| Hotline: 0983.970.780

Về bản dịch cuốn “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX”:

Bản dịch cần tường minh hơn

Thứ Hai 09/05/2016 , 07:25 (GMT+7)

TS. Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học (ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) cho rằng, nếu bàn đến bản dịch, muốn khen chê gì cần có một sự đối chiếu với nguyên tác...

Báo NNVN số ra ngày 19/4 có bài: Về bản dịch cuốn “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” (NXB Thế giới - Cty Nhã Nam, 2016). Sau khi bài đăng, chúng tôi đã nhận được ý kiến trao đổi của nhiều bạn đọc quan tâm xung quanh bản dịch này. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.

Cần trích dẫn nguyên tác để so sánh

TS. Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học (ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) cho rằng, nếu bàn đến bản dịch, muốn khen chê gì cần có một sự đối chiếu với nguyên tác.

Ví dụ, khi trích một câu của bản dịch, ta nên trích một câu nguyên tác. Như vậy mới có thể nói là thuyết phục được. Có những câu, đoạn, khi đọc ta thấy “ngô nghê” nhưng phải rạch ròi được đó là cái “ngô nghê” của bản dịch hay của nguyên tác.

“Muốn thuyết phục thì mỗi lần trích dẫn bản dịch thì nên trích cả nguyên tác xem nguyên tác thế nào và bản dịch thế nào. Như vậy mới đảm bảo được tính chính xác”, ông Thạch nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với TS. Phạm Xuân Thạch, từ Cộng hòa Pháp, GS. Hà Dương Tường (Giáo sư ĐH Công nghệ Compiègne), cho biết: “Tôi thấy anh Kiều Mai Sơn (tác giả bài viết) chỉ ra những chỗ sai sót trong bản dịch ấy là đúng, nhưng đánh giá nó qua câu “nguy cơ biến thành phế tác” thì quá không cân xứng".

Ông Hà Dương Tường lấy một ví dụ sai sót về “kiến thức”, đó là dịch câu màu sơn véc-ni đỏ ở kinh thành Thăng Long thế kỷ 12 (tr. 175). Đây là một câu trong một đoạn trích dẫn dài mà tác giả Lê Thành Khôi trích từ một bản dịch cuốn sách của Mã Đoan Lâm. Cuốn sách có trong danh sách sách tham khảo.

“Qua đó người ta biết rằng bản dịch này của Hervey Saint Denys (HSD) được xuất bản ở Genève vào 1876 - 1883, và cái “vernis rouge” (có trong nguyên tác) đơn giản là ở trong đoạn mà tác giả Lê Thành Khôi mang nguyên văn vào cuốn sách của ông.

Vậy thì, từ mô tả của Mã Đoan Lâm sang bản dịch của HSD nó đã có rồi, Lê Thành Khôi không thấy cần truy tầm xem trên thực tế đó là loại sơn gì”. Ông Tường cho rằng đó chỉ là tiểu tiết. Vì thế, dịch giả tiếng Việt không có lỗi gì trong chuyện chuyển ngữ này.

“Nếu ai muốn tìm hiểu sơn thời Lý gồm những hoá chất gì thì xin cứ tìm hiểu, nói dịch giả là thiếu kiến thức khi dịch đúng như nguyên tác có quá đáng không?”, GS. Hà Dương Tường nêu câu hỏi.

17-42-42_h-duong-tuong
GS. Hà Dương Tường

Vẫn theo ý kiến của GS. Tường, cái khó trong tất cả các dẫn chứng tác giả bài báo đưa ra là do dịch ngược: Các tên chức tước tác giả Lê Thành Khôi chắc đã gặp khá nhiều khó khăn khi dịch sang tiếng Pháp, vì phải chọn tương đương thay vì dịch từng từ một, tới khi dịch ngược thì dịch giả và người hiệu đính không phải là sử gia nên không truy ra gốc gác, cái này lẽ ra NXB kiếm một sử gia nhờ đọc lại thì hay hơn.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là tiểu tiết, cần một lời xin lỗi và chỉnh sửa của NXB khi tái bản, trong đó người đọc sẽ biết là “Chấn Vũ học hiệu ở Tokyo” là một thứ hàn lâm viện quân sự, và lính khố xanh là một thứ “dân quân tự vệ” của Pháp ở Việt Nam thời trước...”.

Cần dịch, chú thích và hiệu đính tường minh

Còn theo Kiến trúc sư Dương Quốc Chính, bản dịch cuốn sách “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” rất ngớ ngẩn, thái miếu thì viết là miếu hiệu, làm sao mà làm nghi lễ tại miếu hiệu được? Cách dịch địa danh, tên quốc gia cũng rất tùy tiện.

Lúc gọi là Khmer lúc thì Cao Miên, lúc thì Chân Lạp, ngay cùng một ngữ cảnh, giai đoạn. Lúc thì gọi là Trung Quốc cũng gọi là nhà Thanh. Lúc gọi là Phú Xuân, lúc gọi là Huế (lúc đó chưa có tên này).

Kiến trúc sư Dương Quốc Chính cho rằng, quyển “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” viết theo dạng sử lược, nhưng đôi chỗ do cắt xén quá làm độc giả hiểu sai bản chất.

Như ở trang 378 tóm tắt đến nỗi không viết thêm được Trịnh Bồng, là người lại nổi lên khôi phục nhà chúa, chỉ thấy ghi là họ Trịnh. Ông này mới là chúa Trịnh cuối cùng, trong khi trang trước cũng chỉ nói là “vị chúa cuối cùng” phải tự vẫn, tác giả cũng không nỡ viết thêm cái tên ông ta là Trịnh Khải.

“Sách sử cần lắm những cái tên của những nhân vật quan trọng này, thì lại không viết, chỉ có 1 - 2 chữ thôi mà”.

Vấn đề ông Chính chỉ ra, theo ông, đó là sai. “Trịnh Khải không phải chúa Trịnh cuối cùng mà là Trịnh Bồng, đã xưng làm Án Đô vương”. Vì vậy, “có viết thêm thì cũng chỉ mất 4 - 5 chữ, không làm rườm rà cho quyển sách mà làm cho nó tường minh hơn nhiều”, Kiến trúc sư Dương Quốc Chính nói.

Bình luận về bài viết phê bình bản dịch trên báo NNVN, nhà báo Bùi Hữu Dương, Ban Quốc tế (Báo Quân đội Nhân dân) bình luận: Để đánh giá một bản dịch, phải đưa ra các tiêu chí đánh giá (thường dựa trên 3 tiêu chí cơ bản là Tín, Đạt, Nhã) và sử dụng các phương pháp đánh giá khác nhau (so sánh bản gốc, dịch ngược lại ngôn ngữ nguồn, kiểm tra mức độ đọc hiểu của độc giả, kiểm tra mức độ trôi chảy của bản dịch…). 

17-42-42_bui-huu-duong
Nhà báo Bùi Hữu Dương

“Theo tôi nghĩ thì Kiều Mai Sơn đánh giá bản dịch dựa trên việc kiểm tra mức độ trôi chảy (ngôn ngữ dịch đọc lên có trúc trắc hay không) và tiêu chí Đạt và Nhã (liệu người đọc có hiểu rõ thông điệp được chuyển tải hay không, hình thức ngôn ngữ sử dụng có tự nhiên và dễ đọc hay không, thuật ngữ có sử dụng đúng không...)”. 

Ông Dương cho rằng: “Nếu độc giả không hiểu rõ ý định của tác giả khi đọc bản dịch, hay ngôn ngữ không được tự nhiên, trúc trắc, thuật ngữ sai thì bản dịch đó có vấn đề và cần xem lại”.

Bỏ hai bảng index thì lỗi to hơn nhiều

“Tôi không nói là bản dịch hoàn hảo đâu. Đáng trách hơn những chỗ mà Kiều Mai Sơn đưa ra trong bài, tôi thấy chẳng hạn chuyện này: nguyên tác có hai bảng tra cứu (index) khá công phu, một là về các danh từ (index des sujets, từ tr. 415 tới 426 theo bản của tôi), hai là các tên riêng, kể cả tên các tác phẩm trích dẫn (từ tr. 427 tới 448), cả hai đều có chua chữ Hán.

Ở Paris mà một NXB năm 1981, chưa có internet, sách còn phải xếp chữ, đã cố gắng có index chua chữ Hán mà ở Việt Nam vào năm 2014 NXB đã loại bỏ hai bảng index ấy thì lỗi to hơn nhiều”.

(GS. Hà Dương Tường)

 

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Trực tiếp Bình Phước vs PVF-CAND giải V-League 2 trên FPTPlay hôm nay 10/5

Link xem trực tiếp bóng đá Bình Phước vs PVF-CAND tại vòng 16 giải V-League 2 (hạng Nhất Việt Nam) 2023/24 trên kênh FPTPlay vs TV360 vào lúc 18h00 hôm nay 10/5/2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất