Sau nhiều ngày tìm hiểu, nhóm phóng viên đã lần theo dấu vết của một đường dây bảo kê tinh vi, giúp hợp thức hóa việc thuê, dựng xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Từ những "cò đất" đến các chủ đất và cả hệ thống chính quyền cơ sở đang cố tình làm ngơ. Bức tranh vi phạm đất đai tại đây dần lộ diện với nhiều chiêu trò phức tạp...
Thị trường “chợ đen” kho xưởng trái phép
Chỉ cần lên google gõ từ khóa “thuê kho xưởng Thanh Trì”, kết quả tìm kiếm sẽ hiện lên nhiều trang website như: batdongsan.com.vn; alonhadat.com.vn; chothuenhaxuong.site…với nội dung quảng cáo hấp dẫn như thuê kho nhà xưởng ngắn hạn, dài hạn, miễn phí một tháng thuê kho. Nhưng đằng sau những lời quảng cáo bóng bẩy là một hệ thống môi giới hoạt động kín kẽ, biến đất nông nghiệp thành những kho, xưởng, địa điểm kinh doanh chỉ trong thời gian ngắn.
Trong vai người có nhu cầu thuê xưởng để tập kết hàng hóa, phóng viên liên hệ với số điện thoại được gắn trên website, đầu dây bên kia là một người đàn ông tên N.V.Q. nhận là dân môi giới trong hoạt động thuê, mua bán nhà xưởng trên địa bàn huyện Thanh Trì, chỉ cần cho biết diện tích kho xưởng mong muốn, ngay lập tức Q. có thể dẫn đi xem.
Ngay sau cuộc gọi, Q. xuất hiện tại điểm hẹn. Anh ta không ngần ngại, tự nhận “bao thầu” toàn bộ hoạt động thuê kho xưởng tại Thanh Trì. Ngoài ra, còn kết nối các quận khác như Hoàng Mai, Long Biên. Thủ tục thuê xưởng nhanh gọn, giá cả và chất lượng luôn được đảm bảo.
Tiếp đó, Q. dẫn chúng tôi đến kho xưởng ở đường Chu Văn An, gần khu vực cổng sau bệnh viện K Tân Triều. “Kho xưởng này rộng 250m2, trước kia có đơn vị thuê làm gra ô tô, giờ họ mở rộng thêm nên thuê chỗ khác. Giá xưởng này 20 triệu/tháng, rẻ nhất khu vực Thanh Trì, anh chị chốt sớm vì có nhiều bên liên hệ muốn thuê", Q. cho biết.
Khi phóng viên thắc mắc về nguồn gốc đất, người đàn ông này thẳng thắn chia sẻ, xưởng quanh đây đều xây dựng trên đất nông nghiệp, riêng xưởng này gom từ nhiều chủ khác nhau.
“Đất kho xưởng hiện nay một là đất nông nghiệp, hai là đất dự án, chỉ lo nhà nước thu hồi chứ không lo tranh chấp. Xưởng này bị kẹt giữa đất dự án với trạm xử lý nước thải Yên Xá nên anh chị yên tâm thuê lâu dài, không lo tháo dỡ”, Q. nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm môi giới, Q. tiết lộ cho phóng viên lý do hợp đồng thuê đất thường chỉ kí từ 3-5 năm. “Thường các chủ kho sẽ tính toán thời gian từ khi dựng xưởng cho đến khi bị thu hồi, thời gian từ 3-5 năm. Thời gian đó đủ để thu hồi vốn. Khách thuê thời gian đầu sẽ không sao, giai đoạn sau bị giải tỏa là cao.
Để khách thuê có thêm sự lựa chọn, Q. dẫn chúng tôi đến vị trí kho nằm trên trục đường chính Tân Triều mới thuộc thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Với lời quảng cáo, đây là kho có vị trí đẹp, khu dân cư sầm uất, rất phù hợp với việc làm địa điểm trưng bày sản phẩm, đất có sổ 50 năm, không sợ nhà nước thu hồi vì đất không nằm trong quy hoạch dự án.
“Giá ở đây 115.000/m2, 300m2 tương đương 35 triệu/ tháng. Anh chị có thể kí hợp đồng thuê 5 năm, đóng tiền 3 tháng 1, không lo nhà nước thu hồi”, Q. chia sẻ.
Mánh khóe trong "làm luật"
Nhằm tạo sự tin tưởng, Q. không ngần ngại tiết lộ quy trình dựng xưởng trái phép. Theo đó, các chủ đất thường khởi đầu bằng việc dựng khung tạm bợ trên một phần nhỏ đất, đợi lực lượng chức năng kiểm tra và xử phạt. Sau khi nộp phạt, họ tiếp tục hoàn thiện công trình. Chiêu thức này không chỉ giúp họ hợp thức hóa việc xây dựng mà còn lách qua các lần kiểm tra tiếp theo.
