số hóa công tác PCCCR

Theo ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, đến nay, hầu hết đơn vị, chủ rừng trên địa bàn đã triển khai các biện pháp PCCCR; thường xuyên theo dõi cấp dự báo cháy rừng và tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, nhất là những vùng được dự báo có nguy cơ xảy ra cháy cao...

Nhằm giúp các địa phương chủ động giải pháp PCCCR, mỗi ngày, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bình Định thường xuyên cập nhật những vùng trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao lên nhóm Zalo chung của lãnh đạo các phòng chuyên môn, các hạt kiểm lâm và chủ rừng. “Thống kê từ đầu năm đến nay, có những ngày có đến 2-3 khu vực ở mức nguy cơ cháy cao nhất, nhưng nhờ xử lý kịp thời nên chưa xảy ra vụ cháy rừng nào”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định Lê Đức Sáu thông tin.

Ngành kiểm lâm Bình Định còn năng động phối hợp với chủ rừng, các ngành, hội, đoàn thể và chính quyền địa phương đến tận nhà tuyên truyền trực tiếp cho những hộ dân sống cạnh rừng, đặc biệt là các hộ dân người người dân tộc thiểu số, các đối tượng thường xuyên vào rừng về công tác PCCCR. “Nội dung tuyên truyền được các hạt kiểm lâm diễn giải thật ngắn gọn để người dân dễ hiểu, dễ nhớ”, ông Sáu cho biết.

Cán bộ kiểm lâm sử dụng ứng dụng công nghệ FRMS để cập nhật diễn biến rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Cán bộ kiểm lâm sử dụng ứng dụng công nghệ FRMS để cập nhật diễn biến rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Ngành chức năng Bình Định xác định rừng trồng là đối tượng có nguy cơ cao cháy rừng do hầu hết nằm tiếp giáp với khu dân cư, người dân sống cạnh rừng thường đốt vàng mã ở những khu mộ nằm sát bìa rừng làm tàn tro bay lan xa, hoặc đốt thực bì, sấm sét lớn gây cháy nổ...

Ông Lê Đức Sáu cho biết thêm: Lúc cao điểm cháy rừng, Ban Chỉ huy PCCCR các cấp của tỉnh này sẽ ứng trực 24/24, đẩy mạnh công tác tuần tra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là sử dụng phần mềm cảnh báo cháy rừng, phần mềm phát hiện điểm cháy vệ tinh phát hiện sớm cháy rừng để kịp thời ứng phó.

“Chi cục Kiểm lâm Bình Định sẽ tham mưu cấp thẩm quyền đầu tư kinh phí mua sắm các trang thiết bị, phương tiện hiện đại nhằm chủ động ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, mất rừng, kiểm soát hiệu quả cháy rừng, nâng cao khả năng giám sát biến động rừng, cháy rừng; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hệ thống máy vi tính, mạng Internet chất lượng cao... phục vụ cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong ngành lâm nghiệp”, ông Lê Đức Sáu chia sẻ.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm