| Hotline: 0983.970.780

Theo vết đường dây bảo kê xây dựng nhà xưởng trái phép

Bản đồ địa chính xã Tân Triều mờ dần màu xanh, ai chịu trách nhiệm?

Thứ Sáu 17/01/2025 , 06:30 (GMT+7)

Những nhà xưởng trái phép mọc lên trên đất nông nghiệp ở Tân Triều, như vết cắt sắc lạnh, phơi bày sự bất lực và vòng xoáy trách nhiệm luẩn quẩn của chính quyền.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, tình trạng xây dựng và cho thuê nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Thực tế, các công trình xây dựng trái phép không phải là hiện tượng tự phát. Chúng hoạt động theo một hệ thống có tổ chức với các mắt xích phối hợp nhịp nhàng để hợp thức hóa vi phạm. Những lời quảng cáo như "đất không tranh chấp", "làm luật đầy đủ" được đưa ra như lời cam kết để thu hút khách thuê, biến đất nông nghiệp thành những "khu công nghiệp tự phát".

Mặc dù tình trạng này diễn ra công khai và kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm và năng lực quản lý của chính quyền địa phương. Việc để vi phạm tồn tại lâu dài không chỉ thể hiện sự buông lỏng trong quản lý mà còn tiềm ẩn dấu hiệu tiếp tay cho sai phạm.

Trụ sở UBND xã Tân Triều. Ảnh: Đức Minh.

Trụ sở UBND xã Tân Triều. Ảnh: Đức Minh.

"Tân Triều luôn luôn nóng"

Ngày 2/1/2025, theo lịch hẹn, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Vũ Hùng, cán bộ Thanh tra xây dựng xã Tân Triều. Trong buổi trao đổi, ông Vũ Hùng thẳng thắn thừa nhận rằng tình trạng vi phạm đất nông nghiệp trên địa bàn là vấn đề nóng bỏng và kéo dài: "Tân Triều luôn luôn nóng".

Lời chia sẻ này không chỉ phản ánh thực trạng vi phạm kéo dài, mà còn như một lời biện minh cho sự bất lực của chính quyền trong việc kiểm soát và xử lý. Câu trả lời cũng ngầm thừa nhận rằng vi phạm đã và đang trở thành "chuyện thường ngày" ở Tân Triều. Thay vì đưa ra giải pháp cụ thể, nhận định này lại thể hiện sự thụ động trước vấn nạn tồn tại lâu năm?.

Khu vực nhà xưởng dược xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp của ông Triệu Hải N.. Ảnh: Phương Thảo.

Khu vực nhà xưởng dược xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp của ông Triệu Hải N.. Ảnh: Phương Thảo.

"Đất nông nghiệp mà xây dựng nhà xưởng thì sai với quy định của pháp luật rồi. Bọn anh được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phối hợp với địa chính xã để thiết lập hồ sơ xử lý các vụ vi phạm. Nhưng đất không sử dụng được vào mục đích nông nghiệp thì người dân dựng xưởng lên để kiếm thêm thu nhập. Trên địa bàn huyện Thanh Trì này, xã nào cũng có tình trạng tương tự, không riêng gì Tân Triều", ông Hùng lý giải. 

Lý do "đất không cấy hái được" hay "kiếm thêm thu nhập" mà vị cán bộ Thanh tra xây dựng này đưa ra không thể là cái cớ để chính quyền phớt lờ hoặc buông lỏng quản lý. Pháp luật quy định rõ ràng về việc sử dụng đất nông nghiệp, và việc xây dựng nhà xưởng trái phép không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng quy hoạch và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Nhiều nhà xưởng hoạt động với đủ loại ngành nghề kinh doanh. Ảnh: Phương Thảo.

Nhiều nhà xưởng hoạt động với đủ loại ngành nghề kinh doanh. Ảnh: Phương Thảo.

Hơn nữa, việc cho rằng “xã nào cũng có, không riêng gì Tân Triều” chỉ càng làm nổi bật thực trạng vi phạm lan rộng trên toàn huyện Thanh Trì, không còn là một vấn đề cục bộ. Đây không phải là sự biện minh hợp lý, mà là lời thừa nhận về sự bất lực trong công tác quản lý.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết, công tác kiểm tra, xử lý được thực hiện thường xuyên, với hàng chục trường hợp bị phá dỡ. Nhưng khi được hỏi về số liệu cụ thể các trường hợp vi phạm và biện pháp xử lý, ông lại đẩy trách nhiệm sang bộ phận địa chính xã, với lý do: “Chúng tôi chỉ phối hợp kiểm tra bước đầu, còn hồ sơ xử lý thì thuộc thẩm quyền bên địa chính và phòng tài nguyên môi trường”.

Bà Triệu Thị H., một chủ đất nông nghiệp đã xây dựng xưởng từ năm 2021 để cho thuê. Ảnh: Đức Minh.

Bà Triệu Thị H., một chủ đất nông nghiệp đã xây dựng xưởng từ năm 2021 để cho thuê. Ảnh: Đức Minh.

Sự đùn đẩy trách nhiệm này không chỉ phản ánh sự thiếu hiệu quả trong phối hợp giữa các bộ phận, mà còn tạo nên một vòng luẩn quẩn trách nhiệm, nơi không ai dám đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp. Hệ quả là, các sai phạm không được xử lý triệt để, tiếp tục kéo dài và ngày càng nghiêm trọng.

Sau buổi làm việc, ông Hùng cũng nhấn mạnh lại với phóng viên rằng, các nội dung trao đổi chỉ là "chia sẻ ngoài lề" và không đủ thẩm quyền phát ngôn chính thức. Thế nhưng, chính những lời chia sẻ này đã làm rõ một điều: Chính quyền xã biết rất rõ tình trạng vi phạm, nhưng lại không có hành động cụ thể để giải quyết dứt điểm.

Vòng luẩn quẩn trách nhiệm

Hơn hai tuần sau khi phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh tình trạng vi phạm, phản ứng từ chính quyền địa phương vẫn chỉ là sự im lặng hoặc những lời hứa hẹn chung chung. Đến ngày 16/01, khi phóng viên liên lạc lại với UBND xã Tân Triều, cuộc làm việc cuối cùng cũng được sắp xếp. Tuy nhiên, nội dung trao đổi không khác là bao so với những gì đã được cán bộ phụ trách xây dựng xã chia sẻ trước đó.

Tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Văn Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều, người đã có hơn 20 năm công tác tại địa phương này. Ông thẳng thắn trình bày: “Đất nông nghiệp trên địa bàn gần như bao nhiêu năm nay vẫn tồn tại những khó khăn. Các dự án thu hồi thì chậm, không triển khai, dẫn đến tình trạng đất xen kẹt. Bên cạnh đó, Tân Triều có làng nghề truyền thống Triều Khúc, các hộ dân được giao đất theo Nghị định 64-CP nên tận dụng diện tích thu hồi không sản xuất nông nghiệp để làm nơi sản xuất, kinh doanh, kho hàng. Đúng là trên địa bàn có tình trạng dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp”.

'Trên bản đồ địa chính hiện nay, xã Tân Triều (khu vực khoanh tròn tượng trưng) không còn màu xanh nữa, chỉ còn khoảng 69 hecta, chiếm khoảng 23% tổng diện tích' ông Nguyễn Văn Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết. Ảnh: Thiên Trường.

"Trên bản đồ địa chính hiện nay, xã Tân Triều (khu vực khoanh tròn tượng trưng) không còn màu xanh nữa, chỉ còn khoảng 69 hecta, chiếm khoảng 23% tổng diện tích" ông Nguyễn Văn Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết. Ảnh: Thiên Trường.

Ông Lăng nhấn mạnh, vào tháng 9/2024, UBND xã đã tổ chức cưỡng chế hơn 10.000m2 nhà xưởng trái phép tại các khu vực Yên Xá, ngõ 300 và ngõ 268 Nguyễn Xiển. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận: "Kết quả đó chỉ là một phần nhỏ trong tổng số vi phạm. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch triệt để cho từng khu vực, nhưng công tác quản lý địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là với đất thuộc các dự án chưa được giao cho chủ đầu tư quản lý. Trong nhiều trường hợp, cưỡng chế xong thì một thời gian sau lại tái vi phạm. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị với huyện và thành phố rằng đất chưa giao cho chủ đầu tư thì cần được giao tạm cho một tổ chức có tư cách pháp nhân quản lý, tránh lãng phí và ngăn chặn vi phạm".

"Những vi phạm đều được kiểm tra, lập hồ sơ đầy đủ. Nhưng để xử lý triệt để thì thực sự khó. Là cấp cơ sở thấp nhất trong hệ thống chính quyền, chúng tôi cũng có những điều khó chia sẻ. Nếu chỉ mang lý lẽ và luật pháp ra làm việc thì sẽ rất phức tạp", Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết. 

Khi được hỏi về số liệu cụ thể liên quan đến vi phạm và biện pháp xử lý, ông Lăng hứa sẽ tổng hợp và cung cấp vào ngày 20/01/2025. Việc trì hoãn cung cấp thông tin càng làm nổi bật sự thiếu minh bạch và thiếu hiệu quả trong quản lý của chính quyền xã.

Ông Nguyễn Văn Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có nhiều diện tích đất nông nghiệp nhưng người dân không thể sản xuất nông nghiệp do không có hệ thống tưới tiêu, không còn hệ thống kênh mương. Đất để hoang hoá, xã cũng phải kiểm soát vì nhiều trường hợp đổ trộm rác thải trên diện tích đó.

Ông Nguyễn Văn Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có nhiều diện tích đất nông nghiệp nhưng người dân không thể sản xuất nông nghiệp do không có hệ thống tưới tiêu, không còn hệ thống kênh mương. Đất để hoang hoá, xã cũng phải kiểm soát vì nhiều trường hợp đổ trộm rác thải trên diện tích đó.

Trước đó, ngày 31/12/2024, phóng viên đã liên hệ và đặt lịch làm việc với UBND huyện Thanh Trì, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó, tình trạng xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại Tân Triều tiếp diễn công khai. 

Rõ ràng, từ cấp xã đến cấp huyện, quy trình xử lý vi phạm đất nông nghiệp dường như rất thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Thậm chí, trách nhiệm bị đùn đẩy giữa các phòng ban, khi tình trạng vi phạm ngày càng diễn ra nghiêm trọng và công khai.

Trong khi đó, báo chí đã phản ánh, thậm chí sẵn sàng cung cấp thông tin. Nhưng thay vì quyết liệt, khẩn trương vào cuộc xác minh, kiểm tra và xử lý thì chính quyền các cấp lại cho thấy sự thờ ơ, không có động thái phối hợp để việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Trong suốt thời gian tìm hiểu, phóng viên nhận thấy rằng không cần mất quá nhiều thời gian để phát hiện các vi phạm đất nông nghiệp tại Tân Triều. Một vòng xe máy quanh khu vực cũng đủ để chứng kiến những nhà xưởng, kho bãi mọc lên nhan nhản. Vậy tại sao những người có trách nhiệm lại không thể nhìn thấy? Phải chăng, sự thờ ơ này là kết quả của việc "nhắm mắt làm ngơ" trước những sai phạm?

Thiết nghĩ, để "hạ nhiệt" về tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp tại xã Tân Triều, cần có những bước đi mạnh mẽ và quyết liệt. Trong đó, chính quyền địa phương cần công khai số liệu vi phạm, biện pháp xử lý, và kết quả thực hiện để người dân giám sát; Truy cứu trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn phụ trách; Dỡ bỏ triệt để các công trình vi phạm, không để tiền lệ xấu tiếp diễn;Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành từ cấp thành phố để rà soát toàn diện tình trạng vi phạm tại Tân Triều.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.