Để hiểu rõ hơn về cách hoạt động của hệ thống “làm luật”, Q. dẫn chúng tôi gặp bà Triệu Thị H., một chủ đất lớn tại xóm Chùa, xã Tân Triều. Bà H. không ngần ngại khoe bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho biết diện tích 680m2 của mình đã được dựng xưởng từ năm 2021. Trên giấy tờ quyền sử dụng đất, chủ sở hữu có thể sử dụng đất đến ngày 01/04/2069.
Khi được hỏi về việc dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp từ năm 2021 mà không gặp trở ngại hay bị tháo dỡ, bà H. thẳng thắn tiết lộ: “Chỉ cần làm luật xong xuôi là ổn”. Bà cũng chia sẻ thêm, trước đây việc này thường được thực hiện trực tiếp với một vị lãnh đạo xã, kèm theo một khoản chi phí nhất định tùy từng thời điểm. “Các em về đây thuê xưởng yên tâm, không vấn đề gì cả”, bà H. khẳng định đầy chắc chắn.
Bà H. còn hướng dẫn chúng tôi tiếp cận một số chủ thuê xưởng khác trong khu vực, nhấn mạnh rằng Tân Triều là địa bàn "dễ thở" nhất để các xưởng trái phép hoạt động. Theo chỉ dẫn của bà, khu vực đường Tân Triều mới, thôn Triều Khúc, sát phim trường Cherry Land là hàng loạt các nhà xưởng với đầy đủ các nghề như làm nhựa, sản xuất sơn, làm bao bì sản phẩm….
Tiếp cận với anh N.V.Đ. (36 tuổi), chủ một cơ sở sản xuất nhựa, anh cho biết đã thuê xưởng được 6 tháng với diện tích hơn 280m2, mức giá thuê 85.000 đồng/m2. Tổng chi phí mỗi tháng đơn vị anh phải chi trả là 24 triệu đồng. Theo anh Đ., giá thuê tại khu vực này thường dao động từ 85.000 đến 100.000 đồng/m2, tùy thuộc vào vị trí và tình trạng xưởng.
Anh Đ. thẳng thắn chia sẻ: “Ở đây, chủ xưởng đã ‘làm luật’ đầy đủ cho hết, mình chỉ cần làm việc với thuế và phòng cháy chữa cháy, đấy là trách nhiệm của mình. Còn nếu không làm luật thì chắc chắn sẽ bị phá dỡ".
Đối diện với xưởng sản xuất nhựa của anh Đ. là loạt nhà xưởng vừa bị phá dỡ do "thiếu luật". Điều đáng chú ý là các xưởng này đều đã gần hoàn thiện trước khi bị xử lý. Theo chị N.T.T., một người dân địa phương có nhiều kinh nghiệm trong việc dựng xưởng trên đất nông nghiệp tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều cho biết: "Phải đợi dựng xưởng gần xong thì mới đi phá, để người ta xót của, xót công sức, người ta phải xin, luật cả".
Từ những thông tin của chị T., nhóm phóng viên tiếp tục vào vai người có nhu cầu thuê đất để dựng xưởng. Qua đó, phóng viên đã tiếp cận được ông N.T.N., một người dân tại thôn Triều Khúc, người đã tự dựng xưởng trên đất nông nghiệp từ năm 2018.
Ông N. dẫn phóng viên đến xem khu đất của gia đình mình, tiếp giáp số 5-NV1, KĐT Tổng Cục V-Bộ Công An, xã Tân Triều. Khu đất có diện tích 400m2 hiện được ông quây kín bằng tôn. Theo ông N., từ năm 2018, gia đình ông đã dựng xưởng trên diện tích 1.127m2 đất nông nghiệp của gia đình. Hiện tại, ông N., cho đơn vị khác thuê được 4 năm.
Với kinh nghiệm của mình, ông N. cho biết: “Kể cả đã làm luật thì xưởng vẫn bị xử lý ‘nhẹ’ từ một đến hai lần. Cách thức của chúng nó cả, để có biên bản kiểm tra, hợp thức hóa hồ sơ nếu cấp trên hỏi đến, sau đó sẽ ‘nhắm mắt, làm ngơ’ cho mình hoạt động”.
Có thể thấy, việc cho thuê nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại huyện Thanh Trì đang mang lại lợi nhuận lớn cho các chủ đất, với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm tùy theo diện tích. Tuy nhiên, con đường để biến những thửa đất nông nghiệp thành nhà xưởng hoạt động hợp pháp “trên danh nghĩa” lại không hề dễ dàng. Các chủ đất phải chấp nhận chi trả một khoản “lót nền” không nhỏ